Những dịch vụ lạ lùng dành cho người chết: Nuôi “chim lợn” săn người chết và những cuộc chiến đẫm máu tranh giành lãnh địa
Những dịch vụ có một không hai dành cho… người chết khiến nhiều người phải cười ra nước mắt vì tính bi hài của nó.
LTS: Trại hòm (cơ sở sản xuất quan tài) tung chiêu khuyến mại, phát tờ rơi, rồi dùng mọi thủ đoạn để mua chuộc, tranh giành thượng đế, rồi những dịch vụ lạ lùng như múa thoát y, múa lửa đang khiến những đám hiếu ở một số tỉnh miền Nam trở nên kỳ dị trong mắt mọi người.
Các trại hòm có “ăng ten ” ở khắp nơi, khi nghe tin các “ăng ten” báo về là có người chết trên địa bàn thì chủ các trại hòm sẽ cho người đến tìm cách hợp đồng với người nhà nạn nhân trong việc khâm liệm và bán hòm. Tâm lý của gia đình người chết lúc đó rất đau buồn, bối rối nên không để ý đến giá cả dịch vụ lo hậu sự. Có những trại hòm lợi dụng tình hình này tha hồ “chặt chém”. Không chỉ dừng lại ở đó, các chủ trại hòm còn sẵn sàng “ra tay” với những đối thủ cạnh trang với mình gây nên các cuộc chiến đầy máu.
Thưởng cho người báo tin dữ, phát tờ rơi bán hòm đến cả những gia đình đang sống khỏe
Theo tìm hiểu của PV, trên địa bàn TP.HCM và các tỉnh lân cận như Bình Dương, Đồng Nai, Bình Phước mọc lên khá nhiều trại hòm và có một số hình thức treo thưởng khá mới lạ để… tìm kiếm khách hàng. Và, việc đầu tiên là săn người chết. Những “ăng ten” làm việc này chính là những người làm nghề xe ôm.
Ông Chảy, một người có thâm niên trong nghề xe ôm, thường chờ khách ở ngã tư Đường 3 tháng 2 với Lý Thường Kiệt (Q.1, TP.HCM) cho biết: “Cách đây khoảng 3 tháng, một người ở trại hòm C. H. trên đường Tôn Thất Hiệp (Q. 11) có ra đặt vấn đề với chúng tôi là nếu chạy xe ôm phát hiện ở đâu có người mới chết thì lập tức điện thoại thông báo. Mỗi lần báo tin như vậy thì sẽ được thưởng từ 500 nghìn đến 1 triệu đồng. Có tháng nào “vận đỏ” kiếm được cả chục triệu đồng như chơi đấy!”.
Theo những người hành nghề xe ôm, không chỉ báo tin người chết có thưởng mà báo tin nơi nào có người già yếu, mạng sống như đèn treo trước gió hay những người bị tai nạn sắp chết cũng đều được các trại hòm thưởng với giá tương tự.
Ông Thạch Lập Sáng, chủ của trại hòm T.V. không ngần ngại cho biết: “Trước kia thì công việc làm ăn buôn bán của trại hòm gặp rất nhiều khó khăn, do là trại hòm nhỏ không đủ sức cạnh tranh với các cơ sở lớn mỗi tháng chỉ bán được 1 đến 2 cái, có tháng thì không bán được cái nào. Nhưng từ ngày có anh em ( ý nói những người báo tin để nhận thưởng - PV) chịu khó theo dõi thì công việc làm ăn bắt đầu ngon lành. Làm ăn mình phải biết chi đúng người đúng việc mới mang lại hiệu quả”.
Khi “ăng ten” đã phủ sóng khắp mọi nơi, ngay khi nhận tin báo các trại hòm sẽ tiến hành cử người đi đến đàm phán với chủ nhà để ký hợp đồng nhận làm toàn bộ các công việc hậu sự cho người đã mất.
Và, lợi dụng lúc tang gia bối rối, các trại hòm lúc này tha hồ đưa giá với mức “chặt chém”. Không chỉ vậy, một số trại hòm còn cho người phát tờ rơi quảng cáo về trại hòm và các dịch vụ khuyến mại của mình. Các tờ rơi này được phát đến tận ngõ ngách, có khi những người phát tờ rơi này lại ngang nhiên nhét vào cửa nhà dân dù thành viên trong nhà vẫn vô cùng khỏe mạnh.
Một người mua hòm, cả họ được tặng… phiếu giảm giá
So với các trại hòm ở TP.HCM, các trại hòm tại khu vực Đồng Nai hoạt động còn rầm rộ hơn. Ngoài hoạt động rải người đi “săn tin”, một số chủ trại hòm ở địa bàn huyện Long Thành ( Đồng Nai) còn áp dụng nhiều chiêu khuyến mãi khá lạ đời để lấy lòng khách hàng.
Có mặt tại trại hòm K. N., đóng tại huyện Long Thành (Đồng Nai), trong vai “khách hàng”, chúng tôi đã được chủ trại hòm liên tục giới thiệu về những dịch vụ khuyến mại, giảm giá. Theo đó, khi mua hòm tại đây người mua sẽ được tặng một phiếu “voucher” giảm giá đến 30%, phiếu này áp dụng dành cho cả họ hàng, người thân của người mua hòm. Không chỉ vậy, ông chủ trại hòm này còn cho chúng tôi biết hàng loạt các dịch vụ khuyến mại mà trại hòm mình đang có như khi mua hòm sẽ được tặng trà thơm để khâm liệm, tặng kèm vàng mã...
Anh Minh, một người làm công cho trại hòm K. N. tiết lộ: “Tuy là mang tiếng khuyến mại nhưng tất cả đã được tính vào chi phí của cái hòm. Như một chiếc hòm loại thường có giá 7,5 triệu đồng thì chủ trại hòm bán với giá 8,5 triệu rồi tặng kèm 1 bao trà để khâm liệm. Người dân nghe có khuyến mãi tặng kèm nên mua chứ thực chất là tiền đã được tính rồi”.
Không chỉ dừng lại ở đó, một số chủ trại hòm còn trưng biển “tặng hòm miễn phí cho người nghèo” để gây sự chú ý cho người dân. Trên thực tế, trong lúc tang gia bối rối người nhà chẳng bao giờ đến để làm thủ tục xin hòm cho người thân mình. Hơn nữa để được tặng một chiếc hòm thì cũng trải qua rất nhiều thủ tục khá nhọc nhằn và phải xin nhiều giấy xác nhận của địa phương mà việc lo hậu sự thì không thể chờ đến lúc xin đầy đủ giấy xác nhận được nên các chủ trại hòm chỉ trưng biển… cho vui và cốt là lấy lòng thượng đế.
Tâm lý của số đông người dân khi thấy các trại hòm trưng biển miễn phí sẽ nghĩ là trại hòm bán với giá “hữu nghị”, làm ăn đứng đắn, nhân văn nên sẽ tìm đến để đặt mua. Và, khi ấy, các chủ trại hòm sẽ giảm giá vài trăm nghìn đồng nhưng với điều kiện thượng đế phải “xài” thêm các dịch vụ khác như nhạc, kèn, xe chở, bàn ghế... của chính trại hòm ấy.
Kền kền mổ nhau
Không chỉ sử dụng các chiêu thức kinh doanh lạ đời để cạnh tranh giành lãnh địa của mình, các chủ trại hòm còn sẵn sàng sử dụng “luật rừng” để tranh giành lãnh địa phân phối… hòm. Mới đây, vụ hỗn chiến giữa trại hòm Phước Thiện và Long Thọ ở Long Thành ( Đồng Nai) vẫn còn khiến dư luận kinh hãi.
Sự việc xảy ra vào chiều ngày 12/8, anh Nguyễn Huy C. (32 tuổi, ngụ tại khu Phước Hải, thị trấn Long Thành, huyện Long Thành, Đồng Nai) đi xe gắn máy chở anh Phạm Văn V. (23 tuổi, ngụ tại tỉnh Thái Bình) trên đường trên quốc lộ 51 theo hướng từ tỉnh Đồng Nai về tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Đến đi đến địa bàn xã Phước Thái (huyện Long Thành) thì không may xe máy của Cường đã tông vào dải phân cách bê tông khiến hai người này ngã xuống đường và tử vong tại chỗ.
Trong lúc lực lượng công an huyện Long Thành đang bảo vệ hiện trường để chờ cơ quan chức năng đến điều tra nguyên nhân vụ tai nạn thì nhân viên của một số trại hòm trên địa bàn huyện Long Thành và huyện Nhơn Trạch nhờ “chim lợn” thông báo đã nhanh chóng có mặt. Vì muốn giành xác nạn nhân để khâm liệm và bán quan tài cùng các dịch vụ mai táng kèm theo nên hai trại hòm Phước Thiện (thị trấn Long Thành) và trại hòm Long Thọ (huyện Nhơn Trạch) đã xảy ra xô xát. Trong lúc ẩu đả, Trần Văn Bé M. (ngụ thị trấn Long Thành, người của trại hòm Phước Thiện) đã bị đối thủ đâm trọng thương.
Theo người dân ở khu vực huyện Long Thành và Nhơn Trạch thì việc các trại hòm sử dụng “luật rừng” để tranh giành bán hòm xảy ra như cơm bữa tại địa phương này. Các chủ trại hòm không ngần ngại cho người vác hung khí vào thẳng nhà dân để giằn mặt đối thủ.
Anh H. N. Q. một người dân sống trên địa bàn cho biết: “Các trại hòm ở xã này với xã khác, huyện này với huyện khác sẵn sàng vác dao chém nhau nếu vi phạm lãnh địa. Chính vì lo lắng điều này nên một số người dân chỉ dám mua hòm của trại hòm ở xã mình dù giá có đắt hơn vì sợ mua trại hòm khác thì các trại hòm trên đại bàn sẽ đến quấy rối tang gia”.
Người dân sống tại khu vực trên còn cho biết thêm, việc các trại hòm xô xát, gây hấn đánh nhau để tranh giành… xác chết thường xuyên xảy ra. Thậm chí, các trại hòm còn mang hung khí kéo đến tận đám tang để đánh “dằn mặt” đối thủ khiến gia chủ phải năn nỉ xin bỏ qua để người chết được yên. Không chỉ tranh giành ngoài đường, các trại hòm còn xông cả vào nhà xác của Bệnh viện đa khoa huyện Long Thành để kiếm “hợp đồng”.
Sau vụ việc hai trại hòm Phước Thiện và Long Thọ đâm nhau để tranh giành bán hòm chính quyền địa phương của một số huyện ở Đồng Nai đã yêu cầu các chủ trại hòm trên địa bàn cam kết là không được tranh giành trong việc buôn bán hòm gây mất an toàn trên địa phương nữa.
Các chủ trại hòm cũng đã tiến hành ký vào biên bản cam kết. Tuy nhiên, theo phản ánh của một số người dân trên địa bàn thì tình trạng giành giật xác người để bán hòm vẫn chưa có chiều hướng tích cực, tình trạng tranh chấp dẫn đến đánh nhau của một số trại hòm vẫn diễn ra.
Còn nữa.