Nhiều dấu hiệu khuất tất trong Dự án đường liên tỉnh Hà Nội - Hưng Yên

30-05-2018 10:28:16

Trong suốt quá trình triển khai hơn 10 năm qua, Dự án đường giao thông liên tỉnh Hà Nội – Hưng Yên gắn liền với những cái tên đình đám như Việt Hưng (Vihajico), Thành Nam (Cotana).

"Lùm xùm" tại Dự án đường liên tỉnh đoạn qua Hưng Yên

Nhằm mục đích xây dựng mới đoạn đường 17km từ địa phận TP. Hà Nội qua đoạn Văn Giang, nối với đường 39 cũ để thu hút đầu tư về địa phương, UBND tỉnh Hưng Yên đã lập Tờ trình số 906/TT-UB ngày 20/10/2003 để xin Chính phủ chấp thuận chủ trương sử dụng quỹ đất (SDQĐ) tạo vốn để xây dựng công trình cơ sở hạ tầng (CSHT).

Ngày 31/10/2003, Thủ tướng Chính phủ ra công văn số 1495/CP-NN cho phép UBND tỉnh Hưng Yên thực hiện Dự án xây dựng đường từ cầu Thanh Trì đi thị xã Hưng Yên đoạn từ huyện Văn Giang đến xã Dân Tiến – Khoái Châu; cải tạo, nâng cấp Tỉnh lộ 200 đoạn từ cầu Triều Dương ra QL5 bằng phương thức SDQĐ tạo vốn xây dựng CSHT theo quy định của Luật Đất đai. Dự án khai thác quỹ đất tạo vốn khoảng từ 300-500 ha. Cơ chế tài chính thực hiện theo Quyết định 22/2003/QĐ-BTC của Bộ Tài chính.

Đến ngày 25/6/2004, UBND tỉnh Hưng Yên có Quyết định 1431/QĐ-UBND phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường giao thông liên tỉnh (GTLT) Hà Nội – Hưng Yên. Tiếp đó, đến ngày 30/6/2004, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 742/QĐ-TTg về việc thu hồi đất và giao đất để thực hiện dự án.

Qua đó, thu hồi 5.540.712 m2 (hơn 554 ha) đất tại các xã Xuân Quan, Phụng Công, Cửu Cao và 9 xã khác thuộc 2 huyện Văn Giang và Khoái Châu, Hưng Yên, đồng thời giao toàn bộ cho nhà đầu tư là Công ty CP Đầu tư và Phát triển đô thị Việt Hưng (Vihajico) thực hiện dự án.

Trong đó, đất giao để xây dựng tuyến đường là 550.006 m2, đất giao để xây dựng Khu đô thị Thương mại – Du lịch Ecopark Văn Giang (theo hình thức đổi đất lấy công trình) là 4.990.706 m2. Nói cách khác, để có được công trình tuyến đường GTLT Hà Nội – Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên chấp nhận đổi gần 500 ha đất cho Vihajico để xây dựng khu đô thị Ecopark.

Được sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ, UBND TP Hà Nội và UBND tỉnh Hưng Yên tập trung tổ chức triển khai thi công tuyến đường liên tỉnh trực tiếp từ cầu Thanh Trì tới QL39 tại xã Dân Tiến, huyện Khoái Châu có tổng chiều dài 21,8km; đoạn thuộc địa phận tỉnh Hưng Yên có chiều dài tuyến là 17,8km. Tuyến đường GTLT Hà Nội – Hưng Yên có tổng vốn đầu tư ban đầu là 499.120.000.000 đồng (499 tỷ đồng, căn cứ theo Báo cáo số 111/BC-UBND ngày 06/10/2009), quy mô đầu tư đoạn qua đô thị (khoảng 3,5km) là cấp I đồng bằng; đoạn sau đô thị Ecopark đến xã Dân Tiến là cấp III đồng bằng.

Cũng cần nói thêm, trong quá trình triển khai song song hai dự án làm đường liên tỉnh và khu đô thị Ecopark, Công ty Vihajio “dính” phải rất nhiều lùm xùm bắt nguồn từ sự phản đối của người dân Văn Giang, tố cáo nhiều dấu hiệu sai phạm tại dự án như: doanh nghiệp không đủ năng lực tài chính, sử dụng xã hội đen để đe dọa người dân khi giải phóng mặt bằng,…

Bên cạnh đó, Thông báo số 168/TTCP-V4 ngày 26/1/2007 kết luận thanh tra “Dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu đô thị Thương mại – Du lịch Văn Giang” của Thanh tra Chính phủ và Báo cáo số 2288/BC-TTCP ngày 17/9/2009 cũng chỉ rõ nhiều sai phạm trong công tác thực hiện dự án của doanh nghiệp này.


Nhiều dấu hiệu khuất tất trong Dự án đường liên tỉnh Hà Nội - Hưng Yên (ảnh minh họa)

Có khuất tất tại đoạn 4,2km qua địa phận Hà Nội?

Theo đó, tháng 3/2008, UBND Thành phố Hà Nội ban hành văn bản chấp thuận Liên danh Tổng công ty Cơ khí Xây dựng (COMA) và Công ty CP Đầu tư và xây dựng Thành Nam (COTANA) là nhà đầu tư thực hiện Dự án.

Năm 2009, hợp đồng dự án được ký giữa UBND huyện Gia Lâm và nhà đầu tư là Liên danh COMA - COTANA với quy mô tuyến đường có chiều dài gần 4,2km, thuộc địa bàn huyện Gia Lâm và quận Long Biên, tổng mức đầu tư 379 tỷ đồng.

Ngày 23/7/2009, Dự án khởi công, tuyến đường được hoàn thành và đưa vào sử dụng ngày 7/7/2014, khánh thành ngày 19/8/2014. Toàn bộ các hạng mục của tuyến đường đã được Nhà đầu tư bàn giao cho các sở, ngành, địa phương của TP. Hà Nội quản lý. Năm 2016, tổng mức đầu tư Dự án đã được UBND Thành phố phê duyệt điều chỉnh từ 379 tỷ đồng thành 497 tỷ đồng.

Ngày 17/7/2017, UBND huyện Gia Lâm, nhà đầu tư và doanh nghiệp dự án - Công ty CP Comaland Đầu tư và Phát triển bất động sản đã ký phụ lục hợp đồng BT. Hiện UBND huyện Gia Lâm đang thẩm định, phê duyệt quyết toán theo quy định.

Theo hợp đồng đã ký ngày 18/6/2009 giữa UBND huyện Gia Lâm với Liên danh COMA - COTANA, dự án đối ứng có địa điểm tại xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm, diện tích đất dự kiến thanh toán cho nhà đầu tư là 60 ha. Ngày 18/9/2014, UBND Thành phố có quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết các khu đất đối ứng thực hiện dự án tuyến đường Hà Nội - Hưng Yên với tổng diện tích là 63ha.

Theo đó, tổng diện tích quy hoạch chi tiết sử dụng đất đối ứng thực hiện dự án tỷ lệ 1/500 khoảng 630.245m2 được chia thành 2 khu, cụ thể: Khu B, tổng diện tích nghiên cứu lập quy hoạch khoảng 382.444m2, dự kiến dân số khoảng 4.715 người; khu C, tổng diện tích nghiên cứu lập quy hoạch khoảng 247.802, dự kiến dân số khoảng 4.028 người.

Hiện Nhà đầu tư chưa lập dự án đầu tư để trình UBND Thành phố quyết định chủ trương đầu tư và chưa được quyết định giao đất.

Theo UBND TP. Hà Nội, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã xác định giá trị tạm tính quỹ đất dự kiến thanh toán các khu đất đối ứng thực hiện Dự án Xây dựng tuyến đường Hà Nội - Hưng Yên theo hình thức BT là 2.241 tỷ đồng trong khi giá trị dự án BT là 497 tỷ đồng.

Theo quy định tại Quyết định số 23/2015/QĐ-TTg thì việc giao đất đối ứng có giá trị đảm bảo tương đương với giá trị công trình BT. Như vậy, có thể thấy mức độ chênh giữa giá trị quỹ đất và công trình tới 4 lần là quá cao. 

Mối quan hệ giữa các ông chủ BT

Vihajico - Chủ đầu tư Ecopark và Công ty CP Đầu tư và xây dựng Thành Nam Cotana - nhà đầu tư dự án BT tuyến đường liên tỉnh Hà Nội - Hưng Yên (đoạn 4,2km) có một số mối quan hệ sở hữu cổ phần của nhau.

Cụ thể, Vihajico do 9 cổ đông sáng lập. Trong đó, 2 cổ đông lớn nhất là Công ty TNHH Duy Nghĩa do ông Lương Xuân Hà đại diện sở hữu 54% và Công ty TNHH TM Phụng Thiên do bà Đặng Thị Ngọc Bích đại diện nắm 20%. Cotana cũng là một trong những cổ đông sáng lập của Vihajico. Ngoài ra, ông Đào Ngọc Thanh – Chủ tịch HĐQT Cotana cũng nắm vai trò đại diện pháp luật cho Vihajico trong nhiều năm qua.

Công ty CP Tập đoàn Cotana và bà Đặng Thị Ngọc Bích lại là 2 cổ đông sáng lập Công ty CP Comaland đầu tư và phát triển bất động sản - doanh nghiệp dự án được thành lập thực hiện dự án BT tuyến đường liên tỉnh Hà Nội - Hưng Yên.     

Điều dư luận đặc biệt quan tâm là về công tác tài chính trong quá trình triển khai dự án này.

Đời sống Plus sẽ tiếp tục thông tin.

Thanh Phong
Theo Đời sống Plus/GĐVN //