Những sai lầm phải trả giá đắt khi tự chữa đau mắt đỏ tại nhà
Hiện nay một số người tự chữa đau mắt đỏ tại nhà nhưng không đúng cách khiến bệnh biến chứng nguy hiểm.
Một số người tự chữa đau mắt đỏ tại nhà nhưng không đúng cách khiến bệnh biến chứng nguy hiểm (Ảnh minh hoạ: Internet)
Đau mắt đỏ có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, vào bất cứ thời điểm nào trong năm. Tuy nhiên, bệnh có xu hướng tăng cao vào giai đoạn tháng 8-10.
Bệnh còn gọi là viêm kết mạc cấp, là tình trạng nhiễm trùng mắt do vi khuẩn hoặc virus gây nên. Triệu chứng đặc trưng của bệnh là đỏ mắt, sưng húp, ken đặc dử mắt, chảy nước mắt...
Mặc dù là bệnh lành tính, có thể tự khỏi sau 7 - 10 ngày. Tuy nhiên, đau mắt đỏ gây ra rất nhiều bất tiện cho người bệnh như gây khó chịu, đau nhức và nếu không chăm sóc cẩn thận thì có thể dẫn đến các biến chứng nặng hơn.
Bệnh lây lan tương đối nhanh qua đường hô hấp, nước bọt, thói quen dụi mắt hoặc tiếp xúc với nguồn bệnh. Một người nhiễm có thể lây cho cả gia đình và lan ra cộng đồng. Vì thế, tất cả chúng ta đều cần có ý thức phòng tránh, không chỉ cho bản thân mà còn cho cả những người xung quanh.
Những sai lầm khi tự chữa đau mắt đỏ
Hiện nay, một số người hay tự chữa đau mắt đỏ bằng cách sử dụng thuốc mắt chứa corticoid. Điều này vô cùng nguy hiểm bởi thuốc corticoid nếu dùng không đúng có thể giảm sức đề kháng, bệnh nhân có thể bị tổn thương thêm dẫn đến những biến chứng như loét giác mạc (tròng đen), tăng nhãn áp.
Corticoid có thể làm xuất hiện một cơn cườm nước trên những bệnh nhân có cơ địa nhạy cảm, khiến bệnh chồng bệnh. Còn thuốc nhỏ mắt chứa kháng sinh có thể gây kích thích mắt, dẫn đến tổn thương kết mạc hoặc niêm mạc mắt.
Bên cạnh đó, một số trường hợp dùng phương pháp dân gian rất sai lầm càng làm mắt tổn thương thêm. Ví dụ, người dân xông nước thuốc, nhỏ chanh, đắp lá nha đam hay đắp lá trầu, hoặc đắp ếch có thể khiến mắt sưng phù, bỏng. Thậm chí, khoa Mắt - BV. Trưng Vương từng tiếp nhận và phát hiện trường hợp mắt bị một ổ sán ếch do xẻ thịt ếch đắp để điều trị đau mắt đỏ, theo Sức khoẻ & Đời sống.
Quan trọng nhất là người bị đau mắt đỏ cần không để mắt làm việc quá sức, nhất là khi làm việc với sách vở, máy tính, điện thoại...
Khi bị đau mắt đỏ, các bạn nên đến gặp bác sĩ ngay để được hướng dẫn sử dụng thuốc một cách chính xác nhất. Đồng thời, chúng ta cũng nên giữ vệ sinh mắt sạch sẽ, để mắt được nghỉ ngơi, đeo khẩu trang khi nói chuyện, tiếp xúc với người khác để tránh làm bệnh lây lan mạnh thêm.
Lưu ý khi chữa đau mắt đỏ cho trẻ
Khi trẻ bị đau mắt đỏ, cha mẹ cần đưa con đến các cơ sở chuyên khoa mắt để điều trị, không được tự ý mua thuốc (Ảnh minh hoạ: Internet)
Bác sĩ lưu ý các bậc phụ huynh không nên tự chữa bệnh cho trẻ tại nhà. Một số người mua thuốc tự nhỏ, đắp lá, xông hơi cho trẻ ảnh hướng rất lớn đến quá trình điều trị, gây biến chứng nguy hiểm. Các em cần được đưa đến các bệnh viện chuyên khoa mắt để khám, chữa trị sớm.
Nếu không điều trị đúng cách, bệnh đau mắt đỏ có thể dẫn đến những biến chứng như viêm giác mạc, viêm loét gây ảnh hưởng đến thị lực của trẻ.
Để phòng tránh căn bệnh về mắt trên, gia đình cần giữ gìn vệ sinh sạch sẽ cho trẻ bằng cách rửa tay, rửa mặt thường xuyên. Trẻ đã mắc bệnh nên ở nhà, không tới trường, lớp tránh lây cho mọi người xung quanh.
Xem thêm sự thật về "Công chúa thuốc lào" có khả năng chữa bệnh "thiên tài" đang gây sốt trên mạng xã hội