Nhọc nhằn nuôi giấc mơ con chữ tại các điểm trường vùng cao
Thầy cô giáo ở các điểm trường vùng cao Bắc Kạn đã nỗ lực không ngừng nghỉ trên hành trình đem con chữ đến với các em học sinh.
Nhọc nhằn nuôi giấc mơ con chữ tại các điểm trường vùng cao.
Gắn bó cùng học sinh DTTS
Dạy học ở miền núi luôn gắn liền với nhiều vất vả và khó khăn, nhất là gắn bó với những điểm trường lẻ. Nhưng với tình yêu thương với các học trò mà giáo viên cắm bản đã trở thành những người thầy, người mẹ, người cha của các em. Họ đã dành cả tuổi thanh xuân để thắp lên ước mơ cho những cô cậu học trò trên miền biên viễn.
Là giáo viên có nhiều kinh nghiệm giảng dạy các lớp ghép tại các điểm trường, cô Quách Thị Minh Thơm, giáo viên phụ trách tại điểm trường Nặm Dất, Tiểu học và THCS Xuân Sơn (Chợ Mới, Bắc Kạn) chia sẻ: Điểm trường Nặm Dất có 45 học sinh, 100% các em là dân tộc Dao. Điểm trường có 1 lớp ghép với 14 học sinh và 4 giáo viên phụ trách điểm.
Để học sinh nắm bắt được kiến thức tốt nhất, ngay từ đầu năm học, bản thân giáo viên đã phân loại học sinh, xây dựng các nhóm học tập, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên trong nhóm trong mỗi hoạt động học tập. Bên cạnh đó, xây dựng kế hoạch bài dạy, giáo viên cũng lựa chọn phương pháp về hình thức tổ chức dạy học, chuẩn bị nội dung bài học giao cho từng đối tượng học sinh sao cho phù hợp.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tích cực phát huy tính chủ quản của nhóm trưởng, đóng vai là một cô giáo nhỏ hướng dẫn các bạn, chia sẻ để hoàn thành những nội dung giáo viên yêu cầu. Sau mỗi nhiệm vụ học tập, giáo viên sẽ có những hình thức động viên, khên thưởng, tạo hứng thú cho các em học sinh, kích thức tinh thần ham học của các em học sinh.
Chia sẻ khó khăn khi công tác tại các điểm trường, cô Thơm tâm sự đó là trở ngại về ngôn ngữ, nhiều em học sinh ngại giao tiếp, khả năng nhận thức chậm, bố mẹ ít quan tâm, nên đôi khi có những nội dung, hình ảnh, bài học các em khó tiếp thu, đặc biệt là đối với những em học sinh lớp 1, 2. Ngoài ra, nhà trường cũng tích cực cải thiện môi trường xung quang như trồng thêm cây xanh, hoa, giúp khuôn viên sạch đẹp hơn.
Một tiết học của cô giáo và học sinh Điểm trường Nặm Dất (Chợ Mới, Bắc Kạn).
Cũng giống như cô Thơm, thầy Đỗ Văn Cẩm, giáo viên đang giảng dạy tại Điểm trường Nặm Dất chia sẻ: Năm 1997, lần đầu tiên nhận công tác tại điểm trường Khau Lùng (xã Cao Kỳ), tôi được phụ huynh giúp đỡ mang đồ. Dù chưa có kinh nghiệm và gặp rất nhiều khó khăn nhưng vì quyết tâm đem cái chữ đến cho các em mà thầy không quản ngại đường xá xa xôi, có nơi phải đi bộ cả chục cây số nhưng thầy miệt mài đem con chữ đến cho các em.
Gần 30 năm công tác tại rất nhiều điểm trường, thầy Cẩm có nhiều kinh nghiệm trong công tác dạy học tại vùng cao. Trong quá trình giảng dạy, thầy đều sử dụng đan xen giữa tiếng Dao và tiếng phổ thông, dạy các em học sinh không chỉ về kiến thức mà còn hướng dẫn các em những kĩ năng cần thiết trong sinh hoạt hàng ngày.
Khắc phục khó khăn để dạy tốt, học tốt
Năm học 2024 – 2025, huyện miền núi Pác Nặm (Bắc Kạn) có 31 trường học với 139 điểm chính; 108 điểm lẻ; trong đó điểm chính có 234 lớp, điểm lẻ có 160 lớp. Công tác dạy và học ở các điểm trường vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn.
Ông Hoàng Văn Duy, Trưởng Phòng GD&ĐT Pác Nặm (Bắc Kạn) cho biết: Các điểm trường lẻ của Pác Nặm hiện có hơn 2.000 học sinh (chiếm tỷ lệ hơn 80%) có hoàn cảnh khó khăn và thuộc diện hộ nghèo. Hiện nay chưa có chế độ, chính sách giành cho trẻ độ tuổi nhà trẻ, nên việc huy động trẻ nhà trẻ ra lớp ở các điểm trường còn gặp rất nhiều khó khăn; do nhà trẻ đi học phải nộp tiền ăn, tiền học phí 100% (23.000đ/tháng). Nhiều điểm trường thiếu bếp ăn bán trú hoặc bếp ăn còn là bếp tạm, rất khó khăn cho công tác tổ chức ăn bán trú tại lớp cho trẻ.
Bên cạnh đó, đa số các điểm trường lẻ chỉ có 01 nhóm trẻ hoặc 01 lớp mẫu giáo không đủ số trẻ theo quy định vẫn chỉ được bố trí 01 giáo viên, gây khó khăn cho công tác nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cao.
Một số điểm trường chưa có điện, khó khăn trong công tác nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ, đặc biệt là công tác ứng dụng CNTT trong dạy và học của giáo viên và học sinh.
Để tạo động lực giúp các em học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số vượt qua khó khăn, phấn đấu học tập, rèn luyện tốt, trong những năm qua huyện đã nỗ lực thực hiện tốt công tác xã hội hoá, huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng bếp ăn bán trú kiên cố và bán kiến cố tại các điểm trường, láng bê tông sân chơi cho trẻ, xây dựng lớp học, công trình vệ sinh,…
Phòng GD&ĐT hằng năm tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng, nhằm nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ quản lý, giáo viên mầm non đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, sử dụng các phương pháp và hình thức tổ chức dạy học linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế.
Trưởng Phòng GD&ĐT Pác Nặm Hoàng Văn Duy bày tỏ mong muốn, thời gian tới, các cấp có thẩm quyền tiếp tục quan tâm, đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm bổ sung thiết bị dạy học cho các điểm trường tại Pác Nặm; hỗ trợ áo ấm về mùa đông, chăn, gối, đệm để tổ chức cho học sinh nghỉ trưa tại lớp học ở điểm trường, hạn chế đi lại nhiều lần trong ngày.
Với sự vào cuộc quyết liệt, chất lượng giáo dục ở huyện Pác Nặm nói chung và tại các điểm trường lẻ nói riêng đang từng bước được nâng lên. Thành quả này khẳng định quyết tâm của huyện để từng bước thực hiện chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện GDĐT của Đảng, góp phần nâng cao dân trí, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số vùng cao, vùng sâu, vùng đặc biệt khó khăn, từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho địa phương.