Sai lầm 'chết người' khi chăm trẻ tay chân miệng có thể gây biến chứng nặng
Theo các bác sĩ, đa số các bệnh nhân tay chân miệng biến chứng, tử vong đều do không đến ngay cơ sở y tế mà tự điều trị tại nhà.
Tay chân miệng là bệnh chưa có thuốc đặc hiệu. Cha mẹ cần đặc biệt theo dõi con để nhận ra sớm các dấu hiệu của bệnh (ảnh minh họa)
Bệnh tay chân miệng đang vào mùa và có số ca mắc lớn. Trong 9 tháng đầu năm, cả nước ghi nhận 82.100 trường hợp mắc tay chân miệng tại 63 tỉnh, thành phố. Đến nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu đối với bệnh tay chân miệng và cũng chưa có vắc xin phòng bệnh nên dù đã có nhiều biện pháp phòng bệnh được triển khai nhưng dịch bệnh này vẫn diễn biến phức tạp.
Trả lời PV Đời sống Plus, PGS TS BS Hoàng Thị Thanh - Phó trưởng Phòng khám chuyên khoa dinh dưỡng VIAM (Viện Y học ứng dụng Việt Nam) cho biết, đa số các bệnh nhân tay chân miệng biến chứng, tử vong đều do không đến ngay cơ sở y tế khi xuất hiện các dấu hiệu của bệnh mà tự điều trị tại nhà (khám phòng khám tư nhân hoặc tự mua thuốc uống), khi trẻ có dấu hiệu chuyển bệnh nặng mới đưa đến các bệnh viện.
Do đó, người dân không nên chủ quan trước bệnh tay chân miệng. Khi phát hiện trẻ có biểu hiện bệnh như sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da chủ yếu ở dạng phỏng nước thường thấy ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông, các phụ huynh cần liên lạc với cơ sở y tể để được tư vấn và xử lý kịp thời.
Bác sĩ Thanh lưu ý, phụ huynh cần đưa trẻ đi khám ngay nếu trẻ sốt cao không hạ, ói nhiều hay tay chân lạnh, run tay run chân, thở mạnh, trẻ có hiện tượng giật mình trên 2 lần trong vòng 30 phút thì cần đưa trẻ khám ngay. Nếu các biến chứng không được phát hiện sớm để can thiệp kịp thời thì bệnh có thể diễn tiến rất nhanh và gây tử vong có thể chỉ trong vòng 24 giờ.
Cũng theo PGS TS BS Hoàng Thị Thanh, một số gia đình khi thấy con có các vết loét do tay chân miệng trên người đã tìm kiếm các phương pháp điều trị như sử dụng thuốc nam dạng bột, viên để bôi lên miệng, vòm lưỡi nhằm chữa triệu chứng loét miệng. Việc này rất dễ khiến trẻ bị ngộ độc các loại thuốc nam, thậm chí có những trường hợp bị viêm loét miệng do bệnh tay chân miệng.
Các bác sĩ cũng lưu ý hiện nay nhiều phụ huynh có xu hướng truyền dịch bừa bãi khi không có chỉ định của thầy thuốc. Tuy nhiên, điều này rất nguy hiểm, hại nhiều hơn lợi.
Theo bác sĩ Thanh, về nguyên tắc truyền dịch tốt cho sức khỏe nhưng không phải lúc nào cũng có thể lạm dụng. Truyền dịch cũng có quy định chặt chẽ. Nó phụ thuộc rất nhiều yếu tố như thể bệnh, dịch được truyền, liều lượng, tốc độ…
Mục đích của truyền dịch là để nuôi dưỡng bệnh nhân, bù đủ lượng dịch mà cơ thể đã bị mất để đảm bảo thể tích tuần hoàn duy trì huyết áp và lượng nước trong các mô của cơ thể. dịch truyền chỉ phát huy tác dụng khi đúng chỉ định, đó là những trường hợp sốt quá cao, nôn quá nhiều gây mất nước, đi ngoài mất nước…
Thậm chí, ngay cả khi truyền dịch đúng chỉ định, bệnh nhân vẫn có thể gặp một số nguy hiểm trong quá trình truyền: chỗ tiêm bị phù, đau sưng, viêm tĩnh mạch, rét run, mặt tái nhợt, vã mồ hôi, khó thở, đau ngực... và đặc biệt là sốc phản vệ.
Vì thế, người dân không nên lạm dụng dịch truyền, bác sĩ cũng cần phải rất thận trọng khi chỉ định truyền dịch cho trẻ để phòng ngừa những biến chứng nguy hiểm không đáng xảy ra với người bệnh.
Xem thêm bệnh viện nhi ở Sài Gòn vỡ trận vì dịch chồng dịch