Người góp phần lưu giữ hồn cốt dân tộc tại Phủ Tây Hồ
Cúng khai mạc kỷ niệm Ngàn năm Thăng Long, Cúng khai mạc Hoàng Thành và toàn bộ những phần lễ nghi tại Phủ Tây Hồ đều do thầy Nguyễn Hà Cân đảm trách.
Người góp phần lưu giữ hồn cốt dân tộc tại Phủ Tây Hồ - Pháp sư Nguyễn Hà Cân.
50 năm tuổi đời, 40 năm tuổi đạo, thầy Nguyễn Hà Cân (pháp danh Tự Pháp Thông) không chỉ tận tâm với việc góp phần bảo tồn tín ngưỡng thờ Mẫu mà còn là người tận tình truyền đạt kiến thức, được nhiều thế hệ học trò kính trọng, yêu mến.
Sinh ra trong một gia đình có chân truyền làm Thầy, phụ truyền tử kế đã được 6 đời. Thuở nhỏ, Nguyễn Hà Cân được gia đình cho theo học kiến thức văn hóa tại trường làng; thời gian còn lại, cậu tự mày mò học chữ Hán - niềm đam mê đã ẩn chứa trong cậu từ những ngày còn nhỏ dại. Thời bao cấp, không có đủ vở để học, cậu trò nhỏ thông minh tận dụng những trang giấy đã viết, dùng bút mực đậm hơn, dùng phẩm đỏ viết đè lên. Một tờ giấy, cậu dùng viết đến 5 lần để học và tập viết chữ Hán.
Thời gian dần trôi, những kiến thức thu nhận được trên lớp học cùng sự nuôi dưỡng trong môi trường giáo dục của gia đình có truyền thống phụng sự tín ngưỡng thờ Mẫu, cậu bé Nguyễn Hà Cân ngày càng am hiểu những kiến thức văn hóa, giàu cốt cách dân tộc. Và cũng từ đó, những thanh âm trầm bổng của cầm ca chúc Thánh và nghi thức hầu đồng ngày một ăn sâu và in đậm vào tiềm thức của cậu, là tiền đề vững chắc cho một pháp sư nổi tiếng đất Hà Thành sau này.
Cụ cố pháp sư Nguyễn Hà Bá Công (tự Pháp Tuân) và cụ bà (ông bà nội của pháp sư Nguyễn Hà Cân)
Cụ cố lãi nghệ nhân Phạm Văn Kiêm (tự pháp Nghiêm) Cố pháp sư trưởng Phủ Tây Hồ từ thời Pháp.
Học hết lớp 10, chàng trai Nguyễn Hà Cân do hâm mộ nghệ thuật cầm ca chúc Thánh quyết định lên Hà Nội ở cùng nhà ông trẻ là cụ Lê Đình Lai – cụ là một Đạo lưu nổi tiếng từ thời Pháp, lúc sinh thời cụ là trưởng cung văn chùa Phụng Thánh, chùa Huy Văn, chùa Bụt Mọc.
Kế thừa kiến thức phụ truyền tử kế vốn có của gia đình và được học hỏi, tiếp cận nhiều bậc lão thành như cố nghệ nhân Phạm Văn Kiêm - cố pháp sư trưởng Phủ Tây Hồ từ thời Pháp, cụ Lê Văn Ngọc – Cố pháp sư trưởng chùa Vạn Ngọc, cụ Phạm Quang Đạt - cố pháp sư trưởng Thuận Mỹ Linh Từ (đền Dâu hàng Quạt),…
Năm 1993, thầy được cụ Phạm Văn Kiêm giao quyền trọng trách trông giữ việc giấy sớ cúng Phủ Tây Hồ và một năm chịu trách nhiệm dâng văn thờ sự tích Thánh Mẫu.
Cụ Nguyễn Hà Thưỡng (tự Pháp Tuyên) – thân phụ của thầy Nguyễn Hà Cân
Năm 1998, cụ Phạm Văn Kiêm hạc giá vân du. Thầy Nguyễn Hà Cân chính thức là pháp sư trưởng của Phủ Tây Hồ từ đó đến nay. Cũng chính nhờ lòng đam mê, sự ham học hỏi, kế thừa và phát triển nền tảng kiến thức vốn có, tiếp nối truyền thống phụng sự tín ngưỡng thờ Mẫu của gia đình, thầy Nguyễn Hà Cân đã trở thành một trong số những pháp sư nổi tiếng trên mảnh đất Thủ đô ngàn năm văn hiến.
Đã hơn ba thập kỷ, thầy được gần gũi, tìm hiểu, học hỏi từ các bậc tiền bối của nghi thức Hầu Đồng như: cụ Trang Công Thịnh, cụ Cao Sơn Hải, cụ đồng Xuân,… thầy đã chắt lọc những tinh túy, biến vào những hành động cụ thể khi thực hiện tín ngưỡng thờ Mẫu, góp phần bảo lưu nét đẹp truyền thống dân tộc.
Tất cả những đại lễ lớn của đất nước như: Cúng khai mạc kỷ niệm Ngàn năm Thăng Long, Cúng khai mạc Hoàng Thành và toàn bộ những phần lễ nghi tại Phủ Tây Hồ đều do thầy Nguyễn Hà Cân đảm trách.
Là người hoài cổ, luôn tâm huyết với nghệ thuật truyền thống của dân tộc, thầy Nguyễn Hà Cân luôn tâm niệm phải giữ được nét văn hóa truyền thống khi thực hiện nghi thức Hầu Đồng.
Khi làm lễ, thanh đồng từ trang phục, diện mạo, khí chất phải chỉnh chu, mỗi hành động phải luôn hướng về chữ “Tâm”, luôn tâm niệm theo thuyết nhân - quả, gieo nhân nào thì gặt quả đó. Khi vào từng giá đồng, phải làm thế nào để hay nhất, mang tới một hình ảnh đẹp nhất, vừa tâm linh, vừa chân thực, gần gũi với đời sống.
Thầy Nguyễn Hà Cân – trưởng pháp sư tại Phủ Tây Hồ, Hà Nội là người có công gìn giữ những giá trị văn hóa dân tộc
Thầy vẫn tâm niệm, ai sinh ra cũng đều có nguồn cội, tổ tông, tín ngưỡng được trao truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác, làm mọi việc phải từ tâm của mình, xã hội mỗi người có quyền tự do tín ngưỡng nhưng bản thân phải giữ đúng chuẩn mực, quy chuẩn của truyền thống, không được buôn thần, bán thánh, không mưu cầu kinh doanh, không lợi dụng nghi thức hành lễ Hầu Đồng để kiếm tiền, chuộc lợi; đặc biệt, không được hiểu sai, biến tướng làm xấu đi theo hướng mê tín dị đoan về nét đẹp văn hóa tâm linh của tín ngưỡng thờ Mẫu và nghi thức Hầu Đồng.
Tín ngưỡng thờ Mẫu và nghi thức Hầu Đồng đã được Unesco công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Với những gì đang làm, thầy Nguyễn Hà Cân đang góp phần bảo lưu và phát triển nét đẹp tinh hoa văn hóa truyền thống của dân tộc. Bên cạnh đó, với tấm lòng của người làm đạo, thầy luôn phát tâm từ thiện, dành tình yêu thương, nhân ái giúp đỡ những người nghèo, cơ nhỡ.
Lúc đầu, thầy tự trích một phần kinh phí cá nhân để giúp đỡ những người khó khăn lan tỏa tinh thần “lá lành đùm lá rách” tới các môn sinh, bạn bè, hội viên để mọi người cùng chung tay làm việc nhân ái với tâm niệm “Làm việc nghĩa không tính điều hơn thiệt”, chính bởi vậy, nhiều hoạt động thiện nguyện ý nghĩa đã được thầy và những người cùng chung chí hướng thực hiện trong nhiều năm qua, góp phần động viên kịp thời, mang lại niềm vui cho những mảnh đời khó khăn. Hãy biết cho đi yêu thương để nhận về những yêu thương, đó là mong muốn mà tôi luôn tâm niệm mỗi ngày”, thầy Nguyễn Hà Cân tâm niệm.