Ngày Việt Nam nhận thức về tự kỷ 2018: Thắp sáng hy vọng về tương lai hòa nhập cộng đồng
Ngày 31/3 tới tại Hà Nội và Bắc Ninh sẽ diễn ra sự kiện Ngày Việt Nam nhận thức về tự kỷ lần thứ 3 năm 2018 nhằm truyền thông đến cộng đồng nhận thức đúng về tự kỷ, giúp họ được phát triển năng lực, đóng góp cho xã hội.
MC Thanh Bạch cùng các nghệ sỹ thả bóng tại Ngày Việt Nam nhận thức về tự kỷ 2017.
Tiếp nối thành công năm 2016 và 2017, năm nay, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Liên hiệp hội về Người khuyết tật Việt Nam, Mạng lưới Tự kỷ Việt phối hợp với Trung tâm Sáng kiến sức khỏe và Dân số và Rubic Collborative tiếp tục tổ chức NGÀY VIỆT NAM NHẬN THỨC VỀ TỰ KỶ LẦN THỨ 3 năm 2018. Chương trình dự kiến được tổ chức ngày 31/3 tới tại Hà Nội.
Trong dịp này, cũng đã diễn ra một chuỗi các hoạt động như: Hội thảo “Tự kỷ trong Asean – Xây dựng pháp luật và các Chính sách về phát hiện, can thiệp và chăm sóc người tự kỷ tại cộng đồng” (tại Khách sạn Hòa Bình, 27 Lý Thường Kiệt, Hà Nội); Chương trình Thể thao thân thiện dành cho người tự kỷ và Mít tinh Ngày Việt Nam Nhận thức về Tự kỷ (tại Trường Trung học chuyên Bắc Ninh); Tọa đàm về tự kỷ do Đại sứ quán Mỹ tổ chức với các chuyên gia đến đến từ Mỹ; Gala giao lưu văn nghệ giữa các đoàn từ các tỉnh về dự chương trình thi đấu thể thao tại Bắc Ninh…
Chuỗi các hoạt động nêu trên nhằm mong muốn cộng đồng nhận thức đúng về tự kỷ, mở lòng và hỗ trợ đúng cách để người tự kỷ được sống bình đẳng, phát triển năng lực, đóng góp cho xã hội. Đồng thời, tạo ra một cộng đồng thân thiện với người tự kỷ. Đó cũng là cơ hội lớn để người tự kỷ có thể hòa nhập vào cuộc sống.
Được biết, ngày 2/4 đã được Liên Hiệp Quốc chọn là “Ngày thế giới nhận thức về tự kỷ”, với mục đích khuyến cáo các quốc gia tăng cường sự quan tâm đến hội chứng này. Theo chuyên trang của Liên Hiệp Quốc về tự kỷ: “Tự kỷ là một loại khuyết tật phát triển suốt đời được phát hiện trong vòng 3 năm đầu đời. Tự kỷ là do rối loạn của hệ thần kinh gây ảnh hưởng đến hoạt động của não bộ và có thể xảy ra ở bất kỳ cá nhân nào không phân biệt giới tính, chủng tộc, giàu nghèo hay địa vị xã hội. Tự kỷ được biểu hiện ra ngoài bằng những khiếm khuyết về tương tác xã hội; khó khăn về giao tiếp ngôn ngữ/phi ngôn ngữ và hành vi, sở thích mang tính hạn hẹp, lặp đi lặp lại nhiều lần.” Vào dịp này hàng năm, khắp thế giới và tại Việt Nam đều có các hoạt động vì người tự kỷ.
Ngày 2/4/2016, lần đầu tiên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Việt Nam (MOLISA), Mạng lưới Tự kỷ Việt Nam (VAN), Liên Hiệp hội về Người khuyết tật Việt Nam (VFD), Mạng lưới Tự kỷ ASEAN (AAN), Tổ chức Phát triển Khuyết tật Châu Á Thái Bình Dương (APCD), và nhiều tổ chức liên kết khác đã tổ chức “Ngày Việt Nam Nhận thức về Tự kỷ” tại Hà Nội. Sự kiện đã thu hút rất nhiều người tham gia, gây được tiếng vang và sự chú ý của cộng đồng.
Năm 2017 “Ngày Việt Nam Nhận thức về Tự kỷ” lần thứ 2 được tổ chức tại Đại học Tôn Đức Thắng, số 19 đường Nguyễn Hữu Thọ, quận 7, thành phố Hồ Chí Minh. Với thông điệp: “MỘT CỘNG ĐỒNG THÂN THIỆN VỚI NGƯỜI TỰ KỶ” sự kiện được quan tâm, chú ý với sự tham gia của rất nhiều người nổi tiếng cùng các trung tâm can thiệp, các gia đình tự kỷ trên mọi miền đất nước; sự kiện đã làm thức dậy rất nhiều hy vọng và lòng quyết tâm của bố mẹ đồng hành cùng con trên con đường hòa nhập; đặc biệt đã khơi gợi trong cộng đồng sự thấu hiểu đối với người tự kỷ.
Video Ngày Việt Nam nhận thức về tự kỷ 2018: Thắp sáng hy vọng về tương lai hòa nhập cộng đồng