Phú Thọ: Liên đoàn Lao động 'ép' cấp dưới mua hàng cho doanh nghiệp
LĐLĐ tỉnh Phú Thọ ra công văn vận động mua các sản phẩm “có giá ưu đãi” nhưng thực chất là "ép" cấp dưới phải thực hiện mua hàng cho doanh nghiệp.
Công văn số 165/CV-CĐN của Công đoàn ngành Giáo dục tỉnh Phú Thọ do bà Lại Thị Thảo ký ngày 6/8/2018
Công văn "ép" mua sản phẩm "lạ"
Tối ngày 15/8, trên mạng xã hội xuất hiện bức ảnh chụp công văn của Công đoàn ngành Giáo dục tỉnh Phú Thọ yêu cầu các cán bộ, giáo viên và người lao động thuộc các công đoàn cơ sở tại các huyện, thành thị mua các sản phẩm "giá ưu đãi” để hỗ trợ xây dựng “nhà mái ấm Công đoàn”.
Công văn số 165/CV-CĐN của Công đoàn ngành Giáo dục tỉnh Phú Thọ do bà Lại Thị Thảo ký ngày 6/8/2018 cho biết thực hiện trên tinh thần của Công văn số 255/CV-LĐLĐ do Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh Phú Thọ ký vào ngày 26/7/2018.
Công văn số 165/CV-CĐN do Công đoàn ngành Giáo dục tỉnh Phú Thọ nêu rõ 2 nội dung chính:
Thứ nhất: Tuyên truyền, vận động cán bộ, nhà giáo và người lao động tích cực tham gia hưởng ứng chương trình phúc lợi bằng việc mua, sử dụng các sản phẩm được bán với giá ưu đãi cho đoàn viên Công đoàn do Bưu điện tỉnh Phú Thọ cung cấp để được hưởng lợi từ thoả thuận hợp tác giữa LĐLĐ tỉnh với Bưu điện tỉnh Phú Thọ.
Danh mục các sản phẩm "ưu đãi giá" do Bưu điện tỉnh Phú Thọ cung cấp
Thứ hai: Việc mua sản phẩm ưu đãi để đóng góp một phần kinh phí hỗ trợ đoàn viên Công đoàn trong cả nước có hoàn cảnh khó khăn xây dựng “nhà Mái ấm Công đoàn” với phương châm vận động “mỗi đoàn viên công đoàn sử dụng ít nhất một sản phẩm.
Công văn số 165/CV-CĐN do Công đoàn ngành Giáo dục tỉnh Phú Thọ ban hành kém theo danh mục các sản phẩm được “ưu đãi giá” yêu cầu các cán bộ, nhà giáo và người lao động mua.
Điểm qua danh sách các sản phẩm “giá ưu đãi”, có thể thấy danh sách này chia ra làm 3 loại mặt hàng chính là: sản phẩm giặt tẩy (nước xả vải, bột giặt, nước rửa chén…); sản phẩm dầu ăn và cuối cùng là bảo hiểm xe máy.
Sản phẩm có giá trị cao nhất là Dầu hướng dương hữu cơ Organic nhãn xanh Sloboda loại 5lít có giá 245.000 đồng sau khi được “ưu đãi giá” còn 215.600 đồng.
Sản phẩm có giá trị thấp nhất là Xà bông tắm Signature Scents – Passion có giá 13.000 đồng sau khu được “ưu đãi giá” còn 11.700 đồng.
Công văn số 165/CV-CĐN của Công đoàn ngành Giáo dục tỉnh Phú Thọ được các công đoàn cơ sở thông báo tới các công đoàn viên
Đáng chú ý hơn, danh sách trên hầu hết là những sản phẩm có cái tên rất lạ và dường như không được người tiêu dùng biết đến. Điều này đặt ra nghi vấn về nguồn gốc xuất xứ của các mặt hàng này.
Tìm hiểu của PV Đời sống Plus được biết sau khi Công văn số 165/CV-CĐN được ban hành, hầu hết các đơn vị cấp dưới đều răm răm rắp thực hiện theo phương châm "mỗi đồng chí đăng ký mua ít nhất một sản phẩm". Đây giống như là mệnh lệnh bắt buộc từ trên giao xuống và các đơn vị cơ sở phải thực hiện.
Nhiều giáo viên thẳng thắn nói rằng, bản thân không có nhu cầu mua nhưng vì có "chỉ đạo" nên phải mua cho có. Cũng có người lựa chọn những sản phẩm có giá trị thấp để mua theo kiểu “đủ chỉ tiêu” cho dù những sản phẩm được mua về hầu như không được sử dụng vì “chưa nghe đến thương hiệu bao giờ”.
Chỉ quan tâm đến "hàng giảm giá", chất lượng thế nào thì người mua... tự thẩm định!
Theo tìm hiểu của PV, việc Công đoàn ngành Giáo dục tỉnh Phú Thọ ra công văn 165/CV-CĐN thực chất là "thừa lệnh" từ LĐLĐ tỉnh Phú Thọ.
Liên quan đến vụ việc trên, chiều ngày 20/8, trao đổi với PV, ông Phạm Sơn, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Phú Thọ xác nhận, Công văn số 165/CV-CĐN do Công đoàn ngành Giáo dục tỉnh Phú Thọ ban hành thực hiện theo tinh thần Công văn số 255/CV-LĐLĐ do LĐLĐ tỉnh Phú Thọ ban hành là chính xác.
“Công văn 255/CV-LĐLĐ nêu rõ các công đoàn cơ sở tuyên truyền, vận động các đoàn viên công đoàn mua các sản phẩm “ưu đãi giá” do Bưu điện tỉnh Phú Thọ cung cấp trên tinh thần tự nguyện, không bắt buộc.
Liên đoàn Lao động tỉnh Phú Thọ
Các đoàn viên công đoàn mua hàng sẽ được ưu đãi giảm giá từ 5%-10% đồng thời có thêm kinh phí bổ sung Quỹ Mái ấm Công đoàn”, ông Sơn cho hay.
Mặc dù ông Sơn nói rằng, việc mua hàng là "tự nguyện, không bắt buộc" nhưng trong toàn Công văn 255/CV-LĐLĐ không hề có từ nào như thế. Thậm chí, công văn còn nêu rõ "phấn đấu 100% công đoàn cơ sở tham gia chương trình". Thực tế, dù không nói là bắt buộc nhưng khi cấp dưới nhận được Công văn 255/CV-LĐLĐ thì sẽ hiểu phải thực hiện chương trình.
Ông Sơn cũng cho biết, đáng ra, LĐLĐ tỉnh Phú Thọ phải tổ chức họp và thông báo tinh thần của công văn cho các đoàn viên công đoàn cơ sở nhưng do đang trong thời gian nghỉ hè nên LĐLĐ tỉnh Phú Thọ chỉ gửi công văn nhờ các công đoàn cơ sở vận động các đoàn viên.
Hệ luỵ của việc này dẫn đến nhiều đoàn viên cơ sở hiểu sai tinh thần của công văn dẫn đến bắt buộc các đoàn viên phải mua sản phẩm khiến có trường hợp đoàn viên công đoàn cơ sở bức xúc.
Để "sửa sai" cho Công văn 255/CV-LĐLĐ, ông Sơn cho biết: “Sau khi nắm được thông tin, LĐLĐ tỉnh Phú Thọ đã ra tiếp Công văn số 286/CV-LĐLĐ ngày 16/8 trong đó có nội dung “…vận động và tự nguyện không bắt buộc đoàn viên phải tham gia, không chạy theo số lượng, thành tích và không đánh giá thi đua của tập thể hay cá nhân”.
Tuy nhiên, dường như Công văn số 286/CV-LĐLĐ ra đời qua muộn bởi theo khảo sát của PV, các cơ sở cấp dưới hầu hết đã thực hiện "tham gia chương trình" như công văn trước đó. Họ không có quyền "tự nguyện" mua hay không mà được "áp" theo quy định "ít nhất đăng ký 1 sản phẩm".
Công văn số 255/CV-LĐLĐ do LĐLĐ tỉnh Phú Thọ ban hành
Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Phú Thọ cũng cho biết đến ngày 20/8/2018 đã có 420 công đoàn cơ sở với 12 huyện, thị tham gia. “Sau khi có thoả thuận hợp tác với Bưu điện tỉnh Phú Thọ, LĐLĐ xem xét các sản phẩm nằm trong danh mục mặt hàng “ưu đãi giá” có đủ điều kiện lưu hành trên thị trường trước khi ra Công văn số 255/CV-LĐLĐ hay không”? – PV hỏi.
Ông Sơn thông tin: “Trong thoả thuận, LĐLĐ tỉnh Phú Thọ đã có yêu cầu các sản phẩm từ phía Bưu điện tỉnh Phú Thọ cung cấp phải đảm bảo chất lượng tiêu chuẩn. Những sản phẩm này thực tế họ (Bưu điện tỉnh Phú Thọ) vẫn bán đầy ở các bưu cục, bưu điện rồi. Còn về chất lượng như nào thì phải do bên người dùng kiểm chứng”.
Công văn số 286/CV-LĐLĐ ngày 16/8 trong đó có nội dung “…vận động và tự nguyên không bắt buộc đoàn viên phải tham gia, không chạy theo số lượng, thành tích và không đánh giá thi đua của tập thể hay cá nhân”
Nghĩa là LĐLĐ tỉnh Phú Thọ cũng không biết chính xác sản phẩm có được lưu hành trên thị trường hay không nhưng đã ra công văn vận động các đoàn viên công đoàn sơ sở mua hàng? – PV hỏi tiếp.
“Trước đây, những mặt hàng này đã có mặt trong các gian hàng giới thiệu sản phẩm của đối tác. Vấn đề chất lượng là vấn đề của Bưu điện tỉnh và LĐLĐ tỉnh cũng không phải nơi thẩm định chất lượng.
Chúng tôi chỉ quan tâm đoàn viên công đoàn mua sản phẩm được giảm giá, còn về vấn đề chất lượng sản phẩm phía bên bưu điện sẽ phải chịu trách nhiệm hoàn toàn với người tiêu dùng”, ông Sơn thông tin.
Tiếp tục trả lời câu hỏi của PV về việc nhiều người coi LĐLĐ tỉnh Phú Thọ giống như một cầu nối giữa Bưu điện tỉnh Phú Thọ và các đoàn viên công đoàn cơ sở, ông Sơn cho biết vì LĐLĐ nhận thấy đây là một chương trình phúc lợi rất ưu việt bởi lẽ đoàn viên công đoàn cơ sở được mua sản phẩm giảm giá, hơn nữa lại được trích một phần đóng góp xây dựng công trình phúc lợi nên LĐLĐ thấy rằng nên làm.
Ông Phạm Sơn, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Phú Thọ
Ông Sơn cũng khẳng định LĐLĐ tỉnh Phú Thọ sẽ không làm cầu nối bán hàng cho bất cứ doanh nghiệp nào và việc có người hiểu LĐLĐ tỉnh hỗ trợ bán hàng cho Bưu điện tỉnh là không phải.
Khi được hỏi về việc nếu có đoàn viên thuộc công đoàn cơ sở sử dụng sản phẩm đã mua trong danh mục mặt hàng “ưu đãi giá” của Bưu điện tỉnh Phú Thọ mà bị ảnh hưởng đến sức khỏe thì sẽ phải phản ánh tới đâu, ông Sơn cho biết:
“Nếu không may xảy ra trường hợp đó, đoàn viên công đoàn cơ sở có thể phản ánh đến cả Bưu điện tỉnh và LĐLĐ, chúng tôi sẽ có trách nhiệm phối hợp với cơ quan chức năng kiểm tra. Còn về chất lượng sản phẩm bên Bưu điện tỉnh sẽ phải chịu trách nhiệm chính”.
Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục Phú Thọ: “Tôi không mua sản phẩm nào!”
Để tìm hiểu sâu hơn về sự việc này, chiều ngày 20/8, PV tiếp tục có cuộc làm việc với đại diện Công đoàn ngành Giáo dục tỉnh Phú Thọ – Đơn vị trực tiếp ra Công văn số 165/CV-CĐN tới các Công đoàn cơ sở trực thuộc về việc mua sản phẩm “ưu đãi giá”.
Trao đổi với PV, ông Đặng Minh Tiến, Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục tỉnh Phú Thọ cho biết, đơn vị chỉ thực hiện truyền tải tinh thần Công văn số 255/CV-LĐLĐ do LĐLĐ tỉnh Phú Thọ ban hành trước đó.
“Bên Công đoàn ngành Giáo dục chỉ thực hiện truyền tải tinh thần công văn 255/CV-LĐLĐ của LĐLĐ tỉnh. Còn về nội dung như nào anh Sơn đã trao đổi với anh rồi tôi không nói lại nữa”, ông Tiến thông tin.
Trụ sở Bưu điện tỉnh Phú Thọ
Ông Tiến cũng cho biết việc mua hàng dựa trên tinh thần tự nguyện của các đoàn viên công đoàn cơ sở mà không có sự ép buộc.
Khi được hỏi về việc bản thân là Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục, ông Tiến có tham gia mua sản phẩm nào có tên trong danh mục sản phẩm “ưu đãi giá” hay không, ông Tiến cho biết: “Tôi không mua sản phẩm nào bởi bản thân không có nhu cầu sử dụng những sản phẩm đó”.
Chiều ngày 20/8, PV liên hệ làm việc với Bưu điện tỉnh Phú Thọ để tìm hiểu về nguồn gốc các sản phẩm đang được Bưu điện tỉnh hợp tác với LĐLĐ tỉnh bán cho đoàn viên các công đoàn cơ sở nhưng đơn vị này cho biết "các lãnh đạo đang bận họp".
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này