Nếu bị tâm thần, kẻ sát hại nữ công nhân môi trường có thoát tội?
Sẽ có 3 trường hợp có thể xảy ra trong quá trình giám định vụ nữ công nhân môi trường bị sát hại. Một là, đối tượng hoàn toàn bình thường tại thời điểm gây án. Hai là, đối tượng mắc bệnh tâm thần làm mất khả năng nhận thức...
Công an quận Cầu Giấy (Hà Nội) đã thực hiện lệnh bắt người trong trường hợp khẩn cấp với Lê Như Toàn (SN 1991, trú tại TP Tam Điệp, Ninh Bình) để điều tra về hành vi "Giết người".
Trước đó, khoảng 21h ngày 4/4, Công an quận Cầu Giấy nhận được tin báo chị Vũ Thúy Hà (SN 1978, nhân viên Công ty Cổ phần Môi trường và dịch vụ đô thị Vĩnh Yên) đang đẩy xe chở rác trên đường Cầu Giấy hướng về đường Xuân Thủy thì bất ngờ bị một nam thanh niên dùng gạch đập nhiều lần vào đầu gây tử vong tại chỗ.
Tại hiện trường, công an thu giữ giữ 1 viên gạch đối tượng dùng để gây án. Nạn nhân được xác định tử vong do đa chấn thương vùng đầu. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, chỉ chưa đầy 1 giờ sau, lực lượng công an đã bắt giữ được đối tượng Toàn khi hắn đang lẩn trốn trong khu đô thị làng quốc tế Thăng Long (phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy). Kết quả điều tra bước đầu xác định Lê Như Toàn là đối tượng không nghề nghiệp, bản thân có tiền sử bệnh tâm thần.
Bước đầu Toàn khai nhận, giữa hắn và chị Hà không hề quen biết hay mâu thuẫn gì. Thời điểm ấy hắn lang thang trên đường thì phát hiện chị Hà đang đẩy xe rác ở trước tòa nhà Discovery Complex (đường Xuân Thủy) nên đã nhặt 1 viên gạch rồi bất ngờ tiến đến phía sau đập mạnh vào đầu khiến nạn nhân ngã gục xuống đường. Sau đó, Toàn đập liên tiếp vào vùng đầu chị Hà cho đến khi nữ công nhân này nằm bất động thì đối tượng bỏ trốn khỏi hiện trường.
Đối tượng Toàn tại cơ quan Công an
Trước thông tin Toàn có tiền sử tâm thần trước khi gây án, luật sư Ngụy Thành Thắng (Đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng, hành vi của Toàn đã cấu thành tội "Giết người" được quy định tại Điều 123 (Bộ luật Hình sự 2015). Về nguyên tắc, khi xác định vụ án có dấu hiệu tội phạm thì cơ quan điều tra phải ra quyết định khởi tố vụ án hình sự. Trong quá trình điều tra, nếu có căn cứ xác định nghi phạm bị bệnh tâm thần hoặc có nghi ngờ về năng lực chịu trách nhiệm hình sự thì phải ra quyết định trưng cầu giám định để có căn cứ xử lý theo quy định của pháp luật.
Theo đó, sẽ có 3 trường hợp có thể xảy ra trong quá trình giám định. Một là, đối tượng hoàn toàn bình thường tại thời điểm gây án; Hai là, đối tượng mắc bệnh tâm thần làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi; Ba là, đối tượng bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi.
Nếu rơi vào trường hợp thứ nhất, Toàn sẽ phải chịu tội như những người bình thường. Cho dù trước đó Toàn có tiền sử về bệnh tâm thần; Nếu rơi vào trường hợp thứ hai, tức là khi sát hại nạn nhân, Toàn đang mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình thì đối tượng này không phải chịu trách nhiệm hình sự.
Còn nếu rơi vào trường hợp thứ ba, tức là Toàn chỉ bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc vẫn còn đầy đủ khả năng nhận thức nhưng do sử dụng trái phép chất ma túy hoặc chất kích thích khác dẫn đến ảo giác khi thực hiện hành vi phạm tội thì đối tượng này vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội giết người.
Hiện pháp luật quy định trường hợp sử dụng ma túy, rượu bia hoặc chất kích thích khác dẫn đến mất khả năng nhận thức hoặc hạn chế khả năng nhận thức, sau đó thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội thì người thực hiện hành vi vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự.
"Để xử lý trách nhiệm hình sự đối với người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, cơ quan tố tụng cần phải xác định được năng lực trách nhiệm hình sự của người đó. Trường hợp tại thời điểm gây án, Toàn mắc bệnh tâm thần thì không phải chịu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, đối tượng này sẽ bị áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh để thực hiện công tác phòng ngừa chung cho xã hội. Bởi lẽ, căn cứ Điều 21 (Bộ luật Hình sự 2015): Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình thì không phải chịu trách nhiệm hình sự", luật sư Thắng phân tích.
Cũng theo luật sư Thắng, hiện nay vẫn chưa có quy định về việc yêu cầu chữa bệnh bắt buộc đối với người bị bệnh tâm thần trong trường hợp có hành vi nguy hiểm cho xã hội. Vì thế, phần lớn họ vẫn sinh hoạt tự do, không có người quản lý, ngoại trừ gia đình. Nhiều trường hợp bệnh nhân phát bệnh, người thân không phát hiện hoặc ngăn chặn kịp thời đã dẫn đến những vụ việc đau lòng.
"Nhằm ngăn chặn tình trạng trên, chính quyền địa phương và các ngành chức năng cần có biện pháp giám sát chặt chẽ những đối tượng có dấu hiệu hoặc tiền sử bệnh tâm thần để kịp thời vận động gia đình đưa họ đi điều trị. Hiện nay, trách nhiệm quản người bị tâm thần trước hết thuộc về phía gia đình của người bệnh. Tuy nhiên, trên thực tế, vấn đề đưa người tâm thần đi chữa bệnh vẫn bị nhiều gia đình lơ là, bỏ qua. Nhiều gia đình sợ những lời bàn tán, dị nghị của hàng xóm xung quanh nên đã có hành vi tiêu cực như giam lỏng người bệnh tại nhà. Để rồi chỉ cần sơ suất trong quản lý người bệnh tâm thần thì rất dễ có những hậu quả đáng tiếc xảy ra. Do đó, khi nhận được phản ánh về trường hợp người bệnh tâm thần, các cơ quan chức năng cần có những biện pháp tích cực, tổ chức đưa người bệnh vào các trung tâm thích hợp để điều trị cho họ", luật sư Thắng chia sẻ.