Sài Gòn: Nữ sinh khuyết tật bị nhiều trường từ chối dù đạt điểm cao
Dù đạt được điểm cao, trúng tuyển nhiều trường đại học nhưng nữ sinh Lê Minh Tú đã bị nhiều trường từ chối vì bị câm điếc bẩm sinh.
Lê Minh Tú - nữ sinh khuyết tật bị từ chối đi học đại học ở Sài Gòn. Ảnh VNE
Ngày 23/10/2017 Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Năng lực người khuyết tật (DRD) đã tổ chức hội thảo “Tăng cường cơ hội tiếp cận giáo dục cho sinh viên khuyết tật”. Đây là hội thảo nhằm góp phần tạo thêm điều kiện thuận lợi cho tất cả sinh viên khuyết tật tiếp cận giáo dục, tìm giải pháp của các bên liên quan.
Trong buổi hội thảo, đã có nhiều ý kiến thẳng thắn từ phía các bạn sinh viên khuyết tật cũng như những khó khăn mà các em gặp phải. Từ đó mong muốn nhận được sự hỗ trợ kịp thời từ các cơ quan.
Một câu chuyện của nữ sinh Lê Minh Tú (sinh viên năm nhất Đại học Văn Hiến, TP HCM) đã nhận được nhiều sự quan tâm của mọi người khi nữ sinh này chia sẻ đợt xét tuyển đại học, cao đẳng năm nay cô bị ba trường từ chối cho nhập học.
Theo đó, khi em tốt nghiệp lớp 12 thì được nhận vào trường cao đẳng Bách Việt nhưng khi đến nộp hồ sơ thì trường cao đẳng Bách Việt không chấp nhận cho Tú có sử dụng người phiên dịch và em phải đóng 2 phần học phí, bao gồm phần học phí để vào học và phí cho người phiên dịch. Vì gia đình không đủ điều kiện nên em đã không được vào học.
Toàn cảnh buổi hội thảo. Ảnh ĐS&PL
Khi đem hồ sơ đến trường đại học Công nghệ TP. HCM thì phía trường đã nhận hồ sơ. Tuy nhiên khi Tú đến nhập học thì bị BGH từ chối vì lí do không thể nhận người khiếm thính vào học được. Trường đại học Công nghệ TP. HCM cũng không đồng ý cho người phiên dịch vào trong giảng đường chung với Tú.
Em và bố tiếp tục đi tới trường đại học Văn Hiến và nhà trường đã nhận Tú vào học và trao cho em học bổng. Tuy nhiên, 1 tuần đầu tiên đi học, Tú không thể học được vì trường không cung cấp phiên dịch. Lí do đưa ra rằng “em cứ vào lớp ngồi, nhìn giáo viên giảng bài thì em sẽ học được thôi”.
Không chỉ có Tú mà nhiều học sinh khiếm thính khác cũng đang gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận học tập cũng như dịch vụ xã hội. Hiện, cả nước có 6 triệu người khuyết tật. Trong đó chỉ 0,1% có bằng đại học, cao đẳng và được chia làm ba nhóm: khuyết tật vận động, khiếm thị và khiếm thính.
Chia sẻ trong buổi hội thảo, ông Lê Hữu Thương, điều phối dự án Tiếp cận giáo dục dành cho sinh viên khuyết tật cho biết, sinh viên khiếm thị đang gặp khá nhiều khó khăn trong tiếp cận việc học. Không chỉ vậy, sinh viên khuyết tật còn rất khó khăn trong cuộc sống như tìm nhà trọ. Tại hội thảo, nhiều chuyên gia xã hội đề xuất cần có thêm chính sách và chương trình hỗ trợ sinh viên khuyết tật hòa nhập cộng đồng tốt hơn.
Trong đó, cần ưu tiên nhóm chính sách hỗ trợ học phí, chương trình đào tạo và cơ sở vật chất nhằm tạo môi trường học tập, thực hành tốt nhất cho họ.