Nguyên nhân vụ container kéo sập cầu bộ hành ở Sài Gòn
Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Xa lộ Hà Nội, khẳng định đơn vị thi công cầu vượt bộ hành Suối Tiên ở Sài Gòn bị container kéo sập làm đúng thiết kế.
Hiện trường vụ tai nạn.Ảnh Zing
Ngày 16/11, ông Nguyễn Thành Nam - Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Xa lộ Hà Nội, khẳng định Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Tuấn Lộc thi công cầu vượt đi bộ Suối Tiên làm đúng thiết kế.
Trong báo cáo ngày 14/11 của Sở GTVT do ông Nguyễn Khánh Hưng, Phó giám đốc Sở ký gửi UBND TP.HCM cho biết, cầu đi bộ này được thiết kế có tĩnh không là 12 x 4,75 (tức là khoảng cách từ mặt đường lên đáy dầm 4,75m).
Thực tế qua đo đạc kiểm tra cho thấy khoảng cách từ mặt đường đến đáy dầm không đạt 4,75m”, văn bản nêu rõ. Như vậy, vì sao xe container chỉ cao 4,2m mà bị đụng vào dầm cầu khi đi qua? Phải chăng mặt đường thi công cao hơn thiết kế.
Được biết, cầu vượt bộ hành này trước đây được thiết kế ở một vị trí khác, trong đó, đơn vị thiết kế là Công ty Cổ phần Tư vấn Thiết kế Giao thông Vận tải phía Nam đã có thiết kế chi tiết và được Sở GTVT phê duyệt. Trong quá trình xây dựng, do vị trí cầu nằm trước nhà dân, nên UBND quận Thủ Đức đã yêu cầu dời vị trí cầu này dịch đi hơn 8m về hướng Đồng Nai.
Vị trí mới được dịch chuyển này nằm theo hướng đi lên dốc đường. Đơn vị tư vấn thiết kế đã làm lại hồ sơ thiết kế nhưng không biết có cập nhật yếu tố này để nâng tĩnh không cầu lên không. Bởi khi đường đi lên dốc thì tĩnh không cầu sẽ bị thu hẹp. Hồ sơ thiết kế này cũng đã được Sở GTVT thẩm định phê duyệt.
Cầu vượt bộ hành bị sập. Ảnh Giao thông
Thêm vào đó, tuyến đường song hành Xa lộ Hà Nội được Khu quản lý giao thông đô thị số 2 thi công và hoàn thành bàn giao từ năm 2016. Nguồn tin này cũng cho biết, cao độ hoàn công của đường song hành này cao hơn thiết kế. Cộng cả 2 yếu tố đó vào, khiến tĩnh không của cầu bị giảm đi.
Ngày 15/11, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP.HCM đã kết luận nguyên nhân chính khiến dầm cầu vượt đè bẹp container trước khu du lịch Suối Tiên. Theo hồ sơ bản vẽ thi công cầu vượt bộ hành, khoảng cách từ mặt đường đến đáy dầm phải là 4,75 m. Tuy nhiên, sau khi đo đạc, kiểm tra hiện trường, Sở GTVT khẳng định hạng mục dầm cầu vượt chưa đạt đủ độ cao này.
Sau sự cố, Sở GTVT TP.HCM đã yêu cầu chủ đầu tư phối hợp với đơn vị tư vấn thiết kế, giám sát và nhà thầu thi công đo đạc, kiểm tra chính xác hiện trạng từng hạng mục của công trình để đảm bảo đúng với hồ sơ thiết kế. Các bên liên quan cần phải có giải pháp điều chỉnh độ tĩnh không theo đúng thông số bản vẽ thi công.
Trước đó, vào khoảng 4h sáng 13/11, xe container lưu thông hướng từ Biên Hòa vào TP.HCM đã va vào dầm cầu vượt bộ hành băng qua Xa lộ Hà Nội khiến một thanh dầm rơi xuống đè bẹp thùng container. Thanh dầm này đã được đơn vị thi công gác hoàn thành vào lúc 1h sáng, các xe sau đó chạy qua bên dưới bình thường. Vụ việc rất may không xảy ra thiệt hại về người.
Được biết, chiếc xe container liên quan đến vụ tai nạn thuộc Công ty TNHH Logistics Nam Khánh, vừa kiểm định hôm 1/10, đạt chuẩn. Thời điểm xảy ra sự cố, chiếc xe không có dấu hiệu cơi nới, quá khổ.
Hiện, công an quận Thủ Đức cũng đang vào cuộc điều tra nguyên nhân sự cố này.