Nỗi đau người đàn bà 14 năm không dám về quê vì câu nói 'chồng em mắc sida rồi'
Nghe anh rể nói 'chồng em bị sida rồi', chị M chết lặng. Chồng chết, ba mẹ con bị đuổi khỏi nhà, 16 năm qua, nữ tài xế xe ôm mắc H lại có cách riêng để sống mạnh mẽ, lạc quan.
-
Bị bắt rửa 8 mâm bát ngay trong ngày ra mắt, cô gái trẻ có pha xử lý khiến nhiều người bức xúc
-
Chồng chán vợ sau sinh như 'nái sề' nên kiếm cớ đi công tác, sau 4 tháng xa nhà trở về, nhìn người phụ nữ cười đón mình mà sững sờ
-
Bị yêu cầu kiểm tra trinh tiết trước khi lấy chồng, cô gái sợ hãi 'bỏ chạy'
Chị H (Hà Nam) chưa bao giờ quên ký ức 16 năm trước. Khi ấy, chồng chị ốm liên tục, đi nhiều viện ở tỉnh không phát hiện ra nguyên nhân. Bác sĩ ở Bệnh viện Bạch Mai thông báo chồng chị nhiễm HIV, chị vẫn không hiểu. Rồi chồng chị phải chuyển về Bệnh viện Đống Đa (Hà Nội) - nơi chuyên điều trị HIV và bệnh truyền nhiễm khi đó.
"Tôi chết lặng khi anh rể bảo "Chồng em mắc sida rồi". Sida, tôi hiểu nghĩa là chết" - chị nhớ lại.
3 tháng tiếp theo đó, chị vật vã cùng chồng chữa bệnh, đi lại liên tục giữa nhiều bệnh viện ở Hà Nội. Rồi họ về quê Hà Nam. Chồng tái nghiện, nhà chồng cấm cửa 4 người trong gia đình chị.
2 năm sau, chồng chị mất, không ai tới viếng. Ai cũng sợ. Chị và hai con gái bị đuổi khỏi nhà, để lại mảnh đất vốn đã được cho anh chị. Chị tay trắng, chỉ còn 2 đứa con gái và bệnh HIV bị lây từ chồng.
Mẹ mắc "H" - cái tiếng không ai muốn ấy khiến chị M từng nghĩ đến cái chết để hai con gái được sống yên thân không lời dị nghị. Ý nghĩ ấy vụt tắt khi chị tìm đến nhóm Hoa Hướng dương - nhóm của những người phụ nữ bị chồng lây HIV.
Chị M cho biết, luôn cập nhật thông tin về bệnh HIV/AIDS là cách để chị mạnh mẽ, lạc quan sống tốt trong nhiều năm qua.
"Tôi được tái sinh" - chị nói không phải chỉ vì được chia sẻ, mà chị còn được tiếp cận thuốc ARV và các thông tin liên quan đến H. Chị không cô đơn.
14 năm, chị buộc phải rời quê lên Hà Nội, không một lần dám trở về nơi ấy. Cũng gần chừng ấy thời gian, con đường tới khoa Truyền nhiễm (nay là Trung tâm Bệnh nhiệt đới thuộc Bệnh viện Bạch Mai) trở nên quen thuộc với chị. Đó là nơi giúp nữ tài xế xe ôm ấy sống khoẻ mạnh, an toàn, nhờ nguồn thuốc viện trợ được cấp phát từ đây.
"Hồi tháng 3 khi Bệnh viện Bạch Mai bị đóng cửa vì COVID-19, lại liên quan Trung tâm Bệnh nhiệt đới, tôi vẫn quyết không về quê lĩnh thuốc dù là đúng tuyến" - chị kể. Bởi ở quê, sự kỳ thị rất lớn. Sẽ không một ai dám chơi cùng, nói chuyện cùng khi họ biết mình mang H. "Kể mình có chết cũng không ai đến" - chị nói và cho biết giấu tất cả mọi người vì còn nghĩ đến hai đứa con gái, chúng không thể sống trong sự kỳ thị vì bố mẹ mang mắc H.
"Giờ tôi chỉ có mong muốn được tạo điều kiện cho lấy thuốc ở bất kỳ đâu tại Hà Nội" - chị giãi bày.
Chị M kể câu chuyện buồn cuộc đời mình khi tham gia hội thảo hưởng ứng ngày Thế giới phòng chống HIV/AIDS do Bệnh viện Bạch Mai tổ chức ngày 1/12. Chị nói chưa từng bỏ hội nghị nào của bệnh viện về HIV để cập nhật cho mình những kiến thức mới nhất.
Chị M là một trong 1.600 bệnh nhân HIV đang được Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai quản lý và cấp phát thuốc điều trị.
TS Dương Đức Hùng - Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, từ một căn bệnh tưởng chừng như "bản án tử hình", người bệnh hoang mang không còn niềm tin vào cuộc sống, ngày nay HIV/AIDS là một bệnh mạn tính điều trị duy trì như những căn bệnh mạn tính khác.
PGS.TS Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới cho biết, hiện ca bệnh HIV/AIDS đầu tiên của Việt Nam vẫn sống khỏe mạnh sau 30 năm phát hiện. Các loại thuốc mới, các phác đồ điều trị tân tiến giúp cho bệnh nhân có "H" hạn chế tới mức thấp nhất những ảnh hưởng tới sức khỏe.
PGS.TS Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới thuộc Bệnh viện Bạch Mai
Trong nhiều năm qua, các chuyên gia của Bệnh viện đã sát cánh cùng các cơ quan quản lý tham gia xây dựng nhiều tài liệu hướng dẫn và giảng dạy về HIV/AIDS, hỗ trợ kỹ thuật cho các cơ sở điều trị trên cả nước.
Theo BS Cường, ở Việt Nam, Bệnh viện Bạch Mai là trung tâm hàng đầu về điều trị HIV với tỷ lệ đạt ức chế cao nhất cả nước, hơn 98%.
"Đây là con số ấn tượng tạo sự thành công của Việt Nam trong phòng, chống HIV. Thành công này góp phần bước đầu giảm số lượng người nhiễm cũng như người phát hiện sớm được người nhiễm, giúp họ tiếp cận nguồn thuốc điều trị, giảm tử vong", PGS.TS Đỗ Duy Cường nói.
Tuy nhiên, theo BS Cường, để xóa bỏ những kỳ thị, cần có sự chung tay của cả cộng đồng. Đặc biệt, những nhân viên y tế với tư cách là người biết rõ về tình trạng bệnh nhân, quản lý bệnh nhân cần phải xóa bỏ sự phân biệt đối xử.
Theo ông, các nhân viên y tế phải coi người mang virus HIV là một người có bệnh mãn tính chứ không phải bệnh chết người, thì người có "H" mới được đối xử công bằng, điều trị như bệnh khác.
Còn bệnh nhân HIV/AIDS cần hiểu đây là bệnh mạn tính, phải uống thuốc lâu dài, tuân thủ tốt điều trị. Đồng thời, phải có lối sống lành mạnh và hành vi an toàn không để lây truyền HIV cho người khác. "Khi cả xã hội cùng đồng lòng, Việt Nam sẽ thanh toán được HIV vào năm 2030 như mục tiêu mà chúng ta đã đặt ra", BS Cường nhấn mạnh.