Nam thanh niên tàn tật suốt đời vì học trên mạng làm pháo nổ
Dịp cận Tết, Viện Bỏng Quốc gia liên tiếp nhận được nhiều bệnh nhân bỏng do thuốc pháo. Đặc biệt, mới đây có bệnh nhân bỏng do pháo nổ khi chế tạo pháo theo dẫn trên mạng internet.
Nạn nhân bị bỏng nặng điều trị tại Viện Bỏng Quốc gia (Ảnh minh họa)
Theo Sức khỏe & Đời sống, bệnh nhân là Nguyễn Văn P. 17 tuổi, quê quán ở Nghi Lộc, Nghệ An bị bỏng lửa do thuốc pháo mới nhập viện ngày 10/1/2019. Gia đình P cho biết, trước đó P. có trộn bột lưu huỳnh và KClO3 sau đó cho vào máy xay sinh tố để nghiền và trộn. Thuốc nổ bùng lên gây bỏng. Bệnh nhân này nhập viện với chẩn đoán: Bỏng lửa thuốc pháo 12% độ II, III mặt, hai tay.
Còn bệnh nhân Phan Anh T. 17 tuổi, quê quán ở Hương Sơn, Hà Tĩnh bỏng lửa cũng do pháo và do thử sản phẩm sau khi chế tạo. Theo lời kể của bệnh nhân T. ngày 7/1/2019 sau khi trộn lưu huỳnh và KClO3 theo hướng dẫn trên mạng internet, T dùng lửa để thử sản phẩm. Vị trí thuốc để thử và sản phẩm sau chế tạo cách nhau hơn 1 mét (theo nạn nhân kể) tuy nhiên thuốc nổ bùng lên ở cả hai vị trí gây bỏng. Bệnh nhân được cấp cứu Bệnh viện Bỏng ngày 8/1/2019 với chẩn đoán Bỏng lửa thuốc pháo 42% độ II, III mặt, cổ, ngực, hai tay.
Chỉ vài ngày trước đó, tại TP Biên Hòa, Đồng Nai, một thanh niên 28 tuổi đã bị pháo nổ dập nát bàn tay. Theo Zing news, trong lúc chơi pháo cùng nhóm bạn, thanh niên châm lửa đốt nhưng quả pháo chưa nổ. Tuy nhiên, khi cầm lên kiểm tra thì vật này nổ tung khiến bàn tay phải của nạn nhân dập nát.
Bàn tay của nạn nhân bị tổn thương nghiêm trọng trong vụ nổ pháo ở Đồng Nai (Ảnh: Zing news)
Theo các bác sĩ, tai nạn do pháo nổ rất nguy hiểm bởi ngoài sức công phá gây các vết thương nó còn gây bỏng do tỏa ra nhiệt lượng lớn. Hơn nữa, trong pháo có những hóa chất (như phốt pho, lưu huỳnh) và người đốt thường phải tiếp xúc rất gần nên dễ bị các tổn thương nặng ở mặt, mắt, tay... mà muốn khắc phục rất khó.
Vì vậy, các bác sĩ cảnh báo mọi người, đặc biệt là trẻ em không được tự chế, sử dụng các loại pháo nổ.