Người vợ có chồng hiến tạng cứu 5 người: Chuyện cổ tích giữa đời thường
Câu chuyện về người vợ có chồng hiến tạng cứu 5 người và cuộc hội ngộ của hai người phụ nữ tại Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia khiến nhiều người xúc động.
Ông Phúc kể lại câu chuyện đầy xúc động
Ông Nguyễn Hoàng Phúc, Phó giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia cho biết, tại Trung tâm chưa bao giờ tiếp nhận được số lượng người đến đăng ký hiến tạng nhiều như 2 năm qua. Có lẽ cuộc đời ông không quên được câu chuyện về những người từng hiến tạng.
Với ông Phúc mỗi ca điều phối hiến tạng là một câu chuyện mà không thể kể hết được bằng lời. Nếu không đủ trái tim rộng mở cảm nhận sự yêu thương, sự tử tế và tình người thì không thể cảm nhận được câu chuyện như thế này.
Trong căn phòng nhỏ rộng vài mét vuông, nơi ông Phúc đang làm việc từng chứng kiến những câu chuyện mà mỗi lần nhắc lại là một lần xúc động, chạm đến tận đáy trái tim.
Nhớ lại thời điểm đó, ông Phúc kể, câu chuyện về anh Dương Hồng Quý ở TP Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình ra đi ở tuổi 44 nhưng những gì anh để lại còn sống mãi trong lòng nhiều người.
Anh Quý có một gia đình rất hạnh phúc, giàu có. Người con trai cả chuẩn bị tốt nghiệp Học viện An ninh, con trai thứ học cấp 3, vợ anh là chị Hoàng Thanh Phương rất trẻ trung, xinh đẹp… nhưng anh Quý lại bị tai biến và ra đi khi mới 44 tuổi.
Năm 2018 anh Quý phát hiện mình mắc bệnh về mạch máu não. Lúc mổ xong lần thứ nhất anh đã nói với vợ con nếu sau này anh chết thì nhớ hiến tạng. Nghe chồng nói chị Phương đã phản ứng “Sao anh lại nói thế, gia đình đang nỗ lực hết khả năng cứu anh lại nói điềm gở như vậy?”.
Vợ anh Quý hôn chồng trước khi hiến tạng
Chị phản đối rồi gạt đi với mong muốn chồng sớm hồi phục. Anh Quý sau đó đã nói tâm nguyện của mình với hai người em rể. Anh tâm sự nếu không may ra đi thì nhớ thực hiện di nguyện của anh bởi anh xem câu chuyện của bé Hải An, câu chuyện của Thiếu tá Lê Hải Ninh (từng hiến giác mạc, hiến tạng trước đó). Anh Quý hiểu và nghĩ được chuyện đó, đặc biệt khi anh đang mang trong mình trọng bệnh.
Trước khi lên bàn mổ lần 2, anh Quý vẫn kịp làm cho xóm ít ghế để mọi người tập thể dục. Sau ca mổ kết quả không thành công, biết chồng không thể qua khỏi khi bị chết não vợ anh Quý mới chấp nhận, đồng ý hiến tạng. Trong trường hợp đó Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia cũng tiếp nhận gần như tất cả tạng, giác mạc của anh Quý.
Ông Phúc bảo, có 5 người nhờ tạng của anh Quý hiến đã được cứu sống. Đặc biệt, trong đó có cháu bé 16 tuổi được nhận lá phổi từ anh Quý. Cháu bé cũng là một trường hợp đặc biệt bệnh viện trả về. Hôm đó bệnh viện trả cháu về vì không có phổi thay thế, ra viện coi như là xong. Khi mới ra cổng viện cháu chịu không nổi thế là bố mẹ quay lại nhập viện. Vừa đó hay tin có lá phổi, thế là cháu được chuyển ngay đến Bệnh viện Việt Đức để đánh giá.
Lúc đó căng thẳng vô cùng, ai dám khẳng định ca mổ sẽ thành công. Cả ekip bệnh viện đã có một quyết định cân não: nếu ca ghép thành công là ước mơ của cả hệ thống y tế, cả bệnh viện. Tuy nhiên nếu ca ghép tạng không thành công thì sẽ thế nào? Thứ hai tiền đâu để ghép cho cháu, nhà còn không đủ ăn… Có tạng ghép rồi giờ chi phí vô cùng tốn kém lên đến hàng tỷ đồng phải làm sao? Cuối cùng Ban giám đốc Bệnh viện quyết định ghép cho bé vì không ghép chắc chắn cháu sẽ chết. Ghép thì cơ hội sống 50:50.
Anh Quý và gia đình
Đây là ca đầu tiên các bác sĩ của BV Việt Đức thực hiện thành công kỹ thuật ghép 2 phổi. Sau ca ghép sức khỏe của bệnh nhân tiến triển thuận lợi, các thông số chuyên môn liên quan đến phổi ghép đều tiến triển tốt.
Sau khi ghép xong truyền thông báo chí cũng tiếp cận về hoàn cảnh của cháu bé đặc biệt này. Chính gia đình của anh Dương Hồng Quý biết được và mong muốn quay trở lại gặp gia đình người nhận lá phổi nhưng lúc đó không gặp được. Sau đó, mẹ của cháu bé may mắn nhận lá phổi của anh Quý đã đến gặp vợ anh Quý tại phòng làm việc của ông Phúc.
"Lúc ấy, hình ảnh người vợ mất chồng, người mẹ có con vừa được cứu sống có dịp hội ngộ khiến tôi không thể nào quên. Biết hoàn cảnh đặc biệt của gia đình cháu bé, vợ anh Quý cầm ra một phong bì trao cho người mẹ có con được hiến tạng của chồng mình với lời nhắn nhủ đầy xúc động ‘chị cầm lấy để nuôi cháu’. Hai người phụ nữ ôm choàng lấy nhau trong nước mắt. Họ là những người đồng cảm, họ rất yêu thương người thân của mình. Người phụ nữ mất chồng giờ có thêm tình yêu thương với đứa bé khác”, ông Phúc xúc động nói.
Đó là một trong rất rất nhiều câu chuyện đầy xúc động mà ông Phúc cũng như nhiều bác sĩ tại đây từng chứng kiến. Những câu chuyện mà nghe xong mọi người còn lầm tưởng chỉ có trong cổ tích nhưng đó là chuyện cổ tích giữa đời thường…. của những những trái tim đầy tử tế.