Sản phụ phải cắt tứ chi sau khi bị áp xe vú: 'Chồng ký giấy cắt tay chân em đi, hết cách rồi'
Trong thời khắc sinh tử khi bác sĩ thông báo phải cắt bỏ hết tứ chi của vợ, anh Tài vô cùng sốc. Nhưng chị Thắm thì bình thản lạ lùng, kêu chồng vào và nói: “Anh đi ký giấy cho em cắt tứ chi đi, hết cách rồi. Nếu không thì vợ không nhìn thấy mặt con đâu”.
Anh Tài chăm sóc vợ - sản phụ cắt tứ chi sau khi bị áp xe vú trên giường bệnh
Cho đến bây giờ sau hơn một tháng nuôi vợ trong viện, câu nói yêu cầu ký giấy cắt cụt chi của vợ là điều mà anh Trần Văn Tài (27 tuổi) không thôi ám ảnh.
Sau thời khắc ấy, từ một bà mẹ khỏe mạnh vừa đón con trai đầu lòng, chị Dương Thị Thắm (26 tuổi, ngụ huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước) đã bỏ lại giấc mơ được ôm con trong lòng mà vỗ về và vuốt ve vào quá khứ.
Thương tâm mẹ trẻ mất vĩnh viễn tứ chi sau 30 ngày sinh
Từ ngày nuôi vợ tại bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) đến nay, anh Tài chỉ được thấy mặt con trai đầu lòng qua những bức ảnh, đoạn clip của bà con từ dưới quê gửi vào điện thoại. Điều đó như xát thêm muối vào nỗi đau khủng khiếp của người đàn ông mà mới một tháng trước vừa lên chức cha.
“Tôi và vợ lấy nhau được ít lâu thì cô ấy mang thai. Thấy vợ hơi yếu nên tôi dồn tiền mở một tiệm dán keo điện thoại để có thời gian chăm sóc vợ. Quá trình mang thai của vợ tôi diễn ra bình thường, không có gì cho đến ngày sinh” - anh Tài kể.
Ngày 17/11/2018, chị Thắm sinh con trai đầu lòng khỏe mạnh trong niềm hạnh phúc của gia đình. Khi con được 15 ngày tuổi thì chị Thắm bị tắt tuyến sữa kéo dài. Đưa đi khám, bác sĩ nói sản phụ đã bị áp xe ngực nặng dẫn đến sốc nhiễm trùng huyết. 7 tiếng sau khi nằm tại một bệnh viện ở Bình Dương, chị Thắm được chuyển khẩn lên tuyến trên.
Chị Thắm nằm tại phòng Hồi sức cấp cứu
Bác sĩ Huỳnh Minh Triều, khoa Chấn thương chỉnh hình, bệnh viện Chợ Rẫy cho biết bệnh nhân Dương Thị Thắm nhập viện trong tình trạng lơ mơ, đang sốc, tình hình nhiễm trùng rất nặng, bị áp xe vú.
Bệnh nhân được thở máy, lọc máu ở khoa Hồi sức tích cực. Đến ngày thứ 11 của quá trình điều trị thì tay, chân bệnh nhân có dấu hiệu hoại tử dần dần.
4 ngày sau vì không thể cứu vãn, các bác sĩ buộc lòng phải cắt cụt tứ chi, loại bỏ phần hoại tử, dùng thuốc khống chế tình trạng nhiễm trùng.
Hiện tại sau khi khâu lại vùng da đã cắt, các mỏm cụt của chị Thắm đã khô, chỉ còn vết thương đùi bên phải hơi rỉ dịch nhưng có thể kiểm soát được. Nếu không có gì thay đổi, bệnh nhân sẽ được xem xét cho xuất viện.
Hình ảnh chị Thắm ôm con vào lòng ngày mới sinh
Nhớ lại thời điểm nghe bác sĩ thông báo vợ sẽ phải đoạn cả hai tay, hai chân để giữ mạng sống, anh Tài vẫn còn bần thần.
"Tôi nghe bác sĩ nói xong mà không thể tin vào sự thật, rất sốc. Nào ngờ khi biết chuyện, vợ kêu tôi vào bảo anh đi ký giấy cho em cắt tứ chi đi, hết cách rồi. Nếu không thì vợ không nhìn thấy mặt con đâu.
Cô ấy nói bằng giọng bình thản lạ lùng khiến tôi vừa ngạc nhiên vừa cay đắng" - anh Tài nói tiếp.
Đến nay, tinh thần của chị Thắm đã cải thiện rất nhiều. Chị tâm sự:“Giờ em và cả chồng chỉ mong về gặp con càng sớm càng tốt, chứ đi lâu quá nhớ nó lắm rồi. Con em còn chưa được khai sinh. Ảnh định đặt cho còn là Trần Xuân Tiến”.
Được biết, quãng thời gian điều trị kéo dài khiến tổng viện phí đến hiện giờ của vợ anh Tài đã lên đến hơn 400 triệu đồng.
Bác sĩ phụ sản: Áp xe ngực không gây nguy hiểm tính mạng
Con trai của hai vợ chồng chị Thắm, anh tài
PV đã liên hệ bác sĩ Lê Thị Kiều Dung, Trưởng khoa Phụ sản, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM để tìm hiểu về mức độ nguy hiểm của tình trạng áp xe ngực ở phụ nữ vừa sinh con.
Bác sĩ Dung phân tích: “Khi cho bú, nhiều bà mẹ làm không đúng cách để bảo vệ nguồn sữa. Tâm lý các bà mẹ, nhất là các cụ thường tiếc, cứ nghĩ nếu sữa còn là để dành cho bú cữ sau chứ không vắt ra hết. Điều này rất sai lầm vì muốn tiết nhiều sữa thì bầu sữa phải trống, kích thích phản xạ tạo tiết sữa mới. Nếu sữa ứ lại trong bầu vú sẽ lắng cặn, làm tắc tuyến sữa, dẫn đến áp xe vú".
Khoảng thời gian 6 tháng đầu em bé còn nhỏ chưa bú nhiều. Nếu trẻ không bú hết, bà mẹ có thể vắt ra và để sữa đó trữ trong ngăn đông tủ lạnh. Nếu không có chỗ trữ thì có thể đem cho các bà mẹ khác thiếu sữa.
Theo các bác sĩ, sữa là môi trường ngọt nên dễ bị vi khuẩn tấn công vào vú, dễ gây nhiễm trùng dẫn đến biến chứng nặng.
Dù vậy bác sĩ cho rằng áp xe ngực chỉ dẫn đến hậu quả là làm bà mẹ đau, mất nguồn sữa cho con bú chứ không nguy hiểm đến mức chết người hay cắt cụt tứ chi.
Việc bệnh nhân bị hoại tử tứ chi nặng có thể còn do mang những bệnh lý kèm theo như suy van tĩnh mạch, giãn tĩnh mạch, tăng đông, huyết khối tĩnh mạch. Nhất là với sản phụ sinh xong nằm một chỗ mà không vận động.
Qua trường hợp trên, bác sĩ cảnh báo sản phụ muốn hạn chế các yếu tố nguy cơ phải bảo vệ đôi chân, mang vớ chống giãn tĩnh mạch. Tránh nguy cơ nhiễm trùng do những nguyên nhân như vệ sinh vùng kín không tốt, từ vết may tầng sinh môn, từ tuyến vú. Nếu có triệu chứng đau nhức chân phải đi siêu âm ngay.
“Sản phụ cần cho bé bú thường xuyên. Bé bú không hết thì hút ra cho thông thoáng, kích thích tạo sữa mới chứ không giữ lại. Nếu thấy bé bú không hết mà ngực lại sưng căng, đau tức cũng phải đi khám ngay vì rất có thể đã bị áp xe vú” - chuyên gia đưa ra lời khuyên.