Mức án phí ly hôn vợ chồng Trung Nguyên kỷ lục hơn 80 tỷ: Do tòa tính nhầm?

28-03-2019 11:09:21

Sau nhiều tranh cãi nảy lửa, chiều ngày 27/3, TAND TP.HCM đã thuận tình ly hôn cho vợ chồng ông Đặng Lê Nguyên Vũ và công bố mức án phí.

Theo Vietnamnet, số tài sản khổng lồ của cặp vợ chồng nổi tiếng này lâu nay luôn được dư luận chú ý, nhưng mức án phí phải nộp của họ cũng khiến nhiều người ngỡ ngàng.

Theo HĐXX công bố, bà Thảo phải nộp án phí về dân sự là 300 ngàn đồng, án phí về tài sản là hơn 33 tỉ đồng còn ông Vũ cũng phải nộp án phí tài sản là 48,7 tỉ đồng. Cấn trừ vào tiền đã tạm ứng trước đó, theo HĐXX bà Thảo phải nộp hơn 32 tỉ, ông Vũ phải nộp hơn 47 tỉ đồng.

Tổng cộng vợ chồng 'vua cà phê' sau khi đường ai nấy đi sẽ phải nộp án phí lên tới 80 tỉ đồng. Có lẽ đây là án phí cao nhất trong lịch sử tố tụng từ trước đến nay. 

Tuy nhiên, đối chiếu theo công thức tính án phí, dường như HĐXX đã có sự nhầm lẫn. Theo quy định tại Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 14, với tranh chấp tài sản trong vụ án dân sự có giá trị tài sản trên 4 tỷ đồng, mỗi bên đương sự sẽ phải nộp tiền án phí cho Nhà nước là 112 triệu đồng + 0,1% của phần giá trị tài sản tranh chấp vượt 4 tỷ đồng.


HĐXX trong phiên xử ly hôn của vợ chồng ông Đặng Lê Nguyên Vũ. Ảnh: Vietnamnet & Tuổi Trẻ

Cụ thể, trong vụ án này, khối tài sản chung vợ chồng Đặng Lê Nguyên Vũ được định giá trị giá 8.229 tỷ. Bà Thảo được sở hữu hơn 3.364 tỷ, ông Vũ có hơn 4.864 tỷ, Vietnamnet đưa tin.

Căn cứ vào công thức tính theo luật, số tiền án phí bà Thảo phải đóng tương ứng phần giá trị tài sản được nhận sẽ là: 112 triệu + 0,15 của (3.364 - 4 tỷ) = khoảng 3,3 tỷ đồng.

Án phí ông Vũ phải nộp tương ứng phần giá trị tài sản được nhận sẽ là: 112 triệu + 0,15 của (4.864 - 4 tỷ) = 4,8 tỷ đồng. Cấn trừ vào tiền tạm ứng đã đóng trước đó thì tổng số tiền án phí hai người này phải nộp chỉ vào khoảng 8 tỷ đồng.

Trả lời Tuổi Trẻ Online về việc giải quyết hậu quả từ sai sót khi tuyên án như thế nào, một cựu kiểm sát viên Viện Kiểm sát nhân dân TP.HCM cho rằng nếu nhận thấy bản án có sai sót nhỏ như sai chính tả, tính toán nhầm lẫn... thì hội đồng xét xử ra quyết định đính chính bản án.

Kể cả khi hội đồng xét xử tuyên án nhưng chưa phát hành bản án thì vẫn phải đính chính bản án kịp thời.

Theo nhiều chuyên gia pháp lý, trường hợp nếu bản án có tính sai về án phí, căn cứ điều 238 Bộ luật tố tụng dân sự quy định thì Viện Kiểm sát cùng cấp và cấp trên trực tiếp có quyền kháng nghị để tòa án cấp phúc thẩm xem xét xử lý.

Ngoài ra, nguyên đơn và bị đơn cũng có quyền kháng cáo về phần án phí.

Hạnh Chi (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN //