Nhầm lẫn nội dung tác phẩm, Á hậu Trang Thảo chia tay Quyền lực ghế nóng
Thí sinh Trang Thảo đã bị nhầm lẫn trong cốt truyện trong vở kịch Bao giờ sông cạn khiến cô bị loại khỏi Quyền lực ghế nóng.
Trong Quyền lực ghế nóng tập 6 chủ đề Thoại kịch, với khả năng phân tích sắc sảo, tiến sĩ triết học Mai Diệu Anh đã dẫn đầu đêm thi của bảng Nữ. Trong chương trình, các nghệ sĩ đến từ sân khấu Hoàng Thái Thanh đã tái hiện lại trích đoạn 4 của vở kịch Bao giờ sông cạn do nghệ sĩ Ái Như làm đạo diễn. Đây là vở kịch từng được NSƯT Hạnh Thúy chuyển thể vào năm 2009 từ truyện ngắn Dòng nhớ của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư.
Vở kịch Bao giờ sông cạn được tái hiện trên sân khấu Quyền lực ghế nóng
Thông qua trích đoạn kịch này, 4 thí sinh gồm Tiến sĩ triết học Mai Diệu Anh, Thạc sĩ ngôn ngữ học Mộng Tuyền, Á hậu Trang Thảo và giảng viên đại học Phan Tường Yên đã có những góc nhìn thú vị về thân phận người phụ nữ xưa và nay. Giám khảo của chương trình là NSƯT Chí Trung và giám khảo khách mời là NSND Lê Khanh.
Phần 1 vở kịch Bao giờ sông cạn trong Quyền lực ghế nóng
Ở phần 1 vở kịch được tái hiện trên sân khấu Quyền lực ghế nóng, thí sinh nữ duy nhất đến từ miền Bắc, khi xem vở kịch Nam Bộ, thí sinh Mai Diệu Anh đã phân tích: “Tôi thấy 3 người phụ nữ (bà Hai, Thà, Mai) chẳng ai có lỗi và họ đang làm đúng theo đạo của mình là làm thế nào để có được hạnh phúc. 3 người phụ nữ thì ai cũng thấy nhưng hình ảnh ám ảnh nhất với tôi là cái khăn. 3 người phụ nữ đều có cái khăn, chứng tỏ rằng mỗi người phụ nữ đều có bi kịch riêng và cần cái khăn để lau đi những dòng nước mắt của mình”.
Thí sinh Mai Diều Anh tại Quyền lực ghế nóng
Dưới góc nhìn của thạc sĩ ngôn ngữ học, thí sinh Mộng Tuyền chú ý đến vấn đề ngôn ngữ trong kịch có rất nhiều ngữ âm địa phương miền Nam và chính nét Nam bộ đó đã gom mọi thứ lại thành 1 chữ “đời” trong kịch.
Thí sinh Phan Tường Yên lại để ý đến hành động của các diễn viên trong vở kịch và cách bố trí đạo cụ trên sân khấu, tạo cảm giác lạnh lẽo, đơn độc cũng như hoàn cảnh Thà tới nhà lạy xin bà Hai tha thứ thì Mai ngồi trong góc bàn bó gối như thể chính cô là người thứ 3 trong chuyện tình oan nghiệt này.
Thí sinh Quyền lực ghế nóng Tường Yên
Phần 2 vở kịch Bao giờ sông cạn trong Quyền lực ghế nóng
Phần hai thí sinh Mộng Tuyền cho rằng vở bi kịch đã lấy rất nhiều nước mắt của khán giả, câu chuyện thân phận người phụ nữ đã cũ bởi từ thế kỷ 18, thi hào Nguyễn Du cũng đã từng viết nên câu “đau đớn thay phận đàn bà”.
Thí sinh Quyền lực ghế nóng Mộng Tuyền
Thí sinh Phan Tường Yên cho rằng các nhân vật đã bị quá nhiều ràng buộc trong cái khung khiến họ không thể thoát ra được. Sẽ có nhiều bạn trẻ trong thời đại này cho rằng tại sao người phụ nữ không bỏ đi tìm kiếm hạnh phúc mới nhưng nếu soi chiếu vào vở kịch này gần như không có sự lựa chọn khác. Vở kịch này cho cô thấy được trong mỗi người đều có 1 dòng sông đầy mất mát, tiếc nuối, lỡ làng và hãy tìm cách sống với nó bởi nó không thể cạn được.
Thí sinh Quyền lực ghế nóng Mai Diệu Anh nhận xét: “Bi kịch người phụ nữ được đẩy lên cao trào, xuất hiện khi có hình ảnh của nhân vật Chờ. Trong phân đoạn này, tôi chú ý đến diễn biến nội tâm của Chờ trước 3 người phụ nữ và cách giải quyết của anh là chọn đạo hiếu, truyền thống con người Việt. Theo tôi, 1 người con bất hạnh đó cũng chính là bất hiếu”.
Thí sinh Trang Thảo là người từng xem vở kịch Bao giờ sông cạn nhưng trong phần nhận xét về tiết mục, Trang Thảo đã bị nhầm lẫn trong cốt truyện khi nói bà Hai trong quá khứ đã bị mất đứa con (lý ra là chồng). Không chỉ nhận xét tiết mục, Trang Thảo còn hát tặng khán giả 4 câu hò Nam Bộ.
Thí sinh Trang Thảo nhầm lẫn nội dung tại Quyền lực ghế nóng
Đánh giá về các thí sinh Quyền lực ghế nóng, NSND Lê Khanh ấn tượng với thí sinh Tường Yên khi ví cuộc đời là dòng sông và phải sống chung với nó, thí sinh Mộng Tuyền rất bản lĩnh khi tìm ra cái quan trọng là xử lý vấn đề nhưng tiếc là chưa chốt được giá trị, thí sinh Trang Thảo phát hiện ra điển hình chung của người phụ nữ là cam chịu nhưng chưa rút ra được điều gì.
Giám khảo Quyền lực ghế nóng Chí Trung và NSND Lê Khanh
Kết thúc đêm thi chủ đề Thoại kịch, thí sinh Diệu Anh nhận được số điểm cao nhất 20,5 điểm, Tường Yên và Mộng Tuyền cùng đạt 17,5 điểm và Trang Thảo đạt 16,5 điểm. Với số điểm thấp nhất trong các thí sinh, Á hậu Trang Thảo đã phải chia tay chương trình Quyền lực ghế nóng 2017.