Người bị 26 năm oan sai là em rể nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ
Sau 26 năm oan sai, ông Châu Ngọc Ngừng ở Bến Tre đã được Viện KSND tỉnh xin lỗi. Tuy nhiên, gia đình ông đã tan nát khi ông nợ nần chồng chất, một thân một mình trong căn nhà với 1 chân bị cưa tới đùi và 1 mắt bị mù.
26 năm mới được xin lỗi oan sai
Ngày 4/11, tại trụ sở UBND phường 6, thành phố Bến Tre, Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) tỉnh Bến Tre tổ chức xin lỗi ông Châu Ngọc Ngừng (59 tuổi) - người bị khởi tố, bắt tạm giam oan về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa.
Theo hồ sơ vụ việc, ngày 10/12/1990, ông Ngừng bị khởi tố, bắt tạm giam về tội Nhận hối lộ và Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa. Đến ngày 20/1/1993, TAND tỉnh Bến Tre thay đổi biện pháp ngăn chặn, ông Ngừng được tại ngoại.
Thời điểm trước khi bị khởi tố, bắt tạm giam, ông Ngừng là Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ thị xã Bến Tre, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND phường 6, thị xã Bến Tre (nay là thành phố Bến Tre), tỉnh Bến Tre.
Khi bị bắt, ông Ngừng mới 33 tuổi, đang mua bán gỗ (có hợp đồng) số lượng lớn với các đối tác ở tỉnh Bình Phước. Ngoài ra, có rất nhiều người vay mượn tiền của ông Ngừng. Toàn bộ hồ sơ giấy tờ liên quan đến việc làm ăn, vay mượn của ông Ngừng đều bị thu giữ.
Tại bản án hình sự sơ thẩm số 77/HSST ngày 1/11/1993 của TAND tỉnh Bến Tre đã tuyên ông Châu Ngọc Ngừng không phạm tội. VKSND tỉnh Bến Tre kháng nghị phần trách nhiệm dân sự trong bản án này.
Ông Ngừng bên chồng hồ sơ kêu oan. Ảnh Dân Việt
Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tuyên chấp nhận kháng nghị của VKSND tỉnh Bến Tre về phần trách nhiệm dân sự, phần trách nhiệm hình sự đối với ông Ngừng không có kháng cáo, không có kháng nghị đã được y án. Từ đó đến nay, ông Ngừng liên tục gõ cửa các cơ quan chức năng để yêu cầu bồi thường oan sai và xin lỗi công khai.
Ông Võ Minh Thưởng - Phó viện trưởng VKSND tỉnh Bến Tre đã thay mặt VKSND gửi lời xin lỗi đến ông Ngừng cùng người thân của ông. Ông Thưởng thừa nhận đã có những sai lệch nghiêm trọng trong đánh giá hồ sơ vụ án dẫn đến kết luận oan sai cho ông Ngừng.
“Qua vụ việc chúng tôi rút ra được bài học kinh nghiệm sâu sắc trong toàn ngành và nâng trình độ chuyên môn nghiệp vụ trong thời gian tới” - ông Thưởng nói.
Tại buổi xin lỗi, ông Ngừng cho biết đây mới chỉ là bước thành công ban đầu trong chặng đường đòi danh dự. “Tôi sẽ tiếp tục yêu cầu các cơ quan liên quan bồi thường cho tôi số tiền khoản 151 tỷ đồng gồm các khoản tiền như mất thu nhập, các hợp đồng kinh tế mà cơ quan điều tra chưa trả lại cho tôi” - ông Ngừng nói.
Theo trình bày của ông Ngừng, trước khi ông bị bắt, ngày 8/1/1991, ông có ký 4 hợp đồng mua 12.355m3 gỗ từ Bình Phước đưa về TP.HCM. Tại thời điểm ông bị bắt, đối tác đã chuyển 877m3 gỗ về cảng. Ngoài ra, sổ tiết kiệm, các giấy tờ người khác mượn nợ ông Ngừng đều bị thu giữ.
Gia đình tan nát
Ngày 7/11, Dân Việt tìm đến nhà ông Ngừng. Căn nhà dài hơn 30m giờ chỉ có mình ông sinh sống. Ông có hai con gái, một đã có gia đình, một còn đi học đại học ở TP.HCM. Hằng ngày, ông lái xe 3 bánh tự chế đi đòi công lý. Còn vợ ông cũng ly hôn, đi làm kiếm tiền phụ nuôi con.
"Tôi đã đi ròng rã 1/4 thế kỷ. Cho đến hôm 4/11, tôi đã được xin lỗi, nhận số tiền bồi thường tổn thất tinh thần và giam oan gần 140 triệu đồng. Số tiền nay không còn đồng nào vì tôi phải trả nợ hết. Tôi bị tai nạn giao thông, cưa một chân, mắt mù một bên, mắt còn lại thị lực rất kém.
Rồi có lúc phát bệnh thần kinh nên nợ nần nhiều lắm. Để các con đi học, giờ tôi vẫn còn nợ ngân hàng Chính sách và ngân hàng Nông nghiệp” - ông Ngừng kể.
Về con số 151 tỷ đòi bồi thường, ông Ngừng cho biết, con số mà ông đưa ra có cơ sở, có lý do, nhưng ông biết chắc các cơ quan tố tụng sẽ không chấp nhận nên ông đã làm đơn xin điều chỉnh.
“Tôi hợp đồng mua 12.355m3 gỗ, tính thời giá hiện nay 12.000.000 đồng/m3 thì giá trị rất lớn. Nhưng thực tế gỗ chỉ mới về cảng 877m3 nên tôi chỉ yêu cầu đền theo con số này. Các sổ tiết kiệm, giấy tờ người ta mượn nợ tôi, số tiền không đáng kể. Từ 151 tỷ đồng, tôi yêu cầu đền 18 tỷ đồng” - ông Ngừng nói.
Ông Trần Văn Truyền - nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ (là anh vợ ông Ngừng) cho biết, lúc ông đương chức, ông Ngừng cũng có gửi đơn kêu oan. Tuy nhiên, thẩm quyền giải quyết không phải của Thanh tra Chính phủ.
“Biết em mình bị oan, nhưng tôi cũng không thể can thiệp sâu được, vì sẽ bị dị nghị là giúp người thân. Vụ việc này, các cơ quan gây oan sai cần phải xem xét lại tài sản bị thiệt hại của ông Ngừng và có đền bù để giảm một phần mất mát cho người bị oan” - ông Truyền nói.