Quân đội Iran mạnh thế nào mà có thể hỗ trợ Syria?

06-12-2024 07:25:13

Ngoại trưởng Iran Abbas Araghchi tuyên bố rằng Iran sẵn sàng triển khai quân đội để hỗ trợ chính phủ Syria nếu nước này đưa ra yêu cầu.

Iran được cho là sở hữu lượng tên lửa tối tân hàng đầu khu vực.

Sức mạnh Iran

Theo đánh giá sức mạnh quân sự thường niên của Global Firepower năm 2024, Iran được xếp thứ 14 trong những cường quốc quân sự trên thế giới.

Quân số: Iran có khoảng 610.000 quân nhân đang hoạt động và 350.000 quân dự bị.

Quân đoàn Vệ binh Cách mạng Hồi giáo hùng mạnh với 230.000 người bao gồm lực lượng bán quân sự, Hải quân và Không quân riêng

Tên lửa: Iran có một kho vũ khí tầm xa đáng kể có thể tấn công chính xác vào kẻ thù với khoảng cách ấn tượng.

Vào năm 2022, khi đó là người đứng đầu Bộ Tư lệnh Trung ương Mỹ, Tướng Kenneth McKenzie ước tính kho tên lửa đạn đạo của Iran có hơn 3.000 đơn vị. Bao gồm:

Tên lửa Shahab-1 và Shahab-2; Tên lửa Ghadr, Emad, tên lửa hành trình như Paveh...

Máy bay không người lái: Máy bay không người lái (UAV) lảng vảng như Shahed-136, UAV tấn công như Shahed-149 và một số loại tối tân khác.

Phi cơ: Không quân Iran có tổng cộng 551 máy bay, bao gồm: 186 máy bay chiến đấu có người lái, 129 máy bay trực thăng, 32 máy bay quân sự thuộc sở hữu của IRGC, 5 trực thăng thuộc sở hữu của IRGC.

Thiết giáp: Lực lượng bộ binh của Iran sở hữu gần 2.000 xe tăng các loại, hơn 65.000 xe bọc thép các loại.

Pháo binh: Lực lượng pháo binh Iran bao gồm: 580 pháo tự hành, 2.050 lựu pháo, 775 hệ thống pháo phản lực phóng loạt.

Hải quân: Có quy mô tương đối khiêm tốn khi so sánh với các lực lượng khác của quân đội Iran, hải quân Iran bao gồm: 21 tàu tuần tra, 19 tàu ngầm, 7 khinh hạm và 3 khu trục hạm.

Đẩy lùi phiến quân

Hãng thông tấn SANA cho biết quân đội chính phủ Syria tiếp tục giao tranh với "các tổ chức khủng bố" ở tỉnh Hama. Các đơn vị "sử dụng nhiều loại vũ khí và giao chiến quyết liệt" với phiến quân theo trục đông bắc - tây bắc thành phố Hama.

Hama có tầm quan trọng chiến lược đối với chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad do thành phố nằm trên cao tốc M5 kết nối Aleppo và thủ đô Damascus.

Nếu phiến quân Syria vượt qua phòng tuyến ở Hama và tấn công Homs, thành phố cách đó hơn 40 km về phía nam, họ có thể đe dọa tuyến đường nối giữa Damascus và căn cứ quân sự Nga tại Lattakia.

Khu vực này còn tập trung đông người Hồi giáo Alawite, cộng đồng trung thành với gia tộc của Tổng thống Bashar al-Assad. Rami Abdel Rahman, giám đốc Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria (SOHR), cho rằng phiến quân Syria đang đe dọa trực tiếp "nền tảng ủng hộ" chính quyền Tổng thống Assad khi họ áp sát Hama.

Chiến sự ở Syria leo thang sau khi HTS, tiền thân là nhóm Mặt trận al-Nusra, chi nhánh của al-Qaeda tại Syria, cùng các nhóm đồng minh ngày 29/11 mở chiến dịch tấn công nhằm vào Aleppo, thành phố lớn thứ hai nước này.

Quân đội Syria ngày 30 tháng 11 thông báo rút lui khỏi Aleppo nhằm tập hợp và tái tổ chức các đơn vị trước khi có lực lượng chi viện để phản công.

Đây là lần đầu tiên chính phủ Syria mất kiểm soát Aleppo kể từ khi nội chiến bùng phát vào năm 2011. Sau khi kiểm soát Aleppo, phiến quân mở rộng đà tấn công xuống Hama.

HTS và các nhóm đồng minh từng kiểm soát Aleppo và nhiều vùng lãnh thổ rộng lớn ở miền bắc Syria, trước khi Nga năm 2015 điều lực lượng tới hỗ trợ đối phó tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và các nhóm phiến quân theo đề nghị của chính quyền Tổng thống Assad.

Kiên Bùi
Theo Giáo dục & Thời đại //