Những ai có 20-25 năm là đại biểu Quốc hội sẽ rời nghị trường khi nhiệm kỳ kết thúc?

18-04-2021 11:55:44

Trong số các đại biểu Quốc hội khóa XIV, có 5 trường hợp có số nhiệm kỳ tham gia nhiều nhất (5 nhiệm kỳ - 25 năm), có 3 trường hợp không tiếp tục ứng cử và sẽ rời nghị trường sau khi Quốc hội khóa XIV kết thúc.

 

1. Bà Tòng Thị Phóng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội.

Bà sinh năm 1954, quê Sơn La, là Ủy viên Trung ương Đảng Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương khoá VIII, IX, X, XI, XII; Ủy viên Bộ Chính trị Khóa XI, XII; Bí thư Trung ương Đảng khóa IX, X.

Bà Tòng Thị Phóng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị có 5 nhiệm kỳ liên tiếp là đại biểu Quốc hội (ảnh Trung tâm báo chí Quốc hội).

Bà là đại biểu Quốc hội 5 khóa liên tiếp là: X, XI, XII, XIII, XIV; Phó Chủ tịch Quốc hội 3 khóa liên tiếp là XII, XIII và XIV (từ 2007 đến 2021).

Tại Đại hội XIII của Đảng, bà không tái cử Trung ương và Bộ Chính trị do quá tuổi so với quy định. Ngày 31/3/2021, tại kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIV, bà được miễn nhiệm chức Phó Chủ tịch Quốc hội. Tại kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, bà không tham gia ứng cử.

2. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình

Ông sinh năm 1955, quê Long An; là Ủy viên Bộ Chính trị khóa XII; Bí thư Trung ương Đảng khóa XI; Ủy viên Trung ương Đảng các khóa X, XI và XII.

Ông là đại biểu Quốc hội 5 khóa liên tiếp là X, XI, XII, XIII và XIV.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình (ảnh Trung tâm báo chí Quốc hội).

Tại Đại hội XIII của Đảng, ông không tái cử Trung ương và Bộ Chính trị do quá tuổi so với quy định.

Tại kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, ông không tham gia ứng cử.

3. Ông Nguyễn Văn Tuyết, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội

Ông sinh năm 1960, quê Yên Bái; ông có 5 khóa là đại biểu Quốc hội liên tiếp: X, XI, XII, XIII và XIV và là đại biểu Quốc hội chuyên trách ở Trung ương.

Ông Nguyễn Văn Tuyết có 5 nhiệm kỳ liên tục tham gia Quốc hội (ảnh Trung tâm báo chí Quốc hội).

Tại kỳ bầu cử Quốc hội khóa XV, ông thôi không tham gia ứng cử.

4. Nhà sử học Dương Trung Quốc

Ông sinh năm 1947, quê Bến Tre, nhưng sinh ra lớn lên và sinh sống ở Hà Nội.

Ông có nhiệm kỳ liên tiếp là đại biểu Quốc hội, gồm khóa XI, XII, XIII và XIV thuộc Đoàn Đồng Nai.\

Đại biểu Dương Trung Quốc và lần phát biểu cuối trước khi rời nghị trường (ảnh Trung tâm báo chí Quốc hội).

Ông là đại biểu thường xuyên có phát biểu thẳng thắn, mạnh mẽ, đi vào những vấn đề nóng của đời sống xã hội; đồng thời cũng là đại biểu có nhiều chất vấn gai góc. Sau 20 năm gắn với hoạt động Quốc hội, tại kỳ bầu cử Quốc hội khóa XV, ông đã thôi tham gia ứng cử.

5. Bà Trần Thị Quốc Khánh

Bà sinh năm 1959, quê Hà Nam; Bà có 4 nhiệm kỳ đại biểu Quốc hội liên tiếp: khóa XI, XII, XIII và XIV; là Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội (đại biểu Quốc hội chuyên trách ở Trung ương). Tại kỳ bầu cử Quốc hội khóa XV, bà thôi tham gia ứng cử.

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (ảnh Trung tâm báo chí Quốc hội).

Trong hoạt động tại nghị trường, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh thường xuyên có những phát biểu thể hiện chính kiến trên nhiều lĩnh vực. Đặc biệt, bà là đại biểu đưa ra sáng kiến lập pháp, đó là dự án Luật hành chính công và có nhiều năm theo đuổi. Tuy nhiên, theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, do chưa đủ điều kiện nên không trình ra Quốc hội dự án Luật hành chính công, đồng thời Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin Quốc hội cho dừng xây dựng dự luật trên.

PVCT
Theo Dân Việt //