Pha cồn 90 độ vào bia để uống, 1 người tử vong, 2 người nguy kịch
Mới đây, BV Đa khoa tỉnh Khánh Hòa đã tiếp nhận hai bệnh nhân bị ngộ độc nặng do uống bia pha cồn 90 độ, các bệnh nhân nhập viện trong tình trạng hết sức nguy kịch.
Ngày 8/7, trao đổi với Dân trí, lãnh đạo Bệnh viện đa khoa tỉnh Khánh Hòa cho biết đã tiếp nhận 2 bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nguy kịch do ngộ độc methanol. Theo đó, hai người này được xác định là vợ chồng, quốc tịch Kazakhstan, đến Khánh Hòa du lịch. Khi nhập viện, cả hai bị suy hô hấp nặng, mắt lơ mơ.
Trước đó, vợ chồng bệnh nhân trên cùng 2 người khác mua bia uống khi đi câu cá giải trí. Ngoài ra, họ còn mua cồn 90 độ pha thêm vào bia để tăng độ. Hậu quả là sau khi uống 1 người tử vong, 2 người nhập viện trong tình trạng nguy kịch.
Bệnh nhân đang được điều trị tích cực tại Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc của Bệnh viện đa khoa tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: PLO
Mặc dù đã được các bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc của Bệnh viện đa khoa tỉnh Khánh Hòa đặt nội khí quản, cho thở máy, chạy thận cấp cứu… nhưng hiện tình trạng của các bệnh nhân vẫn còn rất nặng và đang tiếp tục được điều trị tích cực.
Theo các bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc BV Đa khoa Khánh Hòa, cồn 90 độ chứa đến 81,88% methanol (cồn công nghiệp), là chất rất độc. Với lượng nhỏ, methanol có thể gây mù, nhiều hơn có thể gây tử vong. Khi uống vào, methanol gây tổn thương não, thần kinh thị giác, hoại tử não, tổn thương nội tạng...
Methanol là hóa chất lỏng và là nguồn năng lượng bắt nguồn từ khí thiên nhiên, than, chất thải sinh học và CO2. Được sử dụng rộng rãi làm nguyên liệu hóa học và ứng dụng làm năng lượng sạch cho môi trường. Thời gian vừa qua, trên cả nước đã xảy ra nhiều vụ ngộ độc do uống phải rượu pha cồn công nghiệp Methanol, không ít người đã tử vong.
Ở người lớn, ngộ độc Methanol với liều 8g (1ml dung dịch 100%) đã có thể gây mù, ngộ độc với liều 10g (30ml dung dịch 40%) có thể gây tử vong. Ở trẻ em, ngộ độc Methanol với liều 0,25ml/kg đã gây mù mắt và 0,5ml/kg đã gây tử vong (dung dịch 100%).
Trước khi gây độc, Methanol được chuyển hóa thành formaldehyde và sau đó được oxy hóa thành axit formic. Nồng độ axit formic trong máu cao ức chế cytochrome oxidase cử ty lạp thể trong tế bào gây thiếu oxy tế bào, toan chuyển hóa nặng, tổn thương thần kinh thị giác và tổn thương võng mạc mắt. Ngoài ra, Methanol gây ức chế thần kinh trung ương, giãn mạch, tụt huyết áp và giảm cung lượng tim.
Cồn Methanol 90 độ
Các triệu chứng ngộ độc Methanol: buồn nôn, nôn nhiều, tiêu chảy hoặc đau bụng, đau đầu, huyết áp thấp, chóng mặt hoặc mất phương hướng, môi và móng tay tím tái, hành vi kích động, nhìn không rõ hoặc mờ, mù lòa, khó thở, co giật, hôn mê.
Các triệu chứng nhiễm độc Methanol thường xuất hiện trong vòng 30 phút sau uống nhưng có thể muộn hơn tuỳ thuộc vào số lượng mà người bệnh uống, người bệnh có uống cùng ethanol hay không (xuất hiện triệu chứng chậm hơn). Thường có hai giai đoạn, giai đoạn kín đáo (vài giờ đến 30 giờ đầu) và giai đoạn biểu hiện ngộ độc rõ tiếp theo sau. Vì triệu chứng lúc đầu thường kín đáo và nhẹ (ức chế nhẹ thần kinh, an thần, vô cảm) nên thường bị người bệnh chủ quan và bỏ qua.
Các bác sĩ khuyến cáo, khi bị ngộ độc cồn Methanol cần nhanh chóng loại bỏ chất độc và dùng thuốc giải độc đặc hiệu nếu có, hồi sức các chức năng sống, khi đã xuất hiện các triệu chứng lâm sàng thì các biện pháp hồi sức trở thành quan trọng hàng đầu.
Bên cạnh đó, cần hồi sức ngay trước khi tiến hành loại trừ chất độc và để cho việc loại trừ chất độc được thực hiện an toàn, đặc biệt là phải đảm bảo hô hấp và tuần hoàn ổn định; nhanh chóng gọi cho trung tâm chống độc gần nhất để được hỗ trợ.