Người phụ nữ suýt chết sau khi uống 60 viên thuốc hạ huyết áp
Người phụ nữ nhập viện trong tình trạng mệt nhiều, da lạnh, huyết áp tụt sâu, nguy kịch tính mạng sau khi uống 60 viên thuốc hạ huyết áp Amlodipin.
Bệnh nhân nguy kịch sau khi uống 60 viên thuốc hạ huyết áp Amlodipin. Ảnh: PN Online
Sáng 8/12, bác sĩ Nguyễn Ngọc Tuyền - khoa Hồi sức tích cực và chống độc, Bệnh viện Bãi Cháy (tỉnh Quảng Ninh) cho Zing biết, đơn vị này vừa tiếp nhận cấp cứu một trường hợp nữ bệnh nhân (31 tuổi, sống tại Hạ Long) bị ngộ độc nguy kịch sau khi uống 60 viên thuốc hạ huyết áp Amlodipin.
Thời điểm nhập viện, bệnh nhân mệt nhiều, da lạnh, huyết áp tụt sâu. Các xét nghiệm cận lâm sàng cho thấy khí máu toan chuyển hóa, tăng lactat. Theo các bác sĩ, trường hợp bệnh nhân này cùng thời điểm sử dụng một lượng lớn thuốc amlodipin (tổng liều lượng 300mg) khiến cơ thể bị nhiễm độc nặng nề, gây suy tuần hoàn nặng và nguy cơ tử vong cao.
Do đó, các bác sĩ đã nhanh chóng thực hiện biện pháp hồi sức tích cực như thải độc, truyền dịch, thuốc vận mạch, insulin liều cao, truyền canxi… để cứu bệnh nhân thoát khỏi nguy kịch. Sau 10 ngày điều trị, bệnh nhân phục hồi sức khỏe và xuất viện.
Trao đổi với PN Online, bác sĩ Tuyền cho biết, amlodipin là thuốc được kê đơn khá thường xuyên trong điều trị bệnh lý tăng huyết áp. Việc làm giảm chứng cao huyết áp nhằm giúp ngăn ngừa đột quỵ, đau tim, các bệnh về thận. Amlodipine thuộc về nhóm thuốc chặn kênh canxi.
Amlodipine cũng có thể được sử dụng để ngăn ngừa các cơn đau thắt ngực. Nó có thể giúp tăng cường khả năng hoạt động và làm giảm tần suất của các cơn đau ngực. Cơ chế hoạt động bằng cách nới lỏng các mạch máu để máu có thể lưu thông dễ dàng hơn.
Tuy nhiên, khi sử dụng quá liều sẽ có tác dụng phụ như nhức đầu, chóng mặt, mệt mỏi, đánh trống ngực, chuột rút… Nếu bạn gặp phải bất kỳ triệu chứng nào kể trên và tình trạng cứ kéo dài và trở nặng, hãy thông báo ngay cho bác sĩ hoặc dược sĩ để được tư vấn.
Qua trường hợp bệnh nhân trên, bác sĩ Tuyền khuyến cáo người dân có bệnh lý tăng huyết áp cần đến cơ sở y tế thăm khám định kỳ để được bác sĩ chuyên khoa tư vấn, lựa chọn thuốc và kê đơn sử dụng, điều chỉnh liều lượng phù hợp.
Bên cạnh đó, nên bảo quản thuốc ở nhiệt độ phòng, tránh ẩm, tránh ánh sáng. Không bảo quản trong phòng tắm. Không bảo quản trong ngăn đá. Mỗi loại thuốc có thể có các phương pháp bảo quản khác nhau. Đọc kỹ hướng dẫn bảo quản trên bao bì, hoặc hỏi dược sĩ. Giữ thuốc tránh xa tầm tay trẻ em và thú nuôi.
Không vứt thuốc vào toilet hoặc đường ống dẫn nước trừ khi có yêu cầu. Vứt thuốc đúng cách khi thuốc quá hạn hoặc không thể sử dụng. Tham khảo ý kiến dược sĩ hoặc công ty xử lý rác thải địa phương về cách tiêu hủy thuốc an toàn.