Rác thải y tế “lột xác” thành đồ chơi, chén đĩa

27-12-2016 15:34:16

Truyền thông Trung Quốc mới đây dẫn vụ Công an Nam Kinh (Trung Quốc) khởi tố 3 nghi can liên quan đến đường dây thu mua rác thải y tế để sản xuất đồ chơi hoặc bộ đồ ăn sau 3 tháng theo dõi.

Tại hiện trường, lực lượng chức năng thu được 13,5 tấn rác thải y tế. Theo báo cáo sau đó, cơ quan chức năng cho biết, trong vòng 4 năm nhóm này thu mua khoảng 3.000 tấn rác thải các loại với mục đích tái chế thành các sản phẩm đồ chơi, ly chén, bát đĩa.

Bộ Môi trường Trung Quốc cho biết 246 thành phố quy mô lớn và vừa của nước này thải ra 185 triệu tấn chất thải hộ gia đình và 1,91 tỉ tấn chất thải công nghiệp trong năm ngoái.

Báo Thanh Niên đưa tin, nhiều đồ chơi có xuất xứ Trung Quốc chứa chất độc hại đã bị đề nghị thu hồi khỏi thị trường và từ chối nhập khẩu vào châu Âu. Trong đó có đến 20 sản phẩm đồ chơi có xuất xứ từ Trung Quốc bị đưa vào danh mục cảnh báo này.

Rác thải y tế được tái chế thành các sản phẩm đồ chơi, ly chén, bát đĩa (Ảnh internet)

Sản phẩm bị đề nghị thu hồi bao gồm những đồ chơi bằng nhựa như: bộ đồ chơi nhà bếp; nhiều mẫu búp bê Barbie, bộ đồ chơi tập lặn, kính bơi.

Trước đó, nhiều sản phẩm đồ chơi khác cũng có xuất xứ từ Trung Quốc đã được RAPEX đưa vào danh sách cảnh báo thu hồi. Đặc biệt, trong đó có miếng dán đồ chơi nhựa rất phổ biến và được trẻ em yêu thích.

Theo Người lao động, các sản phẩm này đều có chứa DEHP ở mức cao từ 15-32%. Đây là chất độc hại bị cấm sử dụng trong tất cả các sản phẩm đồ chơi và chăm sóc trẻ em. Chất DEHP được xác nhận có thể ảnh hưởng đến cơ quan sinh sản của trẻ.

Đồ chơi trẻ em của Trung Quốc được làm từ rác thải y tế (Ảnh internet)

Đặc biệt, tại các trường tiểu học, miếng dán hoạt hình nhiều màu sắc được bày bán từ các quầy hàng xung quanh cổng trường đến căn-tin trường. Giá của mỗi miếng dán dao động trong khoảng từ 3.000 - 5.000 đồng.

Theo các chuyên gia, các đồ chơi không an toàn xuất xứ từ Trung Quốc ngoài gây nguy cơ sát thương trực tiếp còn ảnh hưởng tiêu cực về lâu dài đến sự phát triển thể chất của trẻ. Bởi đa phần các loại đồ chơi đều bị cho thêm nhiều phụ gia, màu công nghiệp để giảm giá thành, dễ tạo hình và gia công.

Khương Duy (t/h)
Theo Đời sống Plus //