Phòng không Syria bị phá hủy ảnh hưởng thế nào đến Iran?
Tại sao Israel muốn xóa sổ phòng không Syria? Chuyên gia quân sự Nga Yuri Lyamin thuộc Trung tâm Phân tích Chiến lược - Công nghệ có kiến giải.
Hệ thống Buk của Syria.
Hãng thông tấn RIA dẫn phân tích của chuyên gia Yuri Lyamin cho rằng việc hệ thống phòng không của Syria bị phá hủy bởi các cuộc không kích của Israel không ảnh hưởng nhiều đến an ninh của Iran.
Ông giải thích rằng khả năng phòng không của Syria dưới thời Tổng thống Bashar al-Assad đóng vai trò là nguồn cảnh báo sớm cho Iran và giúp kiểm soát lực lượng không quân Israel.
Vì vậy, sự sụp đổ của Cộng hòa Ả Rập Syria đã tước đi tài sản này của Iran.
"Tuy nhiên, cần lưu ý rằng hệ thống phòng không của Syria đã bị suy yếu do các cuộc không kích của Israel – nhiều trạm radar và hệ thống phòng không đã bị phá hủy trong vài năm qua", ông Lyamin nhận xét.
Chuyên gia này chỉ ra rằng, chính sự suy yếu này khiến hệ thống phòng thủ của Syria không cản trở được cuộc tấn công của Israel vào Iran vào ngày 26 tháng 10.
Theo Lyamin, các cuộc không kích của Israel vào cơ sở hạ tầng quân sự của Syria chỉ nhằm mục đích làm suy yếu Syria, đảm bảo rằng nước này vẫn yếu bất kể ai lên nắm quyền ở đó.
Ông lưu ý rằng, với việc quân đội Syria về cơ bản không còn tồn tại và các nhóm vũ trang khác trong nước không có đủ khả năng phòng không, máy bay Israel hiện có thể tấn công bất kỳ mục tiêu nào ở Syria mà họ muốn mà không bị trừng phạt.
Chuyên gia Lyamin cũng cảnh báo rằng các báo cáo về việc Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump được cho là đang cân nhắc tấn công Iran để ngăn chặn nước này phát triển vũ khí hạt nhân có thể không chỉ là nỗ lực gây sức ép lên Tehran.
Ông giải thích rằng một số địa điểm hạt nhân quan trọng của Iran được giấu sâu dưới lòng đất đến mức, ngoài vũ khí hạt nhân, chúng chỉ có thể bị phá hủy bằng "những quả bom mạnh nhất" mà chỉ máy bay ném bom chiến lược của Mỹ mới có thể mang theo.
Ngoài tập kích quy mô lớn vào hệ thống phòng không và cả Hải quân Syria, hôm 8/12, Israel cũng điều bộ binh tiến vào vùng đệm phi quân sự rộng 400 km2 ở phía đông Cao nguyên Golan, được thiết lập theo thỏa thuận ký kết năm 1974 và do Lực lượng Giám sát Thỏa thuận rút quân của Liên Hợp Quốc (UNDOF) phụ trách.
Ngoại trưởng Israel Gideon Saar cho biết đây là "biện pháp có giới hạn và diễn ra trong thời gian ngắn, được thực hiện vì lý do an ninh".
Quân đội Israel (IDF) cũng bác bỏ các thông tin cho rằng binh sĩ Israel đang tiến về hoặc áp sát Damascus, khẳng định lực lượng nước này chỉ đồn trú trong vùng đệm và tại các địa điểm phòng thủ gần biên giới.
Trong khi đó, chuyên gia quân sự Elijah Magnier tại Bỉ nói rằng Israel vẫn đang tiếp tục tiến quân và đã kiểm soát hơn 600 km2 lãnh thổ Syria, gần gấp đôi diện tích Dải Gaza.
Theo ông, đây là một phần trong nỗ lực của Thủ tướng Netanyahu nhằm theo đuổi tham vọng "Israel Lớn", trong đó Tel Aviv sẽ định hình lại khu vực bằng cách chiếm đóng những vùng đất rộng lớn tại các quốc gia láng giềng.
Chiến dịch tập kích với quy mô chưa từng có nhằm vào mục tiêu quân sự ở Syria là động thái nhằm bảo đảm không có lực lượng nào tại quốc gia này có thể chống lại sự xâm nhập của Israel.
"Họ không muốn thấy bất kỳ phản ứng nào từ Syria. Phần lớn kho vũ khí và tên lửa bị phá hủy sẽ khiến Syria không còn khả năng đáp trả nữa", Magnier cho hay.
Một lý do khác là Israel muốn nhân cơ hội này để tiếp tục làm suy yếu "trục kháng chiến" do Iran hậu thuẫn. Theo truyền thông Mỹ, loạt vụ tập kích đã gây thiệt nặng cho cơ sở hạ tầng được Iran sử dụng để vận chuyển vũ khí cho lực lượng Hezbollah ở Lebanon.
Thủ tướng Netanyahu từng cảnh báo chính quyền mới tại Syria không được tiếp tục cho phép Iran sử dụng lãnh thổ của nước này với mục đích quân sự.