Ngải cứu tốt nhưng một số trường hợp tuyệt đối không nên ăn
Ngải cứu được dùng như một loại rau ăn và đây cũng là một vị thuốc quý. Tuy nhiên, một số trường hợp dùng ngải cứu không có lợi.
Ngải cứu vừa là cây thuốc, vừa có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon. Ảnh minh họa
Ngải cứu còn có tên là ngải diệp, có tên khoa học là Artemisia vulgaris L. họ Cúc Asteraceae. Đông y coi ngải cứu là vị thuốc điều kinh, hỗ trợ tiêu hóa, chữa đau bụng, nôn mửa, xoa dịu các cơn đau vùng bụng...
Trong cuộc sống thường ngày, món trứng rán với ngải cứu hay canh ngải cứu nấu thịt được rất nhiều người ưa thích.
Ăn ngải cứu rất tốt nhưng cũng cần đề phòng một số biến chứng như ngộ độc, ảo giác, viêm thần kinh nếu dùng quá nhiều.
Một số đối tượng sau đây ăn nên thận trọng khi dùng ngải cứu:
Trứng rán với ngải cứu là món ăn rất hấp dẫn. Ảnh minh họa: Internet
1.Phụ nữ có thai trong 3 tháng đầu
Chị em phụ nữ đang mang thai trong 3 tháng đầu nếu muốn ăn trứng gà ngải cứu thì chỉ nên ăn với số lượng ngải cứu ít (vài ba ngọn nhỏ, khoảng 9-15g tươi), và ăn một tuần khoảng 1-2 lần là đủ. Do ngải cứu có tác dụng xoa dịu cơn đau vùng bụng, xoa dịu chứng đau cơ... nên dùng ngải cứu nói chung là tốt với phụ nữ và cả bà bầu.
Tuy nhiên có nghiên cứu cho thấy nếu bà bầu trong 3 tháng đầu ăn ngải cứu với số lượng lớn thì có nguy cơ tăng co bóp tử cung, không an toàn cho thai nhi. Vì vậy, người mang thai nên thận trọng khi ăn ngải cứu, chỉ ăn với số lượng ít để an toàn cho cả mẹ và con.
2.Người viêm gan
Tinh dầu trong ngải cứu có tác dụng chữa bệnh nhưng cũng có độc tính. Do đó người có bệnh viêm gan không nên ăn ngải cứu do dược chất từ ngải cứu có thể đi vào gan gây rối loạn chuyển hóa ở tế bào gan, dẫn đến viêm gan cấp tính.
3.Người bị rối loạn đường ruột cấp tính
Ngải cứu và vị thuốc lợi tiểu, nhuận tràng. Chính vì vậy mà những người đang bị rối loạn đường ruột cấp tính nên tạm thời không dùng ngải cứu vì sẽ khiến bệnh khó kiểm soát hơn.
Ngoài ra, mọi người lưu ý, người bình thường, không có bệnh, không nên dùng nước sắc ngải cứu uống thay trà thường xuyên vì dùng nhiều ngải cứu cũng gây tác dụng phụ lên hệ thần kinh trung ương, khiến hưng phấn quá mức, chân tay run giật. Tốt nhất, nếu định dùng ngải cứu để trị bệnh thì phải đi khám thầy thuốc Đông y, dùng theo chỉ định với liều phù hợp cơ thể.
Ngải cứu chữa nghẹt mũi, viêm xoang. Nguồn: Mẹo vặt sức khỏe