Những việc cha mẹ cần làm ngay khi con bị táo bón
Khi bị táo bón, trẻ gặp khó khăn thậm chí bị đau khi đi vệ sinh, khiến cha mẹ vô cùng lo lắng và tìm mọi phương cách để giúp con. Dưới đây là những việc cha mẹ cần làm ngay khi con bị táo bón.
Trao đổi về vấn đề trẻ bị táo bón với PV Đời sống Plus, PGS. TS.BS Nguyễn Anh Tuấn, Tổng thư kí Hội Nhi Tiêu hóa Việt Nam cho biết:
Táo bón là khi bé đi đại tiện thưa thớt (dưới 3 lần mỗi tuần), đi đại tiện khó khăn và gây ra sự khó chịu, căng thẳng khi đi (phân cứng, rặn đau, ngồi lâu, tiêu khó khăn, đôi khi chảy máu hậu môn…).
Hầu như bé nào cũng có ít nhất 1 lần bị táo bón nhưng chỉ thoáng qua rồi hết. Những bé bị táo bón kéo dài vài tuần lễ được gọi là táo bón mạn tính và cần những sự chăm sóc toàn diện từ chế độ ăn, chế độ sinh hoạt, trấn an tâm lý và sử dụng thuốc.
Nguyên nhân dẫn đến táo bón ở trẻ
Khi bị táo bón, mỗi lần đi vệ sinh khiến trẻ rất khó chịu và đau đớn
Theo BS Nguyễn Anh Tuấn, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng táo bón ở trẻ như:
Trẻ ăn sữa bò dễ bị táo bón hơn trẻ bú sữa mẹ
Mẹ bị táo bón con bú cũng dễ bị táo bón
Trẻ uống ít nước, ăn ít hoa quả, ít rau xanh
Do giảm trương lực ruột trong bệnh còi xương, suy dinh dưỡng, thiếu máu
Do tổn thương thực thể ở đường tiêu hóa:
Các dị tật bẩm sinh như phình đại tràng, giãn đại tràng, trẻ bị nứt hậu môn, hoặc bị trĩ.
Do dùng thuốc kháng sinh hoặc thuốc ho có thành phần codein.
Cha mẹ không luyện thói quen đi ngoài đúng giờ cho trẻ
Ngoài ra còn một lý do khá phổ biến liên quan đến tâm lý đó là đối với trẻ lớn đã đi học, đó là sợ nhà vệ sinh bẩn, sợ mùi hôi không dám đi vệ sinh khi đi học lâu dần thành thói quen nhịn đi vệ sinh gây ra chứng táo bón.
Cách xử trí khi trẻ bị táo bón
Cách xử trí đầu tiên khi trẻ bị táo bón là thay đổi chế độ ăn
Cần điều chỉnh ngay chế độ ăn cho trẻ: Cho trẻ ăn đủ số lượng hàng ngày, uống nhiều nước, cho trẻ ăn nhiều rau xanh và hoa quả.
Cần lựa chọn các loại rau có tính chất nhuận tràng như rau khoai lang, mồng tơi, rau dền, củ khoai lang. Khi nấu bột và cháo phải băm nhỏ cho trẻ ăn cả cái.
Khi trẻ bị táo bón cần cho trẻ ăn các loại quả giúp nhuận tràng như: chuối tiêu, đu đủ, bưởi, cam, quýt, thanh lon... và hạn chế ăn các loại quả như cà rốt, hồng xiêm, ổi.
Trẻ ăn sữa bò bị táo bón: mẹ có thể xem xét đổi sữa cho bé loại khác phù hợp hơn hoặc pha sữa loãng hơn bình thường một chút, có thể pha thêm 1 thìa cà phê nước quả (cam, quýt…) vào cốc sữa cho trẻ, hoặc dùng nước cháo pha sữa cho trẻ từ 4 tháng trở lên.
Mẹ bị táo bón cho con bú thì phải điều trị táo bón cho mẹ: Ăn nhiều rau quả, uống nhiều nước.
Xoa bụng cho trẻ theo khung đại tràng từ phải qua trái ngày 3-4 lần vào khoảng cách giữa 2 bữa ăn để kích thích làm tăng nhu động ruột.
Tập cho trẻ đi đại tiện đúng giờ qui định, chọn thời gian lúc nào thuận tiện mà trẻ không vội vã, thường nên chọn sau bữa ăn vì lúc này nhu động ruột hoạt động tăng, nên tránh bắt trẻ ngồi bô hoặc toilet quá lâu.
Các trường hợp bị táo bón do bệnh lý, dị tật bẩm sinh cần sự tư vấn của bác sỹ.
Cha mẹ nên hạn chế cho trẻ dùng thuốc và thụt tháo trừ khi bất khả kháng.
Ngoài ra bác sỹ Tuấn cũng nhấn mạnh có những trường hợp táo bón cần phải cho trẻ đi khám tại bệnh viện bao gồm:
Táo bón kéo dài trên một tuần, thay đổi chế độ ăn không có tác dụng. Táo bón sau khi trẻ mới sinh, bụng chướng. Táo bón ảnh hưởng đến tiêu hóa: kém ăn, gầy sút, suy dinh dưỡng kèm theo nôn.