Quốc gia đầu tiên tuyên bố vỡ nợ vì dịch Covid-19

17-11-2020 06:33:23

Quốc gia phía nam châu Phi này đã trở thành quốc gia đầu tiên tuyên bố vỡ nợ sau cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19.

Sự kiện:
Covid-19

Theo Bloomberg, quốc gia sản xuất đồng lớn thứ hai châu Phi, Zambia, đã thừa nhận họ không thể đáp ứng các khoản thanh toán của mình và chính thức tuyên bố vỡ nợ do các chủ nợ từ chối yêu cầu hoãn nợ của họ.

Theo Ngân hàng Thế giới (WB, nền kinh tế vùng cận Sahara được dự báo suy giảm 3,3% trong năm nay, mức lớn nhất trong vòng 25 năm. Cụ thể, những gánh nặng mà hiện Zambia phải đối mặt đó chính là không trả được lãi cho khoản nợ 42,5 triệu USD đến hạn vào ngày 14/10, với lý do “khó khăn về thanh khoản cộng thêm do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19”.

Mặc dù có thời gian ân hạn một tháng, nhưng chính phủ quốc gia châu Phi đã chính thức tuyên bố vỡ nợ sau khi không đạt được thỏa thuận với những người cho vay, trong đó nhiều người đã từ chối tham gia.

Trước đó, chính phủ Zambia vừa yêu cầu tạm hoãn trả nợ thêm 6 tháng đối với khoản vay trái phiếu nước ngoài trị giá 3 tỷ USD mà nước này đã vay trong các dự án xây dựng thuộc Sáng kiến Vành đai và Con đường.

Theo Bộ Tài chính nước này, nợ nước ngoài trực tiếp của Zambia lên tới 12 tỷ USD vào cuối tháng 6. Dữ liệu của WB cho thấy, khoản nợ Trung Quốc là 3,4 tỷ USD, cao hơn gấp đôi mức vào cuối năm 2015. Tuy nhiên, việc Zambia không tiết lộ các điều khoản về khoản nợ của mình với Trung Quốc đã khiến các chủ nợ khác thất vọng.

Zambia tuyên bố vỡ nợ vì dịch Covid-19. Ảnh: The New York Press.

Quốc gia phía nam châu Phi đã tìm kiếm sự giúp đỡ từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) với khoản hỗ trợ 1,3 tỷ USD và nộp đơn gia nhập Sáng kiến Đình chỉ Dịch vụ Nợ G20 (DSSI). Mặt khác, Lusaka (thủ đô Zambia) cũng tiến hành đàm phán hoãn nợ với các chủ đầu tư cá nhân.

Trong khi đó, sự chần chừ trong việc chấp nhận hoãn nợ từ các chủ nợ của Zambia một phần xuất phát từ việc nước này đã không tiết lộ đủ thông tin về các khoản nợ và kế hoạch kiểm soát tài chính, khiến chính sách hoãn nợ không được diễn ra bình đẳng.

Ngoài ra, chính quyền Lusaka không đưa ra bất kỳ khuôn khổ đáng tin cậy về sức khỏe tài chính của quốc gia và sự hồi phục trong tương lai, làm nổ ra cuộc tranh luận giữa các trái chủ (bao gồm cả Trung Quốc). Chẳng hạn như việc Ngân hàng Phát triển Trung Quốc (CDB) đồng ý hoãn nợ cho Zambia vào tháng 10, nhưng không đưa ra bằng chứng.

Nguy cơ vỡ nợ của Zambia vốn đã được cảnh báo từ lâu. Các khoản nợ của quốc gia châu Phi tăng dần kể từ năm 2012, khi Lusaka liên tục nới lỏng chính sách tài khóa và tăng cường chi tiêu cơ sở hạ tầng trong bối cảnh nền kinh tế tăng trưởng kém và đồng tiền mất giá.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế trước đó cũng đã cảnh báo quốc gia này có thể vỡ nợ khi dịch Covid-19 xuất hiện. Hãng xếp hạng Moody’s Investors Service cho biết tỷ lệ nợ trên tổng sản phẩm quốc nội của Zambia có thể vượt 110% trong năm nay.

Hoàng Hà (TH)
Theo Đời sống Plus/GĐVN //