Phụ huynh lo ngại khi con được giảng dạy bằng AI

03-01-2025 07:40:55

Mặc dù mô hình phòng học AI mang lại nhiều lợi ích, không ít phụ huynh và chuyên gia lo ngại về tác động tiêu cực của việc quá phụ thuộc vào công nghệ này.

Gần đây, Bộ Giáo dục Trung Quốc đã khởi xướng sáng kiến "phòng học AI", một mô hình học tập dựa trên trí tuệ nhân tạo, nhằm cải thiện hiệu quả giáo dục và phát triển kỹ năng cho học sinh. Các phòng học này được triển khai tại nhiều địa phương, trang bị các công cụ giảng dạy thông minh, với thuật toán AI điều chỉnh độ khó của bài học theo năng lực từng học sinh. Điều này giúp cá nhân hóa việc học và giải quyết những hạn chế trong quá trình tiếp thu kiến thức.

"Phòng học AI" được triển khai tại Trung Quốc

Tại một phòng học ở Trịnh Châu, em Zhang, 12 tuổi, chia sẻ rằng môi trường học tập yên tĩnh cùng sự hướng dẫn từ AI và giáo viên đã giúp em nâng cao thành tích học tập. Thầy Cheng Lele, người phụ trách một phòng học AI, cho biết công nghệ này không chỉ hỗ trợ học sinh học trực tuyến mà còn cung cấp phản hồi ngay lập tức, cải thiện khả năng học tập độc lập và kỹ năng giải quyết vấn đề. Phòng học AI đã trở nên phổ biến tại các thành phố lớn như Bắc Kinh và Thượng Hải, nhận được sự ủng hộ tích cực từ phụ huynh.

Trung Quốc nỗ lực đưa AI vào giáo dục tiểu học. IG.

Một ví dụ tiêu biểu là Trường Trung học Huệ Văn tại Thiên Tân, nơi ứng dụng AI đã được triển khai từ năm 2017. Ông Ninh Triệu Hồng, Giám đốc Trung tâm đổi mới của trường, nhấn mạnh rằng dự án không chỉ giúp học sinh tiếp cận công nghệ hiện đại mà còn khơi dậy đam mê nghiên cứu qua các hoạt động ngoại khóa, như câu lạc bộ robot. Những sáng kiến này được kỳ vọng sẽ giúp học sinh Trung Quốc chuẩn bị tốt hơn cho tương lai, khi công nghệ AI ngày càng chiếm lĩnh nhiều lĩnh vực.

Mặc dù mô hình phòng học AI mang lại nhiều lợi ích, không ít phụ huynh và chuyên gia lo ngại về tác động tiêu cực của việc quá phụ thuộc vào công nghệ này. Cô Jia Lijuan, giáo viên tại Trường Tiểu học thực nghiệm Hà Nam, cảnh báo rằng học sinh cần phát triển các kỹ năng tư duy phản biện và thực hành, thay vì chỉ dựa vào việc giải quyết các bài tập do AI cung cấp. Một số phụ huynh bày tỏ quan ngại rằng việc lạm dụng AI có thể làm giảm khả năng sáng tạo và tư duy độc lập của học sinh.

Ngoài ra, sự chênh lệch về điều kiện tiếp cận công nghệ cũng tạo ra những bất bình đẳng trong giáo dục. Các chuyên gia giáo dục nhấn mạnh rằng, trong khi công nghệ AI đang mở ra nhiều cơ hội, việc duy trì sự cân bằng giữa giáo dục truyền thống và đổi mới công nghệ là điều cần thiết. Điều này không chỉ giúp học sinh phát triển toàn diện mà còn đảm bảo rằng mọi người đều có cơ hội tiếp cận giáo dục công bằng.

Bên cạnh đó, Trung Quốc đã bắt đầu đưa AI vào chương trình giảng dạy chính thức, với các khóa học về lập trình, phân tích dữ liệu và phát triển ứng dụng cơ bản. Những kiến thức này được thiết kế để chuẩn bị cho học sinh bước vào thời đại công nghệ, nơi trí tuệ nhân tạo sẽ trở thành một phần không thể thiếu trong mọi lĩnh vực.

Trọng Hà (Theo CN daily)
Theo Dân Việt //