Nhiều vi phạm trong đào tạo, sát hạch lái xe

12-03-2021 14:36:21

Tại kết luận thanh tra công tác đào tạo lái xe ở một số địa phương, Bộ GTVT đã chỉ ra hàng loạt vi phạm và yêu cầu chấn chỉnh, báo cáo Bộ kết quả thực hiện kết luận trước ngày 15/4 tới.


Sân thực hành tại một trung tâm đào tạo, sát hạch GPLX.

Theo đó, Đoàn Thanh tra Bộ GTVT đã tiến hành thanh tra công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe (GPLX) tại 3 tỉnh gồm Quảng Ninh, Phú Thọ và Thái Bình. Qua thanh tra, công tác đào tạo, sát hạch lái xe trên địa bàn các tỉnh này cũng bộc lộ nhiều tồn tại.

Cụ thể: tại Trường Cao đẳng giao thông Quảng Ninh có sân tập lái sát với một số phòng học lý thuyết và sử dụng chung với đường nội bộ, không đảm bảo ATGT khi dạy thực hành lái xe; Trường Cao đẳng công nghiệp và xây dựng và Trường Cao đẳng Than - Khoáng sản VN (Quảng Ninh) sân tập lái có hình bài tập ghép chung một số hạng xe hoặc chưa được bó vỉa đầy đủ.

Đáng lưu ý, với giáo viên dạy lái xe, 6 đơn vị có một số giáo viên dạy thực hành lái xe có phù hiệu giáo viên dạy lái xe không có ảnh hoặc không đóng dấu giáp lai lên ảnh theo mẫu. 8 đơn vị có một số giáo viên dạy thực hành lái xe không phù hợp với hạng xe trong giấy chứng nhận tập huấn giáo viên dạy thực hành lái xe hoặc trong GPLX.

Bên cạnh đó, 11 đơn vị có sân tập lái thiếu một số biển báo hiệu đường bộ, vạch sơn kẻ đường, thanh ray đường sắt như: tại Trường Cao đẳng công nghiệp và xây dựng, Trường Cao đẳng giao thông Quảng Ninh, Trường Cao đẳng Than - Khoáng sản Việt Nam (Quảng Ninh); Trường Cao đẳng công nghệ và kỹ thuật ô tô, Trung tâm Đào tạo, sát hạch lái xe Phú Thọ, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Phú Thọ, Trường Cao đẳng công nghệ và nông lâm Phú Thọ, Trung tâm Dạy nghề và đào tạo lái xe Việt Trì, Trung tâm Dạy nghề và đào tạo lái xe Hùng Vương (Phú Thọ); Trường Trung cấp nghề GTVT Thái Bình, Trường CĐ nghề số 19 Bộ Quốc phòng (Thái Bình). Đối với xe tập lái, 3 đơn vị có số lượng xe ô tô tập lái hợp đồng hạng B có số lượng xe sở hữu hạng B vượt quá tỷ lệ 50% theo quy định; 2 đơn vị có số lượng xe ô tô tải tập lái hạng B có số lượng xe tập lái hạng B vượt quá tỷ lệ 30% theo quy định.

Từ những sai phạm trên, Đoàn Thanh tra của Bộ GTVT yêu cầu các Sở GTVT Quảng Ninh, Phú Thọ, Thái Bình cần chấn chỉnh, rút kinh nghiệm về các tồn tại trong công tác quản lý đào tạo, sát hạch, cấp GPLX cơ giới đường bộ; Báo cáo Bộ GTVT kết quả thực hiện kết luận này trước ngày 15/4/2021.

Trước đó, Tổng cục Đường bộ VN và Thanh tra các sở GTVT thực hiện thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật trong hoạt động đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ tại 202 đơn vị. Qua đó, phát hiện 58 cơ sở sai phạm. Trong đó, 15 đơn vị bị đình tuyển sinh đào tạo, sát hạch và xử phạt hành chính 43 đơn vị, với số tiền gần 250 triệu đồng. Các địa phương có cơ sở bị đình chỉ nhiều gồm: Quảng Trị, Đắk Lắk, Thừa Thiên - Huế, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên…

Đề cập tới nguyên nhân các cơ sở đào tạo GPLX vi phạm nhiều, không ít ý kiến cho rằng,  rõ ràng trong các vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng do nguyên nhân lái xe thiếu hiểu biết về Luật Giao thông đường bộ, kỹ năng xử lý tình huống kém chiếm phần lớn đã phản ánh chất lượng đào tạo, sát hạch GPLX của ngành GTVT còn hạn chế, thậm chí tiêu cực. Bên cạnh đó, phương tiện dùng cho đào tạo, sát hạch GPLX còn cũ nát, lạc hậu, không cập nhật kịp thời công nghệ mới khiến lái xe khi ra thực tế gặp nhiều bỡ ngỡ, tiềm ẩn nguy cơ TNGT.

Ở một góc nhìn khác, theo ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Vận tải Hà Nội, có hiện tượng cạnh tranh gay gắt, đua nhau giảm giá, gây “loạn” phí đào tạo. Công tác tuyển sinh tại nhiều cơ sở đào tạo còn thiếu chặt chẽ, thậm chí có phần tùy tiện, học viên thiếu tự giác, nghiêm túc trong học lý thuyết lẫn thực hành.

Để xảy ra những vi phạm trong lĩnh vực đào tạo, sát hạch lái xe dư luận cho rằng, trước hết lỗi thuộc về các Sở GTVT quản lý lỏng lẻo, chưa sát sao. Bên cạnh đó chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe, nhiều quy định cũng đã lạc hậu.

HẠNH NHÂN
Theo Đại Đoàn Kết //