Ngủ chung với mẹ đến mấy tuổi giúp bé thông minh hơn?
Theo một nghiên cứu mới được đưa ra, trẻ sơ sinh nên ngủ chung giường với mẹ để giúp bé phát triển trí tuệ tốt hơn.
Tiến sĩ Nils Bergman, bác sỹ nhi khoa tại Đại học Cape Town ở Nam Phi vừa đưa ra kết quả nghiên cứu cho rằng, trẻ sơ sinh nên ngủ chung giường với mẹ cho đến khi bé được ít nhất 3 tuổi. Điều này sẽ giúp bé phát triển trí tuệ tốt hơn.
Theo lý giải của ông, việc để bé ngủ một mình trong đêm sẽ làm cho mối quan hệ tình cảm giữa hai mẹ con ít gắn kết hơn. Trong khi đó, việc nằm trên ngực mẹ ngủ sẽ giúp trái tim của trẻ sơ sinh thoải mái hơn so với việc bé phải ngủ một mình ở trong cũi riêng.
Cũng trong nghiên cứu này chỉ ra rằng, việc trẻ phải ngủ một mình khi còn quá bé cũng ảnh hưởng xấu đến não bộ do trẻ hay bị giật mình trong đêm. Điều này có thể dẫn đến các vấn đề về hành vi sau này trong cuộc sống của trẻ.
Trẻ ngủ chung với mẹ đến 3 tuổi sẽ thông minh hơn
Nghiên cứu trên đây đã gây ra nhiều tranh cãi, bởi trước đó các nhà khoa học khuyến cáo rằng, cha mẹ nên cho trẻ ngủ trong nôi, giường cũi riêng để đảm bảo an toàn cho trẻ; tránh nguy cơ trẻ bị tổn thương, bị ngạt thở…
Tổ chức nghiên cứu các ca tử vong ở trẻ sơ sinh cũng có quan điểm chống lại điều này. Tổ chức này cũng khuyến cáo, nơi an toàn nhất để bé ngủ là trong cũi dành cho trẻ em, được đặt trong phòng của bố mẹ, chứ không phải là trẻ ngủ cùng trên giường với bố mẹ.
Phản pháo lại ý kiến này, tiến sĩ Bergman cho biết, việc trẻ sơ sinh bị thương hay đột tử không phải do việc trẻ ngủ cùng với mẹ.
Trẻ ngủ chung với mẹ đến mấy tuổi là câu hỏi của nhiều người
Ông nói trên tờ Daily Mail: “Khi trẻ bị ngạt thở và đột tử, điều đó không phải là do mẹ chúng đang ở đó. Đó là bởi những thứ khác, bao gồm: Khí độc hại, khói thuốc lá, rượu, gối lớn và đồ chơi nguy hiểm".
Ông cũng nhấn mạnh rằng, việc tiếp xúc da kề da giữa mẹ và bé sơ sinh mang lại rất nhiều lợi ích cho bé.
Ông phát hiện ra rằng, trái tim của các em bé bị căng thẳng nhiều gấp 3 lần khi chúng phải ngủ trong một chiếc giường, hơn là trên ngực của mẹ.
Nghiên cứu cũng cho biết, sự gián đoạn của chu kỳ giấc ngủ sẽ ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của não bộ và các cơ quan trong cơ thể đối với những trẻ nhỏ ngủ trong nôi.
Tiến sĩ Bergman cảnh báo rằng, việc ngủ không sâu, giấc ngủ bị gián đoạn, tim bị căng thẳng có thể gây khó khăn cho trẻ trong việc tạo lập các mối quan hệ sau này.