Nghỉ việc trước Tết, có nên không?
Bạn cần cân nhắc thật kỹ trước khi đưa ra quyết định nghỉ việc hay tiếp tục công việc hiện tại, không chỉ thời điểm trước Tết mà kể cả sau Tết, thông qua các bước sau.
Phân tích ưu - nhược điểm của từng phương án
Việc phân tích, đánh giá khách quan, đúng đắn về ưu nhược điểm của mỗi phương án là điều bạn nhất định phải làm để có thể đưa ra những quyết sách đúng đắn nhất.
Hiển nhiên, phương án nghỉ việc sau Tết có nhiều ưu điểm hơn so với nghỉ việc trước Tết vì bạn sẽ có nhiều vị trí tuyển dụng ở Thủ Đức, Q.9… để lựa chọn hơn, thời gian tìm việc cũng thoải mái hơn và đặc biệt là có sự an toàn về tài chính hơn vì dù ít hay nhiều, bạn sẽ có một khoản lương thưởng cuối năm để bổ sung vào quỹ dự phòng thất nghiệp.
Tuy nhiên, nhược điểm của nó là sự cạnh tranh sẽ khốc liệt hơn khi thời điểm đó, khá nhiều người sẽ cùng tìm kiếm công việc mới giống bạn và nếu may mắn tìm được việc làm, bạn cần phải hòa nhập nhanh chóng để có thể bắt nhịp với những dự án đầu năm ở công ty mới.
Bên cạnh đó, quá trình giới thiệu và đào tạo nhân viên mới (onboard) cũng có những hạn chế nhất định. Nếu bạn tìm được công việc mới ngay sau Tết, bạn sẽ phải mất thêm 2 tháng để hoàn thành quá trình thử việc. Rõ ràng, việc này sẽ mất nhiều thời gian hơn so với nhảy việc trước Tết bởi vì thời gian nghỉ Tết cũng được tính vào thời gian thử việc của bạn. Như vậy, sau khi đi làm trở lại vào đầu năm mới, bạn gần như đã sẵn sàng để được ký hợp đồng chính thức.
Mặc dù có nhiều điểm bất lợi nhưng không đồng nghĩa với việc phương án nhảy việc trước Tết không có bất cứ ưu điểm nào. Khi bạn tìm việc trước Tết, tỷ lệ cạnh tranh sẽ thấp hơn vì ít ứng viên tìm việc hơn. Nếu có công việc thì đa phần là các vị trí chất lượng vì doanh nghiệp phải thực sự cần người thì mới tuyển dụng vào thời điểm này. Tuy nhiên, nghỉ việc trước Tết cũng tồn tại rất nhiều rủi ro vì công việc ít và nguy cơ đối diện với những áp lực về mặt tài chính nếu không nhận được thưởng Tết hay lương tháng 13.
Trong trường hợp bạn may mắn tìm được công việc mới trước Tết, đối với một số công việc đặc thù, quá trình onboard vào thời điểm cuối năm có thể gặp nhiều khó khăn vì công việc thường bị dồn vào thời điểm này khiến các đồng nghiệp mới không có nhiều thời gian để làm quen, giao lưu hay hướng dẫn bạn. Do đó, quá trình hòa nhập với môi trường mới và những đồng nghiệp mới sẽ tốn nhiều thời gian hơn so với bình thường.
Lựa chọn phương án ít rủi ro nhất
Đừng vội vàng đưa ra quyết định. Hãy nghiêm túc suy nghĩ và trả lời thật kỹ, thật chi tiết câu hỏi: Đối với 2 phương án nghỉ việc trước Tết hoặc tiếp tục công việc hiện tại thì hậu quả xấu nhất của mỗi phương án là gì và bạn sẽ đối phó với những hậu quả đó như thế nào? Sau đó, thử ngẫm xem kết quả nào đối với bạn đỡ tệ hơn thì hãy lựa chọn phương án đó.
Nếu bạn chịu được việc cắt giảm chi tiêu, chịu được lời ra tiếng vào của họ hàng, tiếng thở dài của ba mẹ, không quần áo mới, không tóc mới, không nail mới, không có những chuyến du lịch, không du xuân tưng bừng, tiền mừng tuổi cho tụi trẻ không trở thành gánh nặng tài chính, sau Tết dù không ngay lập tức tìm được việc làm mới cũng dư tiền sống tốt thêm dăm ba tháng,… thì chọn nghỉ ngay, chẳng phải đau đầu nghĩ ngợi quá nhiều. Còn nếu chịu được công việc áp lực, sếp mắng, đồng nghiệp ích kỷ, đi làm không vui, lương thấp mà đòi hỏi quá nhiều,… thì cố ở lại, dành hết tâm sức cho công việc, qua Tết hẵng tìm đối sách.
Chung quy lại, với những bạn đã chuẩn bị sẵn sàng kế hoạch tài chính cho bản thân sau khi nghỉ việc hay những bạn đã tìm được bến đỗ mới với nền tảng tài chính và nền tảng kinh doanh ổn định thì có thể thoải mái đưa ra quyết định nghỉ việc trước Tết. Tuy nhiên, với những bạn không may mắn thuộc vào 2 trường hợp kể trên thì hãy kiên nhẫn chờ đợi thời điểm thích hợp để nghỉ việc và tìm kiếm cơ hội mới.
Suy cho cùng, đưa ra quyết định nghỉ việc trước Tết không phải bạn đang lựa chọn giữ cái gì mà là bạn đang sẵn sàng từ bỏ những gì bởi vì thứ bạn từ bỏ dễ khiến bạn hối hận hơn so với thứ bạn giữ lại.