Thứ giành giật hung hãn cướp mà có không còn là "lộc", thậm chí gieo ý thức côn đồ!
"Sự việc nhà sư ở Chùa Hương phát lộc để mọi người xô vào lấy hết sức phản cảm, nó phản cả văn hóa và phản cả giáo lý đạo Phật", nhà văn Nguyễn Quang Vinh cho biết.
Mới đây chùa Hương đã tổ chức khai hội, kèm theo đó là câu chuyện một nhà sư tung lộc trong ngày khai hội đã nảy sinh nhiều tranh cãi. Trước sự việc trên, PV Đời Sống Plus đã có cuộc trao đổi với nhà văn Nguyễn Quang Vinh, ông có cái nhìn đa chiều, phản ánh chân thực xoay quanh câu chuyện này.
Cầu được gì cho gia đình với một thứ có được nhờ giành giật?
Quan điểm của ông như thế nào về việc cho lộc và nhận lộc khi đi chùa?
Theo tôi, tiết xuân, khách thập phương đi lễ chùa, đi hội lễ truyền thống ở các di tích văn hoá, lịch sử để cầu may, cầu phúc, cầu an... đó là những hoạt động văn hoá tốt đẹp, có từ ngàn năm.
Sức sống bền bỉ của cội nguồn văn hoá đó chính là gieo mầm phúc đức cho nhiều thế hệ, bồi bổ kiến thức lịch sử, kiến thức văn hoá cho con cháu trên nghĩa ghi ơn, tri ân các bậc tiền nhân, giáo dục hướng thiện, liên kết cộng đồng, xây dựng một xã hội tốt đẹp.
Nhà sư tung lộc ở chùa Hương phản cả văn hóa, phản cả giáo lý đạo Phật. Ảnh Zing.vn
Những hữu ích từ các lễ hội truyền thống là điều không phải tranh cãi, nó là mật ngọt, suối ngàn, kết nối nhiều thế hệ người Việt từ vùng núi cao đến đồng bằng, là hồn cốt, bản sắc dân tộc, là những nét riêng độc đáo của từng vùng miền, là hương vị sống ngọt ngào của các thế hệ người Việt.
Sự việc nhà sư ở Chùa Hương phát lộc để mọi người xô vào lấy hết sức phản cảm, nó phản cả văn hoá và phản cả giáo lý đạo Phật. Tôi thấy mừng vì ngay sau khi hành vi này được báo chí đề cập và dư luận xã hội lên tiếng phản ứng gay gắt thì Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Bộ văn hoá TT&DL, chính quyền địa phương và Ban quản lý di tích chùa Hương đã có những động thái nhanh chóng, cương quyết, xử lý hành vi nhà sư bằng hình thức xử phạt quỳ hương trong đêm.
Nhà sư này đã coi thường đạo pháp, coi thường giáo lý nhà Phật mới hành động như thế. Ảnh Zing.vn
Với công chúng, có lẽ cần phải có nhiều tiếng nói, nhiều cách tuyên truyền thông qua báo chí, thông qua những buổi niệm Phật ở chùa, thông qua việc giáo dục tại cộng đồng để dân chúng bớt đi sự sùng bái quá mức vào việc xin lộc, cầu an. Hãy hiểu đơn giản rằng, tụng kinh niệm phật hay đi lễ nhà chùa là cách để mình tự sám hối, tự thay đổi, tự tốt dần lên, giảm đi sân si, sống vì người khác.
Bỏ thói ích kỷ, tức là chỉ có cá nhân mình mới quyết định cuộc sống của mình, không ai thay thế được, không có một đấng thần linh nào thay mình được.
Phật tử thì lao lên giành lấy lộc hình tượng Phật, giành lấy một cách hung hãn, chỉ riêng hành vi đó đã chứng tỏ sự kém hiểu biết về "xin lộc" và kém văn hoá về ứng xử. Ảnh Zing.vn
Trước cảnh nhà sư tung lộc hình tượng phật từ trên cao xuống cho hàng nghìn phật tử, các phật tử dẫm đạp lên nhau tranh lộc phật diễn ra ở chùa Hương ngày 2/2/2017, ông có ý kiến gì về những hình ảnh này?
Tôi và nhiều người nữa khó tin đó là hành động của một nhà sư. Nhà sư này đã coi thường đạo pháp, coi thường giáo lý nhà Phật mới hành động như thế. Ông không xứng đáng là một nhà sư theo đúng chuẩn tối thiểu nhất.
Còn phật tử thì lao lên giành lấy lộc hình tượng Phật, giành lấy một cách hung hãn, chỉ riêng hành vi đó đã chứng tỏ sự kém hiểu biết về "xin lộc" và kém văn hoá về ứng xử.
Lộc là ban, lộc mà giành thì đó là thứ lộc gì? Và họ đem cái thứ gọi là lộc giành được ấy về nhà để cầu gì? Cầu được gì cho gia đình với một thứ có được nhờ giành giật, nhờ hung hãn cướp mà có.
Sự việc nhà sư ở Chùa Hương phát lộc để mọi người xô vào lấy hết sức phản cảm. Ảnh Zing.vn
Tôi cho rằng không, và không bao giờ những "lộc" như thế giúp gì được cho mình, gia đình mình, nó chỉ gieo vào thêm thái độ ứng xử, ý thức côn đồ mà thôi.
Lộc lấy ở chùa chỉ là kỉ niệm không coi là vật thiêng
Ông có thể nói rõ hơn về việc tranh giành, cướp lộc nơi cửa phật mang về sẽ đem lại điều gì cho gia đình?
Tôi nhớ, Đại đức Thích Khai Bi, trụ trì chùa Cầm Thực dưới chân núi Yên Tử (Quảng Ninh) đã giải thích thấu đáo cho đoàn hành hương về lễ cầu an ở chùa rằng. Với Đức Phật, ngài không ban cho ai tài lộc gì, mà chỉ hướng cho chúng sinh con đường giải thoát khỏi khổ đau trần tục.
Vì thế, tôi cho rằng, hãy xem những "lộc" lấy ở chùa chỉ là những kỉ niệm, một thú chơi tao nhã, đừng coi đó như vật thiêng cứu sinh cá nhân mình, gia đình mình.
Việc nhà sư phát lộc hình tượng phật mà lại lỡ tay vứt xuống làm cho các phật tử tranh nhau, cướp giật để lấy lộc có đúng với văn hóa phật giáo không thưa ông?
Hãy sống tử tế, sống không chỉ cho mình mà cho cộng đồng, hãy tụ đức, tụ nhân, tụ đạo, hãy rèn luyện từng ngày để tự mình bào mòn đi cái xấu trong mình (nếu có) và hướng lòng, hướng trí tới những điều cao cả và lương thiện thì bạn sẽ hạnh phúc.
Không chỉ chùa Hương mà ở hội Gióng, Sóc Sơn cũng diễn ra tranh cướp. Ảnh Zing.vn
Nhiều người cho rằng phải tranh cướp lộc thế mới vui, mới xin được lộc, ông nghĩ sao về điều này?
Tranh cướp theo lễ hội xưa là tranh cướp để vui, để thể hiện sức mạnh, thể hiện ý chí, thể hiện sự đam mê... Ngày xưa, lễ ở một làng, một khu vực dân cư, họ tự chơi với nhau, họ biết với nhau, họ cướp nhưng mà nhường, chồm lên nhau đấy nhưng là cách chồm để vui.
Bây giờ, lễ hội mở ra, quảng bá ra, càng đông càng có điểm "nhấn", nhằm vào doanh thu du lịch dịch vụ, cộng với đó là sự tha hoá đạo đức lối sống, là những ức chế tiềm ẩn trong cuộc sống, khiến cho việc "cướp lộc" trở thành cướp theo nghĩa đen.
Chính vì vậy nó làm cho truyền thống lễ hội bị méo mó, bị xúc phạm, bị thay đổi bản chất tốt đẹp của nó và có vẻ như khó cưỡng, khó vãn hồi trật tự này. Vì thế cái gì thái quá, đi xa đạo đức sống thì phải thay đổi, phải bỏ.
Nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng như vậy, theo ông?
Do giáo dục, do văn hoá, do nhận thức, đó là cái chung, ngoài ra còn do cuộc sống thúc bách, tiềm tàng những ẩn ức khó giải toả, khó chia sẻ, người ta tìm đến cửa Phật cầu an, cầu lộc, cầu hạnh phúc...
Phật tử cũng chen lấn, xổ đẩy để cướp lộc. Ảnh Internet
Thứ nữa là sự lạm dụng lễ hội, nhiều lễ hội vượt ngưỡng văn hoá, nó trở nên dung tục, chụp giật, kinh doanh, người ta vì lợi mà bỏ qua đạo, qua đời, qua thiện, qua sử, miễn là hút càng nhiều khách tới càng tốt.
Cũng chưa bao giờ mọc lên nhiều chùa như bây giờ, chùa mọc nhan nhản, dẫn dụ khách thập phương đến cúng tế, thậm chí như là nơi để "xin" tiền thiên hạ bằng những chiêu trò mê tín... Nhà sư cũng tha hoá, không ít những nhà sư không chí huyết đi theo đạo lý nhà phật, sống bê tha có, sống dung tục có, lợi dụng nhà phật để tham sân si có.
Giáo hội Phật giáo Việt Nam không thể không biết những việc đó. Và chắn chắn Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam và giáo hội các địa phương cũng buộc phải nghiêm khắc hơn, kỹ càng hơn trong việc tuyển lựa nhà sư, đặc biệt là sư trụ trì, cân nhắc kỹ lương việc cho phép xây dựng nhà chùa, khuyến cáo, tuyên truyền kỹ hơn về phật pháp, về đạo giáo với chúng sinh. Không làm được thế là đi ngược lại với lời dạy về đạo, về đời của nhà Phật.
Xin cảm ơn ông!