Siêu mẫu Lê Thúy sụt tới 10kg, nhập viện vì nhiễm trùng, những ai lười uống nước cần thận trọng

30-04-2020 22:05:57

Mới đây, Á quân của Vietnam's Next Top Model 2011 Lê Thúy đã chia sẻ việc nhập viện vì nhiễm trùng, sụt tới 10kg. Chuyên gia cho rằng, bệnh Lê Thúy gặp phải có thể từ thói quen rất nhỏ mọi người không chú ý cảnh báo cho những ai lười uống nước.

Lê Thúy là Á quân của Vietnam's Next Top Model 2011. Cô gây ấn tượng bởi gương mặt góc cạnh, thân hình cò hương, đậm chất thời trang. Sau khi lập gia đình, nữ siêu mẫu đã hạn chế xuất hiện trên sàn catwalk thay vào đó tập trung vào công việc kinh doanh.

Mới đây, siêu mẫu Lê Thúy đã chia sẻ trên trang cá nhân thông tin về sức khỏe của mình. Theo cô chia sẻ, những ngày này liên tục bị sốt, sốt cao lên đến 43 độ nên phải nhập viện và được chẩn đoán do nhiễm trùng, viêm ống dẫn thận. Cô phải trở lại bệnh viện tái khám 2 ngày và phải truyền kháng sinh nếu tình trạng không thuyên giảm.


Lê Thúy mới đây phải nhập viện vì nhiễm trùng, viêm ống dẫn thận. Ảnh TL

Rất nhiều người trước đó cũng đã lo lắng cho Lê Thúy sụt tới 10 kg, suy nhược cơ thể. Cơ thể cô gầy báo động với chiều cao 1m84 mà chỉ nặng hơn 40 kg. Qua sự việc này, Lê Thúy viết: "Sức khỏe là trên hết, nên đây cũng là bài học cho em khi em lao đầu vào làm quá và bỏ bê sức khỏe. Nhất là em quên luôn uống nước. Thời gian em đứng bếp, em quên ăn quên uống nên mới tới cơ sự như ngày hôm nay".

Trước thông tin về sức khỏe của Lê Thúy sụt tới 10kg, nhập viện vì nhiễm trùng đã thu hút nhiều người. Trao đổi với PV Báo Gia đình và Xã hội, PGS.TS Hà Hoàng Kiệm – nguyên bác sĩ Bệnh viện 103 cho rằng, những dấu hiệu sốt cao liên tục, nhiễm trùng như trường hợp người mẫu Lê Thúy gặp có thể là bệnh viêm thận – bể thận cấp.

Đây là bệnh lý viêm cấp tính do vi khuẩn xảy ra ở đài thận, bể thận, ống thận và mô kẽ thận. Vi khuẩn thường xâm nhập ngược dòng từ đường tiết niệu thấp lên bể thận, đài thận rồi phát triển gây viêm đài bể thận, lên ống góp, mô kẽ thận gây viêm.

Bệnh lý này xảy ra khi có các điều kiện thuận lợi như tắc nghẽn đường tiết niệu do sỏi, u, bất thường đường tiết niệu; sức đề kháng của cơ thể suy giảm. Đặc biệt là từ việc thiếu nước làm lượng nước tiểu ít đi, dòng nước tiểu chậm tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển. Điều này cảnh báo cho những ai lười uống nước, cung cấp không đủ nước có nguy cơ mắc rất cao.

PGS.TS Hà Hoàng Kiệm cho biết thêm, với trường hợp này nếu nhẹ bệnh đáp ứng tốt với kháng sinh. Tuy nhiên, bệnh cũng có thể gây các biến chứng nặng khi không được điều trị kịp thời. Chẳng hạn, nhiễm khuẩn huyết, bệnh nhân có biểu hiện sốt cao kéo dài, có cơn rét run. Điều trị thường phải phối hợp kháng sinh, truyền kháng sinh theo đường tĩnh mạch và theo kết quả của kháng sinh đồ. Thứ 2, có thể gặp phải suy thận cấp biểu hiện thiểu niệu, vô niệu. Khi viêm thận bể thận tái diễn nhiều lần sẽ dẫn tới viêm thận – bể thận mạn.

Để phòng tránh bệnh, mọi người cần loại trừ các yếu tố nguyên nhân thuận lợi. Uống nhiều nước trên 2 lít/ ngày để làm tăng lưu lượng dòng nước tiểu, tăng đào thải vi khuẩn ra ngoài. Khi cung cấp ít nước, lưu lượng dòng nước tiểu thấp sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển. Những ai vì mải công việc, chỉ uống nước khi khát nên thay đổi thói quen uống nước đầy đủ. Đồng thời, mọi người chú ý, giữ vệ sinh đường tiết niệu sinh dục tốt. Điều trị sớm khi viêm đường tiết niệu thấp và hạn chế các thủ thuật đường tiết niệu.

Ngoài ra, khi có các triệu chứng giống hội chứng bàng quang như đái rát, đái buốt…, đau vùng hố thắt lưng, nước tiểu có thể đục và triệu chứng toàn thân sẽ có sốt cao, có cơn rét run, môi khô... cần phải thận trọng với căn bệnh nguy hiểm này. Mọi người cần nhanh chóng đến cơ sở y tế để thăm khám, điều trị kịp thời. Tình trạng có thể tái diễn nếu điều trị không đầy đủ hoặc không được điều trị.

Phương Thuận
Theo Đời sống Plus/GĐVN //