Những chuyện hy hữu có một không hai đêm Noel trên thế giới
Đêm Noel trên thế giới từng có những chuyện hy hữu có một không hai, điển hình như vụ đình chiến giữa quân Đồng Minh và Đức, hay sự xuất hiện của trăng lạnh ngay trong đêm.
Trăng lạnh xuất hiện đêm noel.
Chuyện hy hữu khi trăng lạnh xuất hiện có một không hai đêm Noel
Hiện tượng thiên văn hy hữu “trăng tròn lạnh” hay “trăng lạnh” đã thắp sáng bầu trời đêm Giáng sinh năm nay, khiến đêm Noel càng thêm lung linh huyền ảo. Đây là lần đầu tiên “trăng lạnh” xuất hiện trong 38 năm qua kể từ Giáng sinh năm 1977.
Hiện tượng “trăng lạnh” xảy ra khi trăng tròn vào đúng thời điểm đầu mùa đông. Trăng tròn và sáng nhất vào thời điểm 23h11 giờ GMT đêm Giáng sinh năm nay, trang mạng Daily Mail trích dẫn Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) cho biết.
Trung tâm vũ trụ Goddard thuộc NASA cho biết hiện tượng thiên nhiên kỳ thú này sẽ không xuất hiện trở lại cho đến năm 2034.
Chia sẻ trên blog, Nancy Neal Jones, nhà khoa học từ Trung tâm vũ trụ Goddard của NASA tại bang Marryland, Mỹ cho biết: “Khi các bạn ngắm nhìn trăng tròn trong đêm Giáng sinh thì hãy lưu ý rằng NASA hiện đã vận hành một tàu vũ trụ bay chung quanh quỹ đạo của mặt trăng”.
Phút đình chiến có một không hai giữa đại chiến thế giới trong đêm Noel
Sau đêm Giáng sinh năm 1914, đã có một sự kiện vô cùng thú vị xảy ra giữa trận chiến ác liệt của quân đội Đức và quân đội Đồng minh trong Thế chiến thứ I. Đó là rạng sáng ngày 25/12, đa số quân đội Đức đã ngừng bắn và bắt đầu hát bài hát mừng Giáng sinh.
Không ai có thể hiểu rõ về chiến tranh hơn những người lính, thế nhưng chính họ, lại làm nên giây phút “thiên đường giữa địa ngục trần gian”.
Khoảnh khắc lịch sử của đêm Noel ấy được khắc họa lại.
Câu chuyện bắt đầu vào đêm Noel năm 1914, sau nhiều ngày giao tranh dữ dội giữa giá rét của mùa đông phương Bắc. Bất chấp những làn bom rơi, đạn nổ, những tiếng gào thét thê lương, những thân người đổ gục vô hồn… đêm Giáng sinh vẫn phải được tưởng nhớ và chào đón.
Binh lính của ba nước âm thầm tổ chức lễ Noel ngay dưới chiến hào của mình. Không có gà tây, không có bếp hồng hay món tráng miệng ngọt lịm, không cả lời chúc tụng mà chỉ có những lời cầu nguyện cho sự yên bình và sự sống.
Binh sĩ người Đức, Nikolaus Sprink, vốn là một nam ca sĩ opera tài danh bị triệu tập đi lính ngay trong buổi diễn của mình, bỗng cất tiếng hát vang giữa chiến trường, bắt đầu cho một thời khắc đi vào lịch sử.
Trong đêm tịch mịch đó, y như cái tên Silent Night – bài hát Giáng sinh nổi tiếng nhất mọi thời đại, từ phía chiến hào của người Đức cất lên văng vẳng một giọng ca cao vút. Người Anh và người Pháp ngừng cụng ly và xì xầm, không gian và thời gian như bất động.
Như được đánh thức sau cơn mê, viên sĩ quan binh đoàn Scotland của quân đội Hoàng gia Anh bất ngờ chộp lấy cây kèn túi, thổi lên điệu nhạc du dương hòa cùng giọng ca bên kia chiến tuyến. Nikolaus vốn chỉ đang trổ chút tài nghệ phục vụ những đồng đội của mình, ngỡ ngàng trước màn hồi đáp đầy chất thơ, đã hứng khởi quên cả hiểm nguy bước ra khỏi chiến hào, tay cầm cành thông vừa đi vừa hát bất chấp sự can ngăn của vị chỉ huy. Bài ca vừa dứt, anh lập tức nhận được những tràng pháo tay vang dội của những người lính từ… cả hai chiến hào.
Và đó là cách sự kỳ diệu bắt đầu. Sau những cái chào kiểu nhà binh, chỉ huy hai bên đã ra một quyết định có một không hai: đình chiến để chung vui trong ngày lễ vô cùng ý nghĩa của cả ba quốc gia. Binh lính ba bên đã tự tin bước ra khỏi chiến hào, đứng thắng giữa vùng giao tranh, nơi mà họ luôn phải đi khom lưng và né tránh những làn đạn điên cuồng. Họ tiến lại gần nhau, giáp lá cà… để trao nhau những cái bắt tay và lời chúc tụng. Những câu chuyện rôm rả, rộn rã tại nơi mà ngày hôm qua thôi, họ còn đang đánh nhau chí mạng.
Phút đình chiến hiếm hoi đêm Noel đã được dựng thành phim.
Trong suốt hơn 100 năm sau, sự kiện này đã được xem như là một phép lạ, giây phút đình chiến hiếm hoi trong cuộc chiến từng cướp đi sinh mạng của hơn 15 triệu người.
“Vào đêm Giáng sinh 1914, một bài Thánh ca đã cất lên, đó là một đêm trăng đẹp, sương trùm khắp trên mặt đất, màu trắng gần như ở khắp mọi nơi”, Albert Moren thuộc trung đoàn Queens Second của quân đội Anh nhớ lại.
“Binh sĩ Đức là những người hát bài hát mừng của họ trước tiên và sau đó đến lượt chúng tôi. Đến khi chúng tôi bắt đầu hát Thánh ca, người Đức cũng lập tức hòa nhịp với bài Thánh ca tiếng Latin. Đây thực sự là một điều kỳ diệu”, cựu binh Anh Graham Williams mô tả lại chi tiết khá tương đồng với những gì bộ phim Joyeux Noel mô tả.
Người ta cũng ghi nhận rằng, sáng ngày 25/12, ở một số đoạn trên chiến hào, lính Đức đã bước lên và hô to “Chúc mừng Giáng sinh” bằng tiếng Anh. Binh sĩ đồng minh cũng thận trọng tiến ra chào đón họ. Người Đức nhanh chóng giơ tay ra hiệu “Bạn không bắn, chúng tôi cũng không bắn”.
Binh sĩ hai bên trao đổi những quà tặng như thuốc lá, thực phẩm và mũ. Đồng thời họ có thời gian yên bình để chôn cất những những đồng đội thiệt mạng trong nhiều tuần trước đó của mình. Ở nơi sinh tử không có giới hạn, đến một nấm mồ tươm tất và một buổi lễ tiễn đưa ấm áp không thể diễn ra trọn vẹn, thì khoảng thời gian đình chiến hiếm hoi chính là dịp để người ta dành cho những người đã khuất những điều ý nghĩa cuối cùng.