Nghệ sĩ Nhân dân được Hollywood vinh danh, giúp điện ảnh Việt nổi tiếng thế giới là ai?
Trong lịch sử điện ảnh Việt có một đạo diễn được phong tặng Nghệ sĩ Nhân dân, ông góp phần điện ảnh Việt vang danh khắp châu Á và thế giới.
Nghệ sĩ Nhân dân được Hollywood vinh danh
Điện ảnh Việt gần đây có nhiều tác phẩm đoạt giải quốc tế như: Cu-li không bao giờ khóc, Bên trong vỏ kén vàng... Trước đó, một đạo diễn giúp cho điện ảnh Việt vang danh khắp châu Á, đó là đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh.
Đạo diễn Đặng Nhật Minh sinh ngày 11/5/1938 tại Huế. Ông có hai người em gái, mẹ của ông mất năm 1954 khi ông mới 16 tuổi. Bố của đạo diễn Đặng Nhật Minh là GS. Đặng Văn Ngữ hy sinh năm 1967 trong khi đang nghiên cứu về vắc xin chống sốt rét ở rừng Trường Sơn.
NSND Đặng Nhật Minh là đạo diễn danh tiếng của Việt Nam. Ảnh: NVCC
Đặng Nhật Minh học ở Việt Nam đến năm 14 tuổi, sau đó sang Trung Quốc ở Quế Lâm. Ông tiếp tục sang Liên Xô (cũ) học điện ảnh trong 18 tháng. Về Việt Nam, ông làm việc tại Trung tâm phát hành phim với vai trò phiên dịch phim. Đặng Nhật Minh là người đa ngôn ngữ và đặc biệt ông nói được tiếng Pháp.
Đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh có sự nghiệp sáng tác kéo dài hơn nửa thế kỷ, đạt nhiều thành tựu nổi bật tại các liên hoan phim ở Việt Nam và quốc tế. Bộ phim truyện đầu tiên của ông là Những ngôi sao biển (1973) chưa được nhiều người biết đến. Đặng Nhật Minh bắt đầu nổi tiếng từ phim truyện Thị xã trong tầm tay. Bộ phim nói về những đổ nát hữu hình trong cuộc sống và vô hình trong tâm hồn sau chiến tranh biên giới phía Bắc (1983, Bông Sen vàng LHPVN).
Bộ phim đã đưa tên tuổi của Đặng Nhật Minh nổi danh trong và ngoài nước là Bao giờ cho đến tháng mười (1984, Bông Sen vàng LHPVN, Giải Đặc biệt của BGK LHPQT Hawaii, Top 18 bộ phim Châu Á xuất sắc nhất mọi thời đại theo bình chọn của CNN).
Phong cách sáng tác của Đặng Nhật Minh bộc lộ rõ nét ở sự tinh tế, sâu lắng, làm rung động khán giả ở bản sắc Việt Nam trong sự kết nối số phận người phụ nữ với số phận đất nước, tâm hồn con người với tâm linh dân tộc. Bộ phim đoạt giải tại nhiều LHP quốc tế nhất là Thương nhớ đồng quê (1995), Giải Đạo diễn LHPVN và nhiều giải thưởng tại các LHPQT: Giải NETPAC tại LHP Rotterdam, Giải Montgolfiere vàng tại LHP Ba châu lục Nantes, Khán giả tại các LHP Nantes.
Sáng tác của Đặng Nhật Minh phong phú khi ông có cơ hội làm nhiều phim về đề tài lãnh tụ, chiến tranh cách mạng như: Hà Nội mùa đông 1946 (1997), Đừng đốt (2009). Bên cạnh đó, những nét khác biệt trong bộ phim ông làm từ khi Việt Nam bước vào thời đổi mới là Cô gái trên sông (1987).
Đặng Nhật Minh cũng có duyên nợ với đề tài Hà Nội. Ngoài phim Hà Nội mùa đông 1946, ông làm các phim như: Trở về (1994), Mùa ổi (2000), Hoa nhài (2022).
NSND Đặng Nhật Minh tại Hollywood. Ảnh: NVCC
NSND Đặng Nhật Minh được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học, nghệ thuật năm 2007. Trước đó, năm 1999, ông nhận Giải thưởng lớn về văn hóa của Nikkei (Nhật Bản) cho những tác phẩm điện ảnh.
Năm 2022, ông nhận Huân chương Hiệp sĩ Nghệ thuật và văn học của Bộ Văn hoá Pháp.
Nói về phong cách của đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh trong phim Bao giờ cho đến tháng Mười, ông Jean- Mark Theroanne - Đồng Sáng lập, Đồng Giám đốc LHP Châu Á Versoul (Pháp) từng phát biểu rằng: "Bao giờ cho đến tháng Mười là phim đen trắng, hình ảnh rất đẹp. Đặng Nhật Minh để thành công đã phải tới hội đồng kiểm duyệt tới 13 lần. Với việc được chọn tham gia nhiều liên hoan phim ở nước ngoài, bộ phim này đã đưa điện ảnh Việt Nam lên "bản đồ điện ảnh thế giới". Hơn nữa, đây là bộ phim Việt Nam đầu tiên được chiếu ở phương Tây sau năm 1975, ngày kết thúc Chiến tranh Việt Nam.
Bộ phim này là câu chuyện ngụ ngôn về lòng dũng cảm của phụ nữ Việt Nam trong chiến tranh. Duyên sống ở phía Bắc với cậu con trai nhỏ và bố chồng bị bệnh. Cô đi về phía Nam để gặp chồng mình. Cô biết rằng anh đã ngã xuống trong trận chiến giống như anh trai mình. Muốn cứu người bố chồng đang bệnh tật khỏi đau buồn hơn nữa, cô tưởng tượng và với sự giúp đỡ của thầy giáo Khang viết những bức thư mạo danh là chồng mình để gửi về cho bố chồng".
Bộ phim Bao giờ cho đến tháng 10 của đạo diễn Đặng Nhật Minh. Ảnh: NSX
PGS. TS. Phạm Xuân Thạch - Chủ nhiệm Khoa Văn, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng: "Đặng Nhật Minh là một đạo diễn hiếm hoi của Việt Nam có được những thành công quốc tế: Bao giờ cho đến tháng Mười được CNN bình chọn là một trong 18 phim châu Á hay nhất của mọi thời đại; Viện hàn lâm điện ảnh Hoa kỳ vinh danh tại Hollywood là đạo diễn có đóng góp xuất sắc cho nền điện ảnh Việt Nam vào năm 2010. Những thành công đó của ông không khỏi làm liên tưởng đến một trường hợp khác của nghệ thuật Việt Nam là Bảo Ninh. Cả Đặng Nhật Minh vào Bảo Ninh đều có được danh tiếng quốc tế khi tác phẩm được giới thiệu ở nhiều quốc gia, với Bảo Ninh là việc Nỗi buồn chiến tranh của ông được dịch sang những thứ tiếng có nhiều người sử dụng nhất trên thế giới.
Danh tiếng đó có được khi mà các ông chưa hề nhận giải thưởng quốc tế quan trọng nào trong hệ thống giải thưởng quốc tế quan trọng của bộ môn nghệ thuật các ông thực hành. Cả hai đều chịu những thăng trầm nghề nghiệp khi phải đối diện với những định kiến chính trị, xã hội và nghệ thuật, những thăng trầm mà chỉ có ở Việt Nam mới có thể hiểu được".
Phim Thương nhớ đồng quê của đạo diễn Đặng Nhật Minh. Ảnh: NSX
Nhà nghiên cứu, Thạc sĩ Nguyễn Minh Phương - Viện Phim Việt Nam cũng cho rằng: "Để chuyển tải được nội dung và những tư tưởng nghệ thuật mà mình muốn gửi gắm vào tác phẩm, đạo diễn Đặng Nhật Minh đã có sự kết hợp một cách hài hoà giữa tư duy sáng tác hiện đại với những đặc trưng bản sắc văn hoá dân tộc được thể hiện ở trong từng tác phẩm điện ảnh của Đặng Nhật Minh.
Ngay từ bộ phim ban đầu Thị xã trong tầm tay, ông đã sử dụng mô-típ dân gian về nàng Tô Thị như một ẩn ý để kể câu chuyện phim trong việc phát triển tính cách nhân vật Thanh; hay trong phim Bao giờ cho đến tháng Mười bản sắc văn hóa dân tộc được thể hiện khá đậm nét, đạo diễn Đặng Nhật Minh đã đưa những đoạn chèo cổ vào và thông qua đó để cho nhân vật Duyên bộc lộ tính cách và tình cảm…
Trong bộ phim Đừng đốt, Đặng Nhật Minh cũng đã sử dụng những yếu tố ảo mang sắc màu tâm linh để làm nhịp cầu nối tình cảm giữa người sống với người đã chết bằng hình ảnh một con bướm chập chờn bay xuất hiện nhiều lần trong phim (vào thời điểm Thuỳ Trâm hy sinh và khi những dòng nhật ký của chị được người lính Mỹ cất giữ sau nhiều năm về được với gia đình chị).
Điều này dường như làm cho người xem có cảm giác là con bướm mang theo điều linh ứng nào đó của Thuỳ Trâm muốn gửi đến với người thân của mình. Đạo diễn còn đưa thêm những chi tiết thể hiện nét văn hoá coi trọng tâm linh của người Việt vào phim với hình ảnh bà mẹ Thuỳ Trâm vẫn thường lên chùa đốt những cuốn sổ để cho chị viết ở thế giới bên kia, vì bà biết lúc sống chị vẫn thường có thói quen ghi nhật ký hàng ngày…
Nhờ vào niềm tin tâm linh đó mà những người đang sống có thể bày tỏ tình cảm của mình với những người đã mất và họ cũng phải luôn suy ngẫm để sống tốt hơn. Qua những bộ phim của ông, khán giả không chỉ ấn tượng bởi câu chuyện phim khơi dậy những cảm xúc cho người xem, mà còn ở cách khai thác tâm lý nhân vật sâu sắc giúp các nhân vật có được đời sống đích thực".