Ông Đào Ngọc Dung: Hệ thống pháp luật bảo vệ trẻ em cơ bản đồng bộ

06-06-2018 07:21:47

Trong phiên trả lời chất vấn Quốc hội của Bộ trưởng Bộ LĐ&TBXH, ông Đào Ngọc Dung khẳng định hệ thống pháp luật bảo vệ trẻ em cơ bản đồng bộ.


Phiên xử Nguyễn Khắc Thủy dâm ô trẻ em từng gây xôn xao dư luận. Ảnh PLO

Trong phiên trả lời chất vấn Quốc hội của Bộ trưởng Bộ LĐ&TBXH Đào Ngọc Dung khẳng định hệ thống pháp luật bảo vệ trẻ em cơ bản đồng bộ. 

Ngày 5/6, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung lần đầu tiên trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) về nhiều vấn đề của ngành lao động. Trong đó, nhiều ĐB truy các cơ quan quản lý nhà nước về tình trạng xâm hại trẻ, đặc biệt là xâm hại tình dục.

"Vụ việc cháu bé tự tử ở Cà Mau phải đến khi Thủ tướng chỉ đạo, dư luận lên án thì cơ quan chức năng mới vào cuộc nhiệt tình; hay vụ Nguyễn Khắc Thủy đến mức Chủ tịch nước phải có ý kiến. Vậy những vụ dư luận không lên án, lãnh đạo cấp cao không chỉ đạo thì sao", Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nêu câu hỏi trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội về công tác bảo vệ và xử lý các vụ việc xâm hại tình dục trẻ em.

ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) dẫn chứng trường hợp bé gái ở Cà Mau tố cáo hành vi bị xâm hại. “Lúc cháu nói không nghe, chỉ khi cháu tự tử mới khởi tố vụ án. Lúc đó chúng ta mới thấy rằng mình sai lầm” - ông Nhưỡng nói và cho rằng có 17 cơ quan phụ trách các vấn đề liên quan đến trẻ em nhưng dường như các gia đình nạn nhân rất đơn độc. “Tôi mong muốn Bộ LĐ-TB&XH có một thái độ cương quyết hơn nữa để cùng các cơ quan khác vào cuộc…”  báo Pháp luật TP. HCM dẫn lời vị ĐB nói.

“Nếu nói hệ thống pháp luật để bảo đảm quyền lợi cho các em thì cơ bản là đồng bộ” - Bộ trưởng Dung trả lời và thừa nhận thời gian qua có một số vụ việc để kéo dài, thậm chí xử lý chưa nghiêm, nhiều vụ khi có ý kiến của các lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước rồi mới tiến hành. 

"Với trách nhiệm là cơ quan quản lý nhà nước, chúng tôi đề nghị các cấp, các ngành và cơ quan chức năng đánh giá thực chất lại hoạt động của mình thế nào" - ông Dung nói.

Về việc ĐB yêu cầu ngành lao động lên tiếng mạnh hơn, ông Dung khẳng định hầu như các vụ việc xâm hại trẻ em, nhất là các vụ việc nghiêm trọng, Bộ đều chủ động có ý kiến. “Nhiều vụ tôi đã trực tiếp báo cáo Chủ tịch nước, chủ tịch QH, Thủ tướng Chính phủ” - Bộ trưởng Dung nói và dẫn chứng vụ Nguyễn Khắc Thủy, kết thúc phiên tòa sơ thẩm buổi sáng, ngay buổi chiều ông đã gọi điện thoại trao đổi trực tiếp với chánh án TAND Tối cao và viện trưởng VKSND Tối cao.

Theo báo Tiền phong, khi được mời báo cáo thêm về công tác bảo vệ và xử lý các vụ việc xâm hại tình dục trẻ em, Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí cho biết, đây là vấn đề rất bức xúc nên trong phòng chống, xử lý phải đảm bảo tính đồng bộ, hoàn thiện hệ thống pháp luật đảm bảo yêu cầu đấu tranh, chứ “không dừng lại ở quyết tâm”.

Khi phát hiện các vụ việc thì xử lý nghiêm minh để răn đe, giáo dục chung. Từ đó, ông Trí cho rằng, muốn bảo vệ trẻ em hiệu quả thì việc phối hợp giữa 17 cơ quan có chức năng phải đồng bộ. 

“Trong số các cơ quan đó thì cần phải có nhạc trưởng thế nào, phát hiện xử lý ra sao để đảm bảo nghiêm minh thì sắp tới các cơ quan cân nhắc, nếu Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân công thì rõ trách nhiệm chủ trì, phối hợp xử lý”, ông Trí nói.

Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho hay, có một số vụ bạo hành trẻ em, xâm hại tình dục phải trả hồ sơ, hủy vì không đủ chứng cứ, án truy xét, không có người làm chứng. Bên cạnh đó, thời gian từ khi xảy ra vụ việc đến khi phát hiện rất lâu, gia đình, nạn nhân ngại khai báo, thậm chí còn che giấu không hợp tác với cơ quan điều tra... 

Về giải pháp, ông Bình cho biết, các cơ quan chức năng sẽ phối hợp chặt chẽ hơn nữa, giảm tỷ lệ những vụ phải trả hồ sơ. Bên cạnh đó, ban hành các quy định về xây dựng tòa án thân thiện, tòa gia đình với yêu cầu thân thiện với trẻ vị thành niên khi vụ án xảy ra, trong đó có án xâm hại tình dục trẻ em. 

“Các vụ xâm hại thế này thì phải xét xử kín, thậm chí không phải ra tòa, có thể thẩm phán xét xử qua hệ thống micro để ổn định tâm lý”, ông Bình nói.


Bố mẹ hãi hùng khi nghe con kể về chuyện bị thầy giáo dở trò đồi bại

Hạo Nhiên (T/H)
Theo Đời sống Plus/GĐVN //