Những rủi ro pháp lý và an toàn thanh toán khi mua bán tài khoản ngân hàng
Việc mua bán tài khoản ngân hàng trên mạng đang diễn ra phổ biến, bất chấp các cảnh báo và biện pháp xử lý từ cơ quan chức năng. Hành vi này không chỉ vi phạm pháp luật mà còn tiềm ẩn nhiều rủi ro cho cả người bán và người mua.
Tiềm ẩn nhiều rủi ro
Thời gian vừa qua, mặc dù cơ quan chức năng liên tục phát đi những cảnh báo, đồng thời điều tra, xử lý nghiêm nhiều trường hợp mua bán, cho thuê, cho mượn tài khoản ngân hàng, tuy nhiên tình trạng này vẫn đang tiếp diễn sôi nổi trên các “chợ mạng”.
Ảnh chụp màn hình.
Theo chuyên gia an ninh mạng Ngô Minh Hiếu, đồng sáng lập dự án Chống lừa đảo (Chongluadao.vn), hiện nay trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Telegram, Zalo, nhiều hội nhóm công khai rao bán tài khoản ngân hàng với giá từ vài trăm nghìn đến vài triệu đồng mỗi tài khoản.
Các đối tượng thường nhắm đến học sinh, sinh viên, người lao động có thu nhập thấp, dụ dỗ họ mở tài khoản ngân hàng và bán lại kiếm tiền. Tuy nhiên, hành vi này tiềm ẩn rủi ro với cả người mua và người bán.
Chuyên gia an ninh mạng Ngô Minh Hiếu.
Theo chuyên gia, người bán có thể bị lợi dụng để thực hiện các hành vi phạm pháp như lừa đảo, rửa tiền, đánh bạc trực tuyến. Khi bị phát hiện, người bán phải chịu trách nhiệm pháp lý, bao gồm xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
“Không những vậy, việc mua bán tài khoản ngân hàng diễn ra phức tạp như hiện nay còn gây mất an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán và ngân hàng. Ảnh hưởng đến lòng tin của người dân đối với hệ thống ngân hàng và các dịch vụ thanh toán”, ông Ngô Minh Hiếu cho biết.
Do đó, chuyên gia khuyến cáo người dân tuyệt đối không mua bán, cho thuê hoặc cho mượn tài khoản ngân hàng. Bảo vệ thông tin cá nhân, không chia sẻ cho người lạ hoặc các tổ chức không rõ nguồn gốc. Khi mất giấy tờ tùy thân hoặc thẻ ngân hàng, cần thông báo ngay cho ngân hàng để khóa tài khoản.
Chuyên gia cũng ý kiến, đối với các ngân hàng cần nâng cao quy trình xác thực khách hàng, áp dụng công nghệ sinh trắc học và đối chiếu với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để đảm bảo tính chính xác của thông tin khách hàng. Phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng trong việc phát hiện và ngăn chặn các hành vi vi phạm liên quan đến tài khoản ngân hàng.
Không tiếp tay cho hành vi phạm pháp
Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng văn phòng Luật sư Kết nối (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) khẳng định, việc mua bán tài khoản ngân hàng không chỉ vi phạm pháp luật mà còn gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội. Do đó, mỗi cá nhân cần nâng cao ý thức, tránh tiếp tay cho các hành vi phạm pháp và bảo vệ an toàn cho chính mình.
Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng.
Tài khoản ngân hàng là tài sản do Ngân hàng cung cấp cho khách hàng dưới dạng một dãy số nhằm mục đích gửi tiền vào để thực hiện các giao dịch tài chính.
Mỗi cá nhân có thể có nhiều tài khoản ngân hàng. Do nhu cầu sử dụng các loại hình thanh toán tín dụng của các tổ chức, cá nhân tăng lên dẫn đến hiện tượng trao đổi mua bán trái phép tài khoản ngân hàng để trục lợi diễn ra ngày càng nhiều.
Thời gian gần đây, lợi dụng chính sách của nhiều ngân hàng, tận dụng ưu thế của mạng xã hội, các đối tượng mua bán tài khoản ngân hàng có những cách thức mới, nhiều thủ đoạn mới rất tinh vi, gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc điều tra, xử lý vi phạm.
Luật sư Hùng cho biết, thủ đoạn của các đối tượng thường là đăng tải thông tin trên các diễn đàn, hội nhóm mạng xã hội về việc thuê, mua tài khoản ngân hàng; tiếp cận với những người lao động có thu nhập thấp, người thiếu hiểu biết về pháp luật hoặc sinh viên, để nhờ thuê mở tài khoản ngân hàng và nhận tiền công với giá từ 500.000 - 1.000.000 đồng.
Sau khi mở tài khoản, chủ tài khoản phải bàn giao thông tin đăng nhập Internet Banking, sim điện thoại đăng ký tài khoản, thẻ ngân hàng… cho đối tượng. Đối tượng sẽ sử dụng các tài khoản ngân hàng này để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Những người được thuê mở tài khoản, với kiến thức pháp luật hạn chế rất dễ trở thành “đồng phạm” khi vụ việc bị điều tra, truy tố.
Với những thủ đoạn trên, cơ quan chức năng sẽ gặp khó khăn trong việc xác minh đối tượng phạm tội, truy vết nguồn tiền.
Việc điều tra các hành vi mua bán tài khoản ngân hàng gặp nhiều trở ngại, chủ yếu do khó khăn trong việc xác minh danh tính đối tượng phạm tội, khi các đối tượng sử dụng thông tin của người khác để đi thực hiện hành vi sai phạm. Việc truy vết nguồn tiền cũng khó khăn khi mà các đối tượng thường chia nhỏ giao dịch, sử dụng nhiều tài khoản, hoặc sử dụng các loại ví điện tử liên kết, làm phức tạp việc theo dõi dòng tiền.
Luật sư cảnh báo, người dân cần hết sức lưu ý và cẩn trọng trong việc quản lý thông tin cá nhân và tài khoản ngân hàng của mình, tránh tiếp tay cho tội phạm hoặc liên đới đến các hành vi vi phạm pháp luật. Không chia sẻ thông tin cá nhân hoặc thông tin tài khoản ngân hàng với người lạ trên không gian mạng. Nói không với mọi lời đề nghị "cho thuê" hoặc "bán" tài khoản ngân hàng để hưởng lợi ích tài chính.
Chế tài xử phạt hành vi mua bán tài khoản ngân hàng
Theo Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, quy định của pháp luật Việt Nam chỉ rõ, việc mua bán tài khoản ngân hàng là hành vi bị nghiêm cấm, các đối tượng thực hiện hành vi trên có thể bị phạt tiền lên đến 100 triệu đồng. Cụ thể, khoản 5 và 6, Điều 26 Nghị định 88/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng đã nêu rõ:
Phạt tiền từ 40 - 50 triệu đồng đối với hành vi mua, bán thông tin tài khoản thanh toán với số lượng từ 1 đến dưới 10 tài khoản.
Phạt tiền từ 50 - 100 triệu đồng đối với hành vi mua, bán thông tin tài khoản thanh toán với số lượng từ 10 tài khoản trở lên.
Đồng thời, buộc người vi phạm nộp vào ngân sách nhà nước số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.
Trường hợp mua, bán trái phép tài khoản ngân hàng từ 20 tài khoản trở lên hoặc thu lợi bất chính từ 20 triệu đồng trở lên có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng quy định tại Điều 291 Bộ luật Hình sự 2015. Mức phạt cao nhất đối với hành vi này có thể lên đến 7 năm tù.