Nam thanh niên phát bệnh tâm thần vì lo đám cưới
Nam (28 tuổi) lo lắng quá mức về đám cưới của mình, lo cưới tốn kém không đủ tiền, kèm theo lo lan man kinh tế, sức khỏe, việc sau cưới có hợp nhau không…Lo nghĩ quá nhiều, nam thanh niên phát bệnh tâm thần.
Anh Nguyễn Thế Nam (SN 1991, đã đổi tên) làm nghề lái xe. Công việc đều đặn, không quá vất vả hay căng thẳng. Trong gia đình, anh là con cả, là người hay lo nghĩ, cầu toàn.
Cách đây gần một năm, khi chuẩn bị đám cưới, anh Nam gặp nhiều căng thẳng.
“Bệnh nhân lo lắng quá mức về đám cưới, lo cưới tốn kém không đủ tiền, kèm theo lo lan man nhiều chủ đề như kinh tế, sức khỏe, việc sau cưới có hợp nhau không…” – TS Dương Minh Tâm (Trưởng phòng Phòng điều trị rối loạn liên quan stress, Viện Sức khoẻ tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai) cho biết vào chiều 3/4.
Cùng đó, nam thanh niên này cũng lo sợ sẽ có điều không may sẽ xảy ra với mình và gia đình. Anh lo sợ lái xe gặp tai nạn nên không dám ra ngoài đường.
Hình minh họa.
Đám cưới vẫn diễn ra. 5 tháng trôi qua, nam thanh niên mới cưới vẫn loanh quanh lo lắng đủ chuyện.
6 tháng trước, Nam bắt đầu xuất hiện ngủ kém, khó vào giấc, đêm dễ giật mình. Anh mệt mỏi nhiều, nặng hơn về chiều tối, kèm theo các cơn hồi hộp, đánh trống ngực, tim đập nhanh, vã mồ hôi, căng thẳng sợ hãi.
Bệnh nhân còn thấy nghẹn tức cổ, thở hụt hơi, hay phải gắng sức để thở, ăn uống kém hơn. Cao 1m65 nhưng nam thanh niên chỉ nặng hơn 55kg. Anh hay nóng ruột gan, thấy khó tập trung, khó thư giãn, đau căng tức đầu.
Thấy sức khỏe giảm sút, Nam nghỉ việc và đi khám khắp các viện, từ bệnh viện tỉnh, trung ương, khám các chuyên khoa tim mạch, hô hấp, thần kinh nhưng không phát hiện bất thường.
Được người quen giới thiệu, anh đến khám tại Viện Sức khỏe tâm thần và nhận kết luận chẩn đoán: Rối loạn lo âu lan tỏa - một dạng nhẹ của rối loạn tâm thần.
Một trường hợp khác cũng với “nền” tính cách thường hay lo nghĩ, cầu toàn như anh Nam là chị Hồ Thị Anh (38 tuổi, kế toán, đã đổi tên). Lập gia đình từ năm 26 tuổi, chị Anh đã có 2 con, cuộc sống ổn định.
4 năm trước, vợ chồng chị quyết định xây nhà riêng. Số tiền phải vay mượn chiếm 25% tổng số tiền xây nhà. Chồng đi làm xa, không hỗ trợ chăm con, xây nhà, chị Anh thường phải quán xuyến hết.
Sau một thời gian biểu hiện hay căng thẳng lo lắng, chị có cảm giác đau đầu 2 bên thái dương và lan ra khắp đầu, kèm theo ngủ kém, đêm khó vào giấc, chỉ ngủ được 1-2h/đêm.
Bên cạnh đó, mỗi khi gặp căng thẳng, chị thường thấy hồi hộp, vã mồ hôi, nặng tức ở ngực, dạ dày trào ngược, khó tập trung, giảm trí nhớ gần…
Đi khám khắp nơi, chị thấy kết quả bình thường, uống thêm thuốc nhưng không đỡ, chị lại đi khám. Vòng luẩn quẩn ai mách thuốc gì cũng uống.
“Số tiền nợ đi khám chữa bệnh còn lớn hơn cả số tiền xây nhà. Bệnh nhân lại càng lo nghĩ nhiều hơn” – TS Tâm cho biết.
1 năm nay, chị Anh nghỉ việc không đi làm vì bệnh tật. Gia đình đưa bệnh nhân vào Viện Sức khỏe Tâm thần điều trị và được chẩn đoán: Rối loạn dạng cơ thể.
Người có tính cách chi ly, cầu toàn, một stress nhẹ cũng dễ khiến bị bệnh
Đây là 2 trong số hàng trăm bệnh nhân rối loạn tâm thần, stress mà Viện Sức khoẻ tâm thần điều trị. Ở nước ta, Thống kê của Bộ Y tế năm 2017 cho thấy có khoảng 15% dân số mắc các rối loạn liên quan tới stress.
TS Dương Minh Tâm (Trưởng phòng Phòng điều trị rối loạn liên quan stress, Viện Sức khoẻ tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai)
Theo TS Tâm, các rối loạn liên quan stress ngày càng gia tăng. Bệnh thường khởi phát ở lứa tuổi trẻ, nữ gặp nhiều hơn nam. Tại viện Sức khoẻ tâm thần, mỗi ngày khám từ 200-300 bệnh nhân.
Ở Việt Nam, đa số bệnh nhân lo âu đều đi khám các chuyên khoa tim mạch, thần kinh (nhiều lần) trước khi được chẩn đoán là lo âu, làm gia tăng các chi phí không cần thiết. Trong khi chi phí điều trị các rối loạn lo âu cao hơn nhiều so với các bệnh nội khoa khác.
Các bác sĩ cho biết, stress có thể là sức ép trong công việc, học tập, thất vọng trong sự nghiệp, mâu thuẫn trong gia đình, xã hội…, sự thiệt hại về kinh tế hoặc mất người thân.
Ở xã hội hiện đại, stress đến do áp lực công việc, học tập… Nghệ sĩ ngoài nghiệp diễn còn phải lo giữ hình ảnh, người lao động lại lo chạy chỉ tiêu, định mức công việc…
Theo TS Tâm, một người có nhân cách vững mạnh, có lý tưởng, tự nguyện chịu đựng stress thì dù stress có mạnh cũng khó gây bệnh. Nếu bị bệnh mà người đó có nhân cách mạnh thì cũng dễ khỏi bệnh.
“Một nhân cách yếu hoặc những người có tính cách chi ly, cầu toàn thì có thể bị bệnh chỉ sau một stress nhẹ, bệnh chậm hồi phục” – chuyên gia cho biết.
Nếu cảm xúc không ổn định, lo âu, căng thẳng, né tránh cũng là những nét nhân cách dễ bị tổn thương. Sau dễ bị tổn thương, họ dễ xúc động, khó làm chủ bản thân, trầm trọng hoá các stress, đánh giá thấp bản thân và đánh giá cao những khó khăn.