Người Hà Nội mổ lợn, góp gạo, trắng đêm canh bánh chưng đón Tết sớm
Muốn cảm nhận không khí sum vầy, "trông bánh chưng chờ trời sáng", mọi người gần gũi nhau hơn, nhiều người dân ở Hà Nội đã cùng nhau góp gạo, mổ lợn, gói bánh chưng cùng nhau thức trắng đêm luộc đón Tết sớm.
Ký ức gói bánh chưng đón Tết
Những ngày này, không khí Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 rộn ràng trên khắp ngõ nhỏ tới các con phố. Dòng người tấp nập mua sắm Tết. Ai cũng mong có một cái Tết sung túc, đủ đầy bên người thân, gia đình, bạn bè…
Tại khu đô thị Thanh Hà (huyện Thanh Oai, Hà Nội), nhiều cư dân các toà nhà đã cùng nhau góp gạo, đậu xanh, thịt… để tổ chức gói bánh chưng, cùng nhau trắng đêm ngồi canh những nồi bánh chưng để đón Tết sớm.
Nhiều người dân tại khu đô thị Thanh Hà, Hà Nội cùng nhau gói bánh chưng đón Tết sớm. Ảnh: Gia Khiêm
Tục gói bánh chưng, bánh tét ngày Tết đã trở thành nét văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam. Bánh chưng, bánh tét dùng để cúng lễ thể hiện lòng biết ơn đối với tổ tiên và nói lên ước mơ mọi người, mọi nhà về một năm mới sung túc, an lành, hạnh phúc.
Mỗi người phụ nhau một tay để đón không khí Tết cận kề. Ảnh: Gia Khiêm
Chia sẻ với PV Dân Việt, anh Trần Văn Đạt, ở chung cư HH01B chia sẻ, để tăng tính đoàn kết trong tầng và toà nhà, mọi người đã cùng nhau góp tiền mua gạo, thịt, đậu xanh… về cùng nhau gói bánh chưng đón Tết.
"Chúng tôi đều là những con người xa quê, hằng ngày tất bật với công việc nên cũng ít gặp gỡ, chia sẻ cùng các hộ dân trong toà nhà với nhau. Chính vì muốn cảm nhận không khí Tết xưa, cùng nhau trông bánh chưng chờ trời sáng và thêm không khí Tết nên mọi người đã bàn nhau cùng đứng ra làm. Việc cùng nhau làm, gói bánh ai nấy rất háo hức, vui vẻ. Trẻ nhỏ cũng quây quần bên cha mẹ và rất thích thú", anh Đạt chia sẻ.
Người dân khu đô thị Thanh Hà căng bạt để ngồi trông bánh chưng. Ảnh: Gia Khiêm
Mọi người quây quần canh bánh chưng trắng đêm. Ảnh: Gia Khiêm
Anh Đạt cho hay, sau khi tổ dân phố kêu gọi thì rất nhiều hộ gia đình tích cực tham gia. Ai nấy đều mong được đón không khí Tết sớm nơi Thủ đô. Gói xong mọi người dựng tạm lều bạt ven đường, gom củi rồi cùng nhau luộc bánh.
"Lâu lắm rồi tôi mới cảm nhận không khí đầm ấm bên nồi bánh chưng. Đó là cảm giác gần gũi giống như ở quê thời còn nhỏ. Thời đó, tôi háo hức còn mang chiếu trải xuống bếp ngồi cùng cha mẹ. Khi ấy mẹ tôi cũng gói riêng cho mỗi anh chị em trong nhà một cái bánh nhỏ. Nghĩ đến thôi bao kỷ niệm về Tết xưa trong tôi lại ùa về", anh Đạt nói.
Cả khu ngõ, chung cư mổ lợn, góp gạo, trắng đêm canh bánh chưng đón Tết sớm
Tại toà chung cư HH03D, nơi chị Trần Thị An sinh sống, không khí đón Tết cũng đã rộn ràng. Chị An cho hay, nhiều hộ dân trong toà nhà đã tích cực đăng ký tham gia góp gạo gói bánh chưng đón Tết sớm.
Người dân và trẻ nhỏ háo hức ngồi xuyên đêm chờ luộc bánh. Ảnh: Gia Khiêm
"Chúng tôi muốn tăng tính đại đoàn kết của các gia đình với nhau, tạo văn hoá trong tầng, toà nhà, nếp sống gần gũi, văn minh và giữ gìn bản sắc dân tộc. Qua phong trào đấu tranh giành nước sạch thời gian vừa qua bà con có sự mệt mỏi, vất vả, từ việc này giúp bà con kéo lại gân nhau hơn, tăng sự đùm bọc nhau ngày Tết", chị An nói.
Theo chị An, cuộc sống hiện đại ngày nay chỉ cần ra chợ hay thậm chí đầu ngõ là có thể mua được nhưng sẽ không có những ký ức đáng nhớ. Chính vì vậy khi mọi người cùng nhau gói bánh, luộc bánh không khí vô cùng ấm áp, gần gũi. Những câu chuyện trong cuộc sống được chia sẻ, có lúc xen lẫn tiếng cười vô cùng vui vẻ, thân tình ngày cận Tết.
Khu ngõ nhà anh Tiến Dũng mọi người mổ lợn, gói bánh chưng đón Tết. Ảnh: Gia Khiêm
Không khí tất bật, nhộn nhịp ngày cận Tết. Ảnh: Gia Khiêm
"Cảm giác thức đêm chờ trông nồi bánh tôi nghĩ khó ai có thể quên được. Lúc đó, mọi người cùng mong chờ cái Tết đầm ấm, mong chờ năm mới nhiều bình an, mọi dự định đều như ý và đặc biệt người thân trong gia đình có thật nhiều sức khoẻ. Ở Hà Nội mà cùng nhau gói bánh và luộc vui vẻ thế này cũng không phải ở đâu cũng có được. Chúc cho tất cả mọi người sắp tới sẽ đón cái Tết nhiều niềm vui, hạnh phúc", chị An nói thêm.
Sáng nay, tại khu ngõ ở thôn An Hạ, xã An Thượng, huyện Hoài Đức có 6 gia đình cũng đã cùng nhau mua lợn nặng hơn 50kg về mổ chia nhau cùng đón Tết. Anh Lê Tiến Dũng chia sẻ, mọi người đều ở các tỉnh khác nhau cùng về đây sinh sống.
"Chúng tôi muốn thêm gắn kết tình cảm thân thiết giữa các gia đình với nhau. Từ đây cũng muốn các con biết không khí Tết, nhớ hình ảnh Tết truyền thống", anh Tiến Dũng cho hay.