Khỉ nhiễm Covid-19 tự hình thành miễn dịch, hy vọng mới cho ‘cuộc đua’ phát triển vắc xin
Các nhà khoa học Trung Quốc cho 4 con khỉ bị phơi nhiễm virus SARS-CoV-2, phát hiện chúng tự phát triển khả năng miễn dịch và dần hồi phục. Phát hiện quan trọng này mang đến hy vọng mới cho việc phát triển vắc xin trong tương lai.
Khỉ Rêzut bị phơi nhiễm Covid-19 có thể hồi phục trong thí nghiệm của các nhà khoa học Trung Quốc - Ảnh: AFP.
Giới khoa học trên toàn thế giới đang chạy đua để bào chế vắc xin phòng Covid-19 và thử nghiệm lâm sàng. Trước đó, đã có một số lo ngại khi khoảng 0,1-1% người từng mắc Covid-19 trên toàn Trung Quốc đã được chữa khỏi và xuất viện, nhưng lại dương tính chỉ sau một thời gian ngắn.
Lo ngại nằm ở chỗ nếu đúng các bệnh nhân trên bị nhiễm lại cùng chủng virus corona ban đầu, thì vắc-xin có thể sẽ không hiệu quả. Tuy nhiên, một nghiên cứu của Học viện Y học Trung Quốc trên khỉ, công bố ngày 14/3 trên trang bioRxiv, có thể làm giảm đi quan ngại này.
Cụ thể, nhóm nghiên cứu cho bốn con khỉ Rêzut phơi nhiễm Covid-19 và các con vật bắt đầu có triệu chứng ba ngày sau đó. Cụ thể, chúng bị sốt, khó thở, chán ăn, sụt cân. Đến ngày thứ bảy, nhóm nghiên cứu bơm thuốc an tử cho một con khỉ và khi mổ xác nó, họ phát hiện virus đã lan khắp cơ thể và phá hoại mô phổi.
Ba con khỉ còn lại bắt đầu hết triệu chứng và dần bình phục. Một tháng sau, sau khi được xét nghiệm âm tính, chúng lại bị cho nhiễm virus trong cả tháng. Trong đó hai con đã được tiêm SARS-CoV-2 qua miệng. Lần này thân nhiệt của chúng chỉ tăng nhẹ, mọi thứ khác bình thường.
Hai tuần sau, nhóm nghiên cứu tiếp tục khám nghiệm tử thi hai con này và mọi dấu hiệu ở virus trong cơ thể chúng đã biến mất hoàn toàn. Họ phát hiện mức kháng thể khá cao, cho thấy hệ miễn dịch đã sẵn sàng chống lại Covid-19.
Một bác sĩ tại Bắc Kinh cho biết thí nghiệm này đem lại thông tin quý giá vì gien của khỉ gần giống với con người, nhưng “những gì xảy ra ở khỉ chưa chắc đã xảy ra với con người”.