Nhạc sĩ Lam Phương - một cuộc đời tài hoa và giông bão
Lam Phương đã dùng cả cuộc đời của mình để tận hiến cho âm nhạc với hơn 200 ca khúc về tình yêu và cuộc sống. Tuy vậy, không phải ai cũng biết cuộc đời riêng "buồn nhiều hơn vui" của người nhạc sĩ tài hoa này.
Tình yêu âm nhạc của cậu bé nghèo
Nhạc sĩ Lam Phương tên thật Lâm Đình Phùng, sinh năm 1937 tại Rạch Giá - Kiên Giang. Gia đình nghèo khó và không mấy ấm êm, từ 5 tuổi, cậu bé Lâm Đình Phùng đã được gửi lên Sài Gòn để nương nhờ nhà bác ruột. Ngoài giờ tới trường, Lâm Đình Phùng thường lân la tới các lớp dạy nhạc để nghe trộm. Nhận thấy niềm đam mê đó, một người thầy đã cho cậu tới lớp học miễn phí cùng bạn bè. Chính lòng nhân hậu ấy đã giúp làng nhạc Việt xuất hiện một tài năng hiếm có sau này.
Năm 15 tuổi, Lâm Đình Phùng viết ca khúc đầu tay mang tên "Chiều thu ấy", ký bút danh Lam Phương. Được bạn bè tán thưởng, chàng trai trẻ vay tiền để in ca khúc "Chiều thu ấy" dưới dạng những tờ nhạc rồi mang đi bán dạo. Tuy tác phẩm đầu tay chẳng được ai chú ý nhưng Lam Phương không nản lòng, anh tiếp tục vay tiền để in những ca khúc mới. Đến năm 1954, khi ca khúc "Khúc ca ngày mùa" ra đời, Lam Phương mới tạo được danh tiếng đầu tiên và thanh toán hết nợ nần.
Nhạc sĩ Lam Phương thời trẻ
Thừa thắng xông lên, vào những năm 1960, Lam Phương cho ra đời hàng loạt tác phẩm nổi tiếng như Thành phố buồn, Tình bơ vơ, Duyên kiếp.. Không chỉ sở hữu danh tiếng vang dội, chàng nhạc sĩ trẻ còn nhận được những khoản thu lớn và tạo được một chỗ đứng vững chắc trong làng nhạc.
Cũng trong thời gian này, dù đã có gia đình, Lam Phương vẫn có những mối tình thoáng qua, hoặc cảm xúc đơn phương với 1 số nữ ca sĩ như Minh Hiếu, Bạch Yến, Hạnh Dung. Chính họ đã trở thành cảm hứng cho những ca khúc nổi tiếng lần lượt ra đời: Chờ người, Biển tình, Phút cuối…
Năm 1975, Lam Phương quyết định cùng gia đình sang Mỹ định cư. Để có tiền chăm lo cho vợ con, ông làm đủ thứ nghề, từ lau sàn nhà, dọn dẹp cho đến những việc nặng nhọc như thợ mài, thợ tiện. Sau khi cuộc sống ở đây dần ổn định hơn, cứ dịp cuối tuần, ông lại cố gắng thu xếp để thuê một quán ăn làm sân khấu. Tại nơi đây, ông và vợ có cơ hội sống lại với đam mê dành cho nghệ thuật.
"Tình duyên trăm mối, một kiếp đa đoan"
Tuy đứng trên đỉnh cao của sự nghiệp, nhưng đúng như câu hát trong ca khúc "Một mình" do chính Lam Phương sáng tác, cuộc đời ông gặp nhiều lận đận. Năm 1979, cuộc hôn nhân kéo dài 20 năm của ông và người vợ Túy Hồng kết thúc. Sự đổ vỡ khiến Lam Phương không khỏi hụt hẫng, tiếng nuối. Ông đã viết ca khúc "Lầm" để nói về điều đó: "Anh đã lầm đưa em sang đây. Để đêm trường nghe tiếng thở dài… Lời yêu thương nồng cháy của hai mươi năm đầy, ngày yên vui hạnh phúc, ước vọng đến tương lai, đã vùi trong giấy ngủ say, cơn đau và vũng lầy…"
Nhạc sĩ Lam Phương bị tai biến và phải gắn bó với chiếc xe lăn trong suốt 20 năm.
Năm 1980, Lam Phương sang Pháp. Đây cũng là thời điểm mà ông gặp người vợ thứ 2 mang tên Cẩm Hường. Ông từng nói, 10 năm chung sống với Cẩm Hường là 10 năm hạnh phúc nhất của cuộc đời mình. Đây cũng là thời điểm mà Lam Phương sáng tác mạnh mẽ trở lại với hàng loạt ca khúc mang âm hưởng rộn rã yêu đời, trong đó nổi bật nhất là "Bài Tango cho em" với lời hát "Từ ngày có em về, nhà mình toàn ánh trăng thề…"
Thế nhưng cuộc hôn nhân tưởng như viên mãn này cũng bất ngờ tan vỡ trong im lặng. Năm 1995, ông quay trở lại Mỹ, tiếp tục trải qua cuộc hôn nhân thứ 3, nhưng rồi cuộc tình này cũng nhanh chóng trở thành quá vãng.
Nỗi buồn của Lam Phương chưa dừng lại. Đầu năm 1999, trong một lần đi thăm một người bạn, ông bị tai biến mạch máu não và liệt nửa người. Cho đến cuối đời, ông đã trải qua 20 năm ngồi xe lăn và chống chọi với những cơn đau do bệnh tật. Trong một chương trình phát sóng vào năm 2019, nhạc sĩ tâm sự, một ngày ông quanh quẩn trong bốn góc phòng. Tuổi cao, không ngủ được, buổi sáng ông dậy thật sớm nằm nghe lại những bản nhạc của chính mình qua dàn máy nghe nhạc trong phòng. Đêm về ông lại trằn trọc với nỗi nhớ dành cho quê hương và khao khát được trở về đất mẹ.
Nhạc sĩ Lam Phương qua đời ở tuổi 83, sau một hành trình dài đầy thăng trầm và biến cố. Thế nhưng, những ca khúc ông để lại sẽ còn mãi trong lòng nhân thế, nhắc nhở chúng ta yêu thương và nâng niu cuộc sống này.