Mua, bán tài khoản ngân hàng trên ‘chợ mạng’ ngày càng tinh vi
Hàng loạt hội, nhóm mua - bán tài khoản ngân hàng vẫn hoạt động sôi nổi trên mạng xã hội với chiêu thức trao đổi ngày càng tinh vi...
Mua bán sôi nổi trên “chợ mạng”
Thời gian vừa qua, mặc dù cơ quan chức năng liên tục phát đi những cảnh báo, đồng thời điều tra, xử lý nghiêm nhiều trường hợp mua bán, cho thuê, cho mượn tài khoản ngân hàng, tuy nhiên tình trạng này vẫn đang tiếp diễn sôi nổi trên các “chợ mạng”.
Theo ghi nhận của PV Báo Đại Đoàn Kết, trên mạng xã hội Facebook, nhiều hội, nhóm mua - bán tài khoản ngân hàng hoạt động mỗi ngày với số lượng thành viên lên đến hơn chục ngàn người tham gia. Nổi bật là nhóm "Mua bán tài khoản Ngân hàng thẻ ATM - Bank ảo" với hơn 35 nghìn thành viên.
Ảnh chụp màn hình.
Trong hội nhóm này, khách mua có thể dễ dàng tiếp cận được giá cả và phương thức mua bán tài khoản ngân hàng. Người có nhu cầu chỉ cần bỏ ra từ 600.000 - 2 triệu đồng là có thể mua được tài khoản ngân hàng online. Thậm chí thẻ vật lý của bất kỳ ngân hàng nào với tên chủ tài khoản theo mong muốn.
Để an toàn cho các giao dịch này, việc thanh toán khi mua tài khoản ngân hàng sẽ được thực hiện thông qua các loại tiền ảo như: Bitcoin, Ethereum... Đặc biệt, các đối tượng lừa đảo không dùng mạng xã hội Facebook, Zalo mà chuyển sang các nền tảng khác như Telegram để liên lạc, trao đổi. Dễ dàng xoá dấu vết khi cần.
Ngoài ra, các đối tượng cũng từ chối gặp trực tiếp giao dịch mà chỉ yêu cầu người mua gửi thông tin hình ảnh, thẻ căn cước qua chuyển phát nhanh.
Trao đổi với PV, PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn, chuyên gia tâm lý tội phạm học đánh giá, mánh khóe, chiêu trò tinh vi nhất của loại tội phạm lừa đảo này là thường đánh vào lòng tham, sự nhẹ dạ của nạn nhân.
Các đối tượng cũng lợi dụng sự thiếu hiểu biết thông tin của người dân để dụ dỗ. Đồng thời, nhắm đến một số người có khuất tất trong quan hệ xã hội, trong làm ăn để uy hiếp tâm lý, làm theo sự dẫn dắt của chúng
“Tình trạng lừa đảo trên không gian mạng xã hội hiện nay đang diễn biến rất phức tạp, rất nhiều loại hình lừa đảo khác nhau xuất hiện gây lo lắng cho xã hội. Kéo theo đó là nhiều nạn nhân sập bẫy, thiệt hại lớn. Việc phòng ngừa, đấu tranh với loại tội phạm này cũng rất khó khăn”, chuyên gia đánh giá.
Phân tích nguyên nhân, chuyên gia cho biết, nguyên nhân chính là không gian mạng internet rất rộng lớn, người tham gia có thể ẩn danh. Người dân, nạn nhân không được trực tiếp kiểm chứng, xác minh, xác định cả về tài liệu lẫn thông tin của người mình đang giao tiếp qua mạng xã hội.
Chính vì thế nên các đối tượng lừa đảo lợi dụng triệt để tính ẩn danh này để tạo ra các kịch bản, câu chuyện, vấn đề… để lừa đảo người dân nhằm mục đích trục lợi.
Ảnh minh hoạ: Hoàng Chiến.
Nhiều nạn nhân sập bẫy
Mới đây, Bộ Công an cho biết, anh H.V.Q (huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp) chỉ vì số tiền 3 triệu đồng đã đem bán tài khoản ngân hàng của mình cho một đối tượng khác thông qua mạng xã hội. Thấy có được tiền dễ dàng cùng với lời dụ dỗ của đối tượng, H.V.Q tiếp tục mượn tài khoản của vợ và bố vợ để đem bán. Với 3 tài khoản bán được, H.V.Q thu được 9 triệu đồng.
Tuy nhiên mọi việc không kết thúc ở đó, các tài khoản này đã bị đối tượng xấu lợi dụng để tổ chức cho người khác nhập cảnh trái phép trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Qua điều tra xác minh, lực lượng Công an đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với cả ba người số tiền gần 128 triệu đồng.
Trước đó, khoảng tháng 8/2024, 13 cá nhân khác nghe theo lời chào mời, dụ dỗ của các đối tượng lấy tài khoản ngân hàng đem bán, có trường hợp đối tượng chỉ thu mua với 300.000 đồng. Vì không am hiểu về pháp luật, nhiều người đem bán tài khoản ngân hàng với giá rất rẻ.
Qua điều tra, xác minh vụ việc, Phòng An ninh kinh tế, Công an tỉnh Đồng Tháp đã tống đạt quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 13 cá nhân trên về hành vi bán trái phép thông tin tài khoản ngân hàng với tổng số tiền hơn 500 triệu đồng.
Thông tin đăng tải trên Cổng thông tin điện tử Bộ Công an, Thượng tá Nguyễn Anh Dũng - Phó Trưởng Phòng An ninh kinh tế, Công an tỉnh Đồng Tháp - khuyến cáo, các đối tượng thường đánh vào tâm lý hám lợi của bị hại, tập trung vào các vùng nông thôn, khu vực có đông công nhân lao động để dụ dỗ mua bán, cầm cố tài khoản ngân hàng.
Việc mua bán tài khoản ngân hàng tiềm ẩn nhiều rủi ro mà hậu quả là do chủ tài khoản gánh chịu, như là bị dư nợ trong tài khoản ngân hàng mà không rõ nguyên nhân.
Thượng tá Nguyễn Anh Dũng cảnh báo, người dân cần phải có biện pháp tự bảo vệ tài khoản ngân hàng, thông tin cá nhân của mình, không chia sẻ hoặc cung cấp thông tin cho bất kỳ tổ chức, cá nhân nào mà mình không quen biết.
Khi bị mất các giấy tờ tùy thân, thẻ ngân hàng, cần nhanh chóng thông báo cho ngân hàng hỗ trợ để khóa tài khoản. Khi phát hiện có người chào mời mua bán tài khoản ngân hàng thì nhanh chóng tố giác với cơ quan công an để có biện pháp xử lý, ngăn chặn.