Người thầy 22 năm rong ruổi sẻ chia khó khăn với bà con vùng cao

09-11-2022 06:25:44

Suốt 22 năm, thầy Nguyễn Trần Vỹ rong ruổi khắp núi rừng để cùng xây trường, dựng lớp, kết nối yêu thương, sẻ chia khó khăn với bà con vùng cao.

Thầy Vỹ cùng học trò.

"Người ta bảo tôi khùng..."

Hiểu được những khó khăn của bà con vùng cao cũng như thực trạng giáo dục trẻ em vùng cao, thầy Nguyễn Trần Vỹ đã thành lập câu lạc bộ Kết nối yêu thương huyện Nam Trà My, Quảng Nam nhằm tìm cách giúp đỡ những hoàn cảnh yếu thế.

Thầy Nguyễn Trần Vỹ cùng học sinh thân yêu. Ảnh do thầy Vỹ cung cấp.

Nhóm thiện nguyện của thầy Vỹ đã nhận được nhiều sự đóng góp, tin tưởng từ các nhà hảo tâm để thực hiện nhiều chương trình từ thiện.

Ban đầu chỉ với 7 thành viên nhưng giờ đây đã lên tới 32 người. Cùng với đó mạng lưới cộng tác viên là giáo viên, cán bộ địa phương tại khắp các nóc bản xa xôi nhất, sẵn sàng cung cấp thông tin và hỗ trợ bất cứ khi nào. Đó là niềm vui lớn nhất mà thầy Vỹ đã lan toả được đến mọi người.

Thầy Vỹ đã hy sinh tuổi trẻ để dạy chữ cho các em, thầy đã kết nối để vận động xây dựng được 60 điểm trường, nhà ở cho học sinh và giáo viên, kêu gọi 18.000 phần quà cho người dân vùng cao. Tổng số tiền thầy kêu gọi giúp người dân là hơn 100 tỷ đồng.

Câu lạc bộ Kết nối yêu thương đã giúp đỡ nhiều hoàn cảnh yếu thế, mới nhất là cùng cải tạo trường học tại 2 xã Trà Mai, Nam Trà My. Ảnh do thầy Vỹ cung cấp.

Nhớ lại kỉ niệm đầu tiên trong cuộc đời làm thầy giáo vùng cao, thầy Vỹ kể: "Ở vùng cao, có nhiều ngôi trường rất ọp ẹp, rất khó khăn. Lần đầu tiên đến trường vùng núi, nhìn thấy khung cảnh trước mắt, tôi không nghĩ đấy là cái trường. Đến bây giờ tôi hay nói trường ở vùng cao là “có một ông thầy đứng trên còn có mấy đứa nhỏ ê a phía dưới thì gọi đó là cái trường”.

Thầy giáo Nguyễn Trần Vỹ vui đùa cùng các em nhỏ nơi vùng cao. Ảnh do thầy Vỹ cung cấp.

Thầy Vỹ bắt đầu dạy học từ năm 2000. “Lúc học phổ thông tôi chưa bao giờ nghĩ tôi sẽ đi theo nghề giáo, bởi thời điểm đó chưa có khái niệm nào về nghề giáo, và không thích. Tuy nhiên, sau này, học xong để kiếm tiền nuôi em thì tôi đã đi dạy. Mới đầu chỉ là để đi kiếm lương thôi nhưng khi lên gặp các em thì gần như là chúng đã cảm hóa ngược lại tôi. Cuộc sống của các em vùng cao đã níu kéo và dạy ngược lại tôi. Và từ đó tôi xác định gắn bó với nghề giáo.” – Thầy Vỹ chia sẻ.

Nhiều nhóm thiện nguyện đã tin tưởng chuyển kinh phí qua thầy Vỹ để thực hiện nhiều chương trình từ thiện. Ảnh do thầy Vỹ cung cấp.

Kỉ niệm ấn tượng nhất đối với thầy về vùng cao là sự khó khăn của bà con. Thầy cô giáo đến với vùng cao vượt qua trong cái khó khăn ấy là nhờ tình cảm dạt dào của học sinh, tình cảm của cha mẹ học sinh.

"Cách đây 5, 6 năm, bà con luôn bốc gạo để cho giáo viên, để nuôi thầy cô giáo. Họ dành cho thầy cô giáo những gì tốt nhất mà họ có. Có lần, lúc chia tay, một phụ huynh của lớp có làm con gà nhỏ để đãi thầy cô về. Nhưng khi vào thì không thấy có cháo, chỉ thấy có gà thôi. Tôi có hỏi tại sao như thế thì anh nói “nhà hết gạo rồi”. Trong khi đó vẫn gửi gạo để nuôi thầy cô giáo. Họ ăn sắn, họ để dành gạo cho thầy cô giáo. Có một câu nói đến bây giờ mình không quên được đó là “bà con ăn sắn quen rồi, thầy cô ăn sắn sẽ không bao giờ quen” - Thầy Vỹ kể.

Thầy Vỹ cho rằng, điều thầy làm tốt nhất cho các em chính là sự kết nối, kết nối các em đến những nơi mà các em cần. Ảnh do thầy Vỹ cung cấp.

Khi giúp được các em học sinh, nhìn thấy các em vui vẻ vượt qua những khó khăn, thầy Vỹ cảm thấy rất hạnh phúc. “Để giúp các em tôi cũng không làm gì nhiều lắm, tôi đang, đã và sẽ cố gắng để làm cho các em. Khoảng 22 năm nay, vừa dạy học tôi vẫn vừa kết nối, vừa đi xin những cái mà các em thiếu, ai cho cái gì thì tôi xin cái đấy. Xin từ cây bút, quyển vở, xin cái áo, cái quần và bây giờ thì tôi đi xin cho các em ngôi trường, xin khu vui chơi và những cái nhà ấm cúng hơn cho các em. Đến bây giờ, điều tôi làm tốt nhất cho các em chính là sự kết nối, kết nối các em đến những nơi mà các em cần” – Thầy Vỹ chia sẻ.

"Khi bắt đầu câu chuyện làm thiện nguyện tôi gặp rất nhiều khó khăn, khó khăn về dư luận xã hội... Người ta bảo tôi khùng, chắc làm có mục đích gì đó. Năm đầu tiên, sau khi thành lập câu lạc bộ tôi đã định bỏ vì áp lực quá lớn. Tuy nhiên, sau khi nhìn lại những câu chuyện những người đi trước, nhìn lại cuộc sống của các em, nhìn lại những người mình đã giúp, những người đang và sẽ cố giúp thì tôi suy nghĩ lại một điều rằng “không có điều gì là không thể vượt qua được”. Tôi bỏ ra chút công sức mà học trò của mình lại được hạnh phúc thì nhìn vào đó và vượt qua câu chuyện khó khăn."

Thầy Vỹ với tình yêu thương và nhiệt huyết đã không quản ngại khó khăn giúp đỡ những mảnh đời trẻ thơ. Ảnh do thầy Vỹ cung cấp.

Thầy Vỹ nói, khi gặp khó khăn, thầy thường tới nhà học trò, ngồi chơi với các em, để cảm nhận rằng, mình vẫn còn là người sung sướng so với cuộc sống này vì học sinh miền núi còn rất nhiều khó khăn. Nhìn các em vô tư hồn nhiên vượt qua rất nhiều khó khăn thì thầy Vỹ lại có động lực để sống tốt hơn và vượt qua những khó khăn thường ngày.

Hãy trao những gì tốt đẹp nhất để tương lai các em có thể thay đổi

Nói về trẻ em miền núi, thầy Vỹ cho biết, hiện nay các em ít bị ảnh hưởng bởi bên ngoài nhiều, ít bị ảnh hưởng bởi áp lực cuộc sống nên các em rất vô tư hồn nhiên. Tuy nhiên lại thiếu thốn rất nhiều thứ. Đầu tiên là thiếu về kĩ năng mềm, kĩ năng tiếp xúc, kĩ năng trao đổi,… Và tiếp theo là thiếu thốn về vật chất, do còn nhiều khó khăn. Và đặc biệt là các em thiếu ước mơ. Các em ít được ra ngoài, ít được tiếp xúc với cuộc sống nên các em thiếu đi ước mơ và hoài bão về cuộc sống. Ví dụ như nhà bên cạnh có một chiếc xe đạp thì các em chỉ ước mơ có một chiếc xe đạp.

Theo thầy Vỹ, điều khiến học sinh miền núi hạnh phúc nhất có lẽ là khi thầy cô giáo thấy được mặt mạnh của chúng để động viên chúng kịp thời, để các em thấy rằng các em là một phần trong ngôi trường ấy, và các em luôn được đón nhận trong môi trường các em đến học.

Thầy giáo Nguyễn Trần Vỹ 22 năm cắm bản xây trường, xây lớp cho học sinh vùng cao. Ảnh do thầy Vỹ cung cấp.

Theo thầy Vỹ, học sinh miền núi cũng như nhiều thế hệ học trò, khi học sinh học kém, khó khăn,… chúng luôn muốn nhận được lời động viên của thầy cô giáo và nhà trường. Và động viên các em để các em tiếp tục đến trường bởi mỗi em có một hoàn cảnh khác nhau.

Phương châm sống của thầy Vỹ là hãy cứ làm, hãy cứ đi dù ở phía trước còn rất nhiều khó khăn. "Tôi luôn muốn học trò của mình sống có đạo đức, có tình người. Cái mà các em cần đó là sự tự tin. Các em hãy làm đi, hãy làm những gì mình có thể, hãy dám ước mơ, và dám làm những ước mơ ấy để rồi kết quả sẽ đến."

Thầy Vỹ nhắn nhủ: “Thế hệ trẻ hiện nay hãy làm điều mình có thể để sau này khỏi tiếc nuối. Các bạn cần biết một điều rằng, ảnh hưởng của người thầy đối với mỗi học trò là rất lớn cho nên hãy trao cho các em những gì tốt đẹp nhất mà mình có thể làm để tương lai các em có thể thay đổi được, để thay đổi cho chúng những điều tốt đẹp nhất mà bản thân các bạn đã từng mong ước”.

 

Phạm Hiền
Theo Giáo dục & Thời đại //