Nguy cơ gia tăng người mắc sốt xuất huyết
Theo Bộ Y tế, từ đầu năm đến hết tháng 9, cả nước ghi nhận 79.727 trường hợp mắc sốt xuất huyết (SXH), 12 ca tử vong; so với cùng kỳ năm 2023, số mắc giảm 15,5%, số tử vong giảm 14 ca.
Tiêm vaccine có hiệu quả phòng tái nhiễm cho người từng mắc SXH.
Người bệnh có thể bị xuất huyết ở rất nhiều vị trí
Theo Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội Khổng Minh Tuấn, từ đầu năm 2024 đến cuối tháng 9/2024, thành phố ghi nhận gần 3.000 trường hợp SXH (giảm hơn 71% so với cùng kỳ năm 2023) và chưa có ca tử vong. Cộng dồn từ đầu năm đến nay đã ghi nhận 142 ổ dịch SXH. Hiện còn 18 ổ dịch đang hoạt động.
Dịch SXH hiện đang bước vào giai đoạn cao điểm của dịch hằng năm (từ tháng 9 đến tháng 11). Theo BS Tuấn khi mắc SXH, người bệnh có thể bị xuất huyết ở rất nhiều vị trí như chân răng, chảy máu mũi, xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết trong cơ… ít gặp là xuất huyết ở cơ thành bụng. Bệnh nhân bị xuất huyết trong cơ thành bụng là trường hợp ít gặp nhưng lại rất nguy hiểm. Cụ thể, ở vị trí thành bụng, mật độ cơ và mô có kết cấu rất lỏng lẻo, nhất là ở phụ nữ, dễ dẫn đến xuất huyết ồ ạt, rất khó cầm máu. Nhiều người bị SXH đến ngày thứ 3 thấy đỡ sốt đã chủ quan. Trong khi, ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 mắc bệnh là thời kỳ nguy hiểm nhất, khi người bệnh sẽ có tình trạng sốc, các dấu hiệu xuất huyết, giảm tiểu cầu, rối loạn đông máu...
Trong những ngày đầu người bệnh có thể ở nhà, uống thuốc hạ sốt, bù dịch hoặc đi khám để được bác sĩ cho đơn và hẹn tái khám. Từ ngày thứ 4, bệnh nhân nên vào viện vì đây là lúc có thể xuất hiện những dấu hiệu nguy hiểm.
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khi hết sốt thì sang giai đoạn nguy hiểm nhưng người nhà thường bỏ qua. Thực tế nhiều người bệnh, khi thấy đỡ sốt đã nghĩ khỏi bệnh hay nghĩ chỉ là do sốt virus thông thường có thể sẽ chủ quan ở giai đoạn nguy hiểm này, dẫn đến tình trạng sốc, rối loạn các chỉ số.
Bệnh khởi phát đột ngột và diễn biến qua 3 giai đoạn
Theo BS Phu, giai đoạn ủ bệnh từ 3 - 10 ngày (có thể kéo dài đến 14 ngày), thường không có triệu chứng. Giai đoạn sốt: Người bệnh sốt cao đột ngột, liên tục, có thể có cơn rét run, kèm theo nhức đầu, chán ăn, buồn nôn, đau mỏi cơ khớp và nhức hai hố mắt. Da xung huyết, thường có chấm xuất huyết dưới da, có thể có chảy máu chân răng hoặc chảy máu cam. Giai đoạn nguy hiểm: thường vào ngày thứ 3 - 7 của bệnh. Người bệnh còn sốt hoặc đã giảm sốt. Có thể có các biểu hiện lừ đừ, phù mi mắt, tràn dịch màng phổi, màng bụng, gan to, có thể đau, có thể có dấu hiệu của xuất huyết niêm mạc và các tạng. Giai đoạn hồi phục: Sau 24 - 48 giờ của giai đoạn nguy hiểm. Người bệnh hết sốt, toàn trạng tốt lên, ăn ngủ khá hơn, huyết áp ổn định và tiểu nhiều.
BS Khổng Minh Tuấn cũng lưu ý những người sốt cao trên 38,5 độ C thì có thể hạ sốt và giảm triệu chứng đau bằng Paracetamol. Người mắc SXH không được lạm dụng các thuốc như Ibuprofen, Aspirin, Natri naproxen, Analgin... do các thuốc này có thể gây tác dụng phụ là biến chứng xuất huyết. Trong trường hợp xuất hiện các triệu chứng nghiêm trọng như đau bụng và nôn ói nhiều, không ăn uống được, đã giảm hoặc hết sốt nhưng vẫn còn cảm giác khó chịu; chân tay ẩm, lạnh; chảy máu mũi miệng, xuất huyết âm đạo… thì cần khẩn trương nhập viện.
Người bệnh có thể bị mắc SXH nhiều lần
Người dân có thể bị nhiều lần SXH và bị lần sau thường nặng hơn lần trước, với biến chứng và nguy cơ tử vong cao hơn. Đây là đặc điểm rất nguy hiểm của SXH. TS. BS Nguyễn Quốc Thái - Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cũng cho biết, ở lần mắc SXH đầu tiên, người bệnh thường có biểu hiện sốt cao, đau đầu, đau mỏi người, da ửng đỏ, có thể có các chấm xuất huyết rải rác trên bề mặt da. Tuy nhiên, ở lần thứ hai, khi phản ứng miễn dịch của cơ thể đối với mầm bệnh được khuếch đại lên rất nhiều lần, các biểu hiện của bệnh cũng rõ rệt hơn. Bệnh nhân có thể gặp các biến chứng nặng như hiện tượng thoát huyết tương vào các khoang ảo trong cơ thể. Nặng hơn, bệnh nhân có thể có các biểu hiện liên quan đến sốc, tụt huyết áp, không có nước tiểu. Nếu như không được phát hiện và điều trị kịp thời người bệnh có thể tử vong.
Theo BS Khổng Minh Tuấn, virus gây bệnh SXH có 4 chủng huyết thanh khác nhau là Dengue 1, Dengue 2, Dengue 3 và Dengue 4. Nếu một người đã nhiễm với chủng virus nào thì chỉ có khả năng tạo được miễn dịch suốt đời với chủng đó nhưng chưa có khả năng miễn dịch với những chủng virus còn lại.
Do đó, một người có thể bị nhiễm SXH 4 lần trong đời, tương ứng với 4 chủng virus Dengue. Trên thực tế, đa số người dân chỉ mắc SXH 1 lần, một số trường hợp mắc 2 lần. Rất hiếm người mắc bệnh SXH đến lần thứ 3 hay 4.
Về vấn đề này, PGS.TS Phạm Quang Thái, Phó trưởng Khoa Kiểm soát Bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cũng cho biết, SXH là bệnh có nguy cơ lan rộng thành dịch, bất kể độ tuổi cũng như tình trạng đã từng nhiễm trong quá khứ của người dân.
Để phòng bệnh SXH, BS.CKI Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC cho biết vaccine SXH của hãng dược phẩm hãng dược phẩm Takeda (Nhật Bản) được Bộ Y tế phê duyệt vào tháng 5/2024. Vaccine được nghiên cứu và phát triển trong gần 45 năm, đã được triển khai tiêm rộng rãi tại hơn 40 quốc gia trên thế giới, có hiệu quả phòng cả 4 type virus SXH gây bệnh (DEN-1, DEN-2, DEN-3, DEN-4), dành cho trẻ em từ 4 tuổi và người lớn, hiệu quả lên đến hơn 80% và ngăn ngừa nguy cơ nhập viện lên đến 90%. Đặc biệt, vaccine có hiệu quả phòng tái nhiễm cho người từng mắc SXH, điều này có ý nghĩa đối với Việt Nam bởi hiện số người từng mắc SXH ít nhất một lần khá cao. Với tình trạng lần mắc bệnh sau thường nặng hơn lần trước, việc tiêm vaccine kịp thời giúp người dân bảo vệ tốt sức khoẻ và tính mạng.
Cơ quan y tế khuyến cáo, khi phát hiện dấu hiệu của bệnh như: sốt, đau đầu, đau hốc mắt, đau nhức các khớp, cơ, buồn nôn, nổi mẩn đỏ hoặc phát ban, chảy máu ở nhiều vị trí với mức độ tăng dần, người dân không tự ý điều trị tại nhà mà cần đến ngay các cơ sở y tế để được thăm khám, chẩn đoán và tư vấn kịp thời.