Nguy cơ lợn bị bệnh chết trà trộn khi người dân tự "giải cứu" lợn

17-07-2017 20:12:12

Cơ quan chức năng vừa ra khuyến cáo, kẻ gian có thể lợi dụng sơ hở lúc người dân giải cứu thịt lợn để mang thịt lợn chết vì bệnh trà trộn vào, ảnh hưởng tới người tiêu dùng.

Cách đây không lâu, thịt lợn "đại hạ giá" khiến người dân khốn đốn. Tại nhiều tỉnh thành trên cả  nước, người dân tự tìm cách giải cứu cho mình bằng cách mổ lợn rồi mang đi bán ở các chợ, vỉa hè. Hiện tại, giá lợn tuy có nhỉnh hơn một chút nhưng nhiều hộ chăn nuôi cho biết họ vẫn bị thương lai ép giá.

Theo thông tin đăng tải trên báo Tuổi trẻ thì tại các  tuyến đường của TP.HCM như Đình Phong Phú (phường Tăng Nhơn Phú B, Quận 9) và Khu công nghiệp Tân Bình có rất nhiều các hộ gia đình từ Trảng Bom, Định Quán và Long Thành (Đồng Nai) đã mổ lợn mang ra đây bán.

Giá thịt lợn tăng, người dân lo lắng không yên. Nguồn: Vietnam Plus

Cũng theo những người này thì nhờ có nghề chăn nuôi lợn mà cuộc sống của họ được ổn định. Tuy nhiên, khi lợn rớt giá, cả nhà điêu đứng vì lỗ nặng vừa tốn tiền cám vừa không thể tiêu thụ.

Một người bán tại tuyến đường Đình Phong Phú cho biết, khi mang lợn ra các tuyến đường này bán, nhiều người dân đi qua nhưng không dám mua thịt lợn của họ, thế nhưng khi kiểm tra có dấu kiểm dịch và biết lợn nhà nuôi nên số lượng khách mua cũng tăng đáng kể.

Ngoài ra, tại Khu công nghiệp Tân Bình (TP.HCM), một hộ gia đình bán tại đây cho biết, lợn nhà anh đã đến tuổi xuất chuồng nên một ngày gia đình thịt khoảng ba con lợn, sau đó chia nhau ra đứng bán trên nhiều tuyến đường tại TP.HCM.

Người dân tự giải cứu thịt lợn với mong muốn thu lại chút vốn. Ảnh: Tinmoitruong

Cũng gặp trường hợp tương tự, một người bán thịt lợn nuôi ở đường Lê Văn Chí (Q.Thủ Đức) cho biết, nhà anh mở trang trại lợn với 2000 con lợn, trong đó có khoảng 200 con lợn thịt đã đến lúc xuất chuồng. Song, vì giá lợn quá thấp, khó có thể tiêu thụ nên anh đã huy động người mổ lợn và tự mang đi bán.

Trước những hành động này, ông Khương Trần Phúc Nguyên - trưởng phòng thanh tra chuyên ngành Chi cục Thú y TP.HCM cho biết, ngoài những hộ làm ăn đàng hoàng, không loại trừ nguy cơ heo bệnh chết được trà trộn vào heo “nhà nuôi”.

“Việc kinh doanh giết mổ này nếu kéo dài sẽ phá vỡ hệ thống quy hoạch giết mổ heo của TP.HCM, tạo tiền lệ xấu và sự cạnh tranh không lành mạnh...” - ông Nguyên nói.

Còn theo ông Trần Văn Quang (Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Đồng Nai) cho rằng: Tình trạng người chăn nuôi tự mổ thịt đưa ra ngoài đường bán là tình thế bất đắc dĩ, do giá lợn xuống thấp và đầu ra khó khăn. Hơn nữa, người dân tự mổ lợn ra bán có lời hơn so với bán lợn hơi tại chuồng.

Vì có khá nhiều nơi giải cứu thịt lợn nên cơ quan chức năng lo lắng sẽ có thịt không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trà trộn. Ảnh: VnExpress

 

Ngoài ra, ông cũng cho biết, hiện cơ quan chức năng tỉnh đã hướng dẫn người dân tự mổ lợn phải bán đúng địa điểm quy định, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Tuy nhiên, tình trạng này sẽ chấm dứt trong thời gian tới vì giá lợn đang lên rất nhanh.
Bên cạnh đó, ông Quang cũng cho biết thêm, việc người dân tự mổ lợn rồi bày bán trên đường sẽ gây khó khăn trong việc quản lý về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Đặc biệt, sẽ không tránh khỏi tình trạng một số người mạo danh giải cứu lợn để bán các loại thịt lợn không đảm bảo chất lượng như lợn bệnh, lợn chết.

 

Q.N (T/H)
Theo Đời sống Plus/GĐVN //