Ông Nguyễn Đức Chung liên quan thế nào đến vụ bắt TGĐ Cty Thoát nước Hà Nội?
Ngày 20/8, Cơ quan điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố bị can, bắt Tổng giám đốc Công ty Thoát nước Hà Nội ông Võ Tiến Hùng, liên quan đến vụ án có chỉ đạo của ông Nguyễn Đức Chung.
Ngày 20/8, Bộ Công an ra thông báo cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đang điều tra vụ án hình sự "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" xảy ra tại UBND TP Hà Nội và các đơn vị liên quan theo Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 14/CSKT-P12 ngày 27/4/2020 của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an.
Căn cứ kết quả điều tra, ngày 20/8, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố bị can, Lệnh khám xét, Lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Võ Tiến Hùng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí", quy định tại Điều 219 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Sau khi Viện Kiểm sát nhân dân tối cao phê chuẩn, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã thi hành các Quyết định và Lệnh nêu trên theo đúng quy định của pháp luật.
Ông Võ Tiến Hùng. Ảnh: Vietnamnet
Hành vi của ông Hùng được cho là có liên quan đến việc mua độc quyền chế phẩm Redoxy-3C để xử lý các hồ ô nhiễm trên địa bàn Hà Nội.
Liên quan đến vụ mua độc quyền chế phẩm Redoxy-3C để xử lý các hồ ô nhiễm trên địa bàn Hà Nội, báo Thanh Niên cho biết, ngày 12/2/2020, Thanh tra Hà Nội ban hành văn bản số 555 là kết luận thanh tra việc mua, quản lý, sử dụng chế phẩm Redoxy-3C để xử lý ô nhiễm nước các hồ trên địa bàn Hà Nội. Văn bản này đã chỉ ra nhiều sai phạm trong việc mua, quản lý, sử dụng chế phẩm Redoxy-3C.
Tuy nhiên, 2 tuần sau, không hiểu vì sao, ngày 26/2/2020, Chánh Thanh tra Hà Nội Nguyễn An Huy tiếp tục có văn bản số 794 kết luận thanh tra việc mua, quản lý, sử dụng chế phẩm Redoxy 3C để xử lý ô nhiễm nước các hồ trên địa bàn Hà Nội. “Kết luận này thay thế kết luận số 555/KL-TTTP-PCTN ngày 12/2/2020”, kết luận do Chánh Thanh tra Hà Nội Nguyễn An Huy ký nêu rõ.
Tuy nhiên, kết luận thanh tra ban hành sau chỉ nêu ra thực trạng xử lý ô nhiễm ở các hồ trên địa bàn, đơn vị sản xuất, đơn vị phân phối chế phẩm Redoxy-3C, quá trình thử nghiệm, mua chế phẩm về quản lý, sử dụng... mà không nói đến tồn tại sai phạm.
Thông tin ban đầu từ báo NLĐ cho thấy, từ năm 2016 đến quý 1/2019, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội đã ký hợp đồng với Công ty Arktic mua chế phẩm Redoxy 3C để xử lý ô nhiễm nước hồ, là thực hiện nhiệm vụ cung ứng dịch vụ công ích theo dự toán đặt hàng với giá mua chế phẩm được liên ngành chấp thuận và thành phố đồng ý.
Theo kết quả quan trắc chất lượng nước nền ở 111 hồ nội thành, Công ty Thoát nước thống kê được 81/111 hồ cần xử lý, tính toán sơ bộ khối lượng chế phẩm cần dùng khoảng 150 tấn.
Công ty Thoát nước đề nghị UBND TP, Sở Tài chính, Sở Xây dựng cho phép mua 20 tấn chế phẩm trước theo đường hàng không để xử lý ô nhiễm nước các hồ trong tháng 10/2016 (đơn giá 339.000 đồng/kg), khối lượng còn lại sẽ nhập về theo đường biển khoảng 121 tấn (đơn giá 295.000 đồng/kg).
Sau khi được sự chấp thuận của Sở Tài chính, Công ty Thoát nước ký 3 hợp đồng mua chế phẩm Redoxy-3C với Công ty Arktic, gồm hợp đồng số 12 ngày 31/10/2016 mua 16,2 tấn, hợp đồng số 1511 ngày 15/11/2016 mua 16,2 tấn (cùng giá 326.000 đồng/kg, vận chuyển theo đường hàng không) và hợp đồng số 1312 ngày 13/12/2016 mua 37,8 tấn (giá 295.000 đồng/kg, vận chuyển theo đường biển).
Từ năm 2016 đến quý 1/2019, Công ty Thoát nước đã mua, nhập kho là 403 tấn Redoxy-3C có tổng giá trị 137,6 tỉ đồng, trong đó đã sử dụng 380 tấn.
Khối lượng chế phẩm Redoxy-3C Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội mua là 403,040 tấn, giá trị 137 tỷ đồng để xử lý ô nhiễm nước tại 91 hồ nội thành, 50 hồ ngoại thành. Đáng nói, Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Arktic, đơn vị cung cấp chế phẩm Redoxy 3C trước đây là của ông Nguyễn Đức Hạnh, con trai của ông Nguyễn Đức Chung.