Nhóm anti-fan Hoa hậu Ý Nhi tổ chức offline tại Hà Nội gây tranh cãi
Nhóm anti-fan Hoa hậu Ý Nhi gây tranh cãi khi xuất hiện hình ảnh buổi họp nhóm với băng rôn tước vương miện.
Ngày 5/8 trên mạng xã hội lan truyền hình ảnh được cho là các thành viên trong nhóm anti-fan Hoa hậu Ý Nhi tổ chức offline tại Hà Nội.
Theo đó, một nhóm người xuất hiện tại một quán ăn và vui vẻ cầm tấm bảng lớn có hình ảnh Hoa hậu Ý Nhi đang khóc, kèm theo dòng chữ: "Chấm dứt antifan Ý Nhi. Hãy trả lại vương miện".
Ngay khi được đăng tải, cư dân mạng đã nổ ra tranh cãi dữ dội, đa phần đều phản đối cho rằng hành động này là không nên, sẽ tạo nên những ảnh hương tiêu cực tới nàng Hậu 21 tuổi Ý Nhi.
Nhóm anti-fan bất ngờ tổ chức gặp mặt và yêu cầu Ý Nhi trả lại vương miện khiến dân tình bức xúc, không đồng tình. Ảnh: Mạng xã hội.
Báo Phụ nữ số dẫn lời dân mạng: "Làm như thế này là dồn người ta đến đường cùng luôn sao?", "Làm gì cũng chừa cho người ta 1 con đường sống, cũng là chừa cho mình đường lui. Lời nói là vũ khí vô hình sắc bén có thể mang lại hậu quả lớn đó", "Ý Nhi có sai thì cũng vừa phải, ai cũng có sai lầm",...
Sau khi giành vương miện Hoa hậu Thế giới Việt Nam 2023, Huỳnh Trần Ý Nhi nhận được sự quan tâm lớn từ khán giả. Tuy nhiên, những phát ngôn "gây bão" sau khi đăng quang đã khiến một bộ phận khán giả không ủng hộ, nhiều người cho rằng cô không xứng đáng với ngôi vị hoa hậu. Các nhóm anti-fan vì thế cũng đua nhau mọc lên như nấm, có nhóm số thành viên tham gia gần 500.000 người, con số này dự báo còn tiếp tục tăng. Nhóm anti-fan Ý Nhi đăng nhiều bài viết kêu gọi tẩy chay tân hoa hậu vì loạt phát ngôn thiếu kiểm soát.
Dân mạng gửi email, yêu cầu Ban Tổ chức hủy bỏ danh hiệu của Ý Nhi. Ảnh: Chụp màn hình.
Trao đổi với báo VTC về việc lập nhóm anti-fan để công kích Hoa hậu Ý Nhi có vi phạm pháp luật, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường (Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp) cho biết các nhóm anti-fan là mặt đối lập của các fan hâm mộ một nghệ sĩ, người nổi tiếng nào đó.
Đây là hiện tượng xã hội, là biểu hiện rất cụ thể của quyền tự do ngôn luận, tự do bày tỏ quan điểm thái độ ý kiến của mình đối với các vấn đề xã hội, pháp luật không cấm. Đây còn là biểu hiện của dư luận đối với những người có sức ảnh hưởng đối với xã hội.
"Tuy nhiên, nếu những người tham gia các hội nhóm này mất kiểm soát cảm xúc, có những hành vi thiếu chuẩn mực, đi quá giới hạn của quyền tự do ngôn luận, đặc biệt nếu người quản lý các hội nhóm này muốn lợi dụng đám đông để dẫn dắt dư luận theo chiều hướng xấu, xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức cá nhân thì sẽ là hành vi vi phạm pháp luật", luật sư Cường nhấn mạnh.
Trả lời báo Phụ nữ số, luật sư Trần Vũ Hoàng (giám đốc Công ty Luật TNHH AEC) cũng cho biết, căn cứ Khoản 3, Điều 16 Luật Anh ninh mạng, các hành vi như: xúc phạm nghiêm trọng danh dự, uy tín, nhân phẩm của người khác; thông tin bịa đặt, sai sự thật xâm phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm hoặc gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của người khác… đều bị cấm. Vì vậy, việc lập ra các "group anti" người nổi tiếng để thực hiện những hành vi trên là trái pháp luật. Đồng thời, nếu vi phạm có thể bị phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo quy định tại Điểm a, Khoản 1 Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP (được sửa đổi bởi khoản 37 Điều 1 Nghị định 14/2022/NĐ-CP) quy định về hành vi vi phạm các quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội; trang thông tin điện tử được thiết lập thông qua mạng xã hội như sau:
Vi phạm các quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội; trang thông tin điện tử được thiết lập thông qua mạng xã hội.
1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện một trong các hành vi sau:
a) Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân;
b) Cung cấp, chia sẻ thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc;
c) Cung cấp, chia sẻ thông tin miêu tả tỉ mỉ hành động chém, giết, tai nạn, kinh dị, rùng rợn;
d) Cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong Nhân dân, kích động bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội, đánh bạc hoặc phục vụ đánh bạc;
đ) Cung cấp, chia sẻ các tác phẩm báo chí, văn học, nghệ thuật, xuất bản phẩm mà không được sự đồng ý của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ hoặc chưa được phép lưu hành hoặc đã có quyết định cấm lưu hành hoặc tịch thu;
e) Quảng cáo, tuyên truyền, chia sẻ thông tin về hàng hóa, dịch vụ bị cấm;
g) Cung cấp, chia sẻ hình ảnh bản đồ Việt Nam nhưng không thể hiện hoặc thể hiện không đúng chủ quyền quốc gia;
h) Cung cấp, chia sẻ đường dẫn đến thông tin trên mạng có nội dung bị cấm.
2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi tiết lộ thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.