Mốt dùng đồ hiệu nhái tại Hàn Quốc

17-01-2025 17:40:05

Những cụm từ như "hàng mô phỏng" hay "phong cách Chanel" được sử dụng thay thế cho "hàng giả", nhằm giảm nhẹ cảm giác tiêu cực gắn liền với việc sử dụng các sản phẩm này.

Tại Hàn Quốc, hiện tượng sử dụng hàng nhái đang trở thành một trào lưu được nhiều người công khai ủng hộ. Không còn giấu giếm như trước đây, người tiêu dùng hiện tại sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm mua sắm hàng giả trên mạng xã hội và các cộng đồng trực tuyến. Họ tự hào vì có thể sở hữu những món đồ "giống hệt hàng thật" với giá chỉ bằng một phần nhỏ so với giá gốc. Những cụm từ như "hàng mô phỏng" hay "phong cách Chanel" được sử dụng thay thế cho "hàng giả", nhằm giảm nhẹ cảm giác tiêu cực gắn liền với việc sử dụng các sản phẩm này.

Mốt dùng đồ hiệu nhái tại Hàn Quốc

Một trong những địa điểm nổi bật bày bán hàng nhái là khu vực dưới bến xe buýt tốc hành Gangnam, nơi các mặt hàng từ túi xách đến trang sức của các thương hiệu xa xỉ như Chanel, Burberry được bày bán công khai. Các cửa hàng trực tuyến cũng không kém cạnh khi dùng ký hiệu như "st." để ngụ ý sản phẩm là hàng nhái. Thị trường hàng giả ngày càng tinh vi với những sản phẩm được đóng gói, thiết kế gần như hoàn hảo. Những chiếc túi xách hay vòng tay có thể dễ dàng đánh lừa người tiêu dùng bình thường, thậm chí đôi khi còn vượt trội về chất lượng đường may và độ chi tiết.

Song Ji A, thí sinh nổi tiếng ở show hẹn hò Địa ngục độc thân, từng bị chỉ trích vì dùng hàng hiệu nhái. Ảnh: Creatrip.

Thay đổi trong nhận thức và văn hóa tiêu dùng

Song song với sự phổ biến của hàng giả, một bộ phận người tiêu dùng cũng đưa ra lý do "thực tế" để bảo vệ xu hướng này. Theo họ, việc mua hàng nhái giúp tiết kiệm chi phí mà vẫn đảm bảo được sự sang trọng bên ngoài. Điều này đồng thời phản ánh một góc nhìn mới: việc mua sắm hàng chính hãng giờ đây không còn được coi là cần thiết mà thậm chí bị xem là phô trương.

Không chỉ những người có thu nhập thấp, mà cả tầng lớp trung lưu và thậm chí giàu có cũng bắt đầu sử dụng hàng giả. Song Ji-yeon, làm việc tại Tập đoàn Tư vấn Boston, nhận định rằng sự thay đổi này xuất phát từ hai lý do chính. Đầu tiên, nhiều người cảm thấy không chắc chắn về tính xác thực của hàng hóa, ngay cả khi mua tại các cửa hàng chính hãng hoặc qua các nền tảng thương mại điện tử. Thứ hai, họ có xu hướng chỉ sử dụng hàng thật trong các dịp đặc biệt, còn trong cuộc sống thường ngày, hàng nhái là lựa chọn hợp lý hơn về kinh tế.

Hơn nữa, với sự phát triển của các nền tảng mạng xã hội, việc quảng bá và tiếp cận hàng giả trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Nhiều người bán hàng còn sử dụng các kênh trực tuyến để giới thiệu sản phẩm một cách tinh tế, thậm chí cung cấp danh sách cửa hàng bán hàng nhái dưới dạng "mẹo du lịch" hoặc "quà lưu niệm". Một số khách hàng còn bay sang Trung Quốc để mua hàng nhái tại các chợ lớn ở Thượng Hải và Quảng Châu, hoặc đặt hàng từ các nhà cung cấp trực tuyến với giá cả phải chăng.

Minh Khoa (Theo Korea Times)
Theo Dân Việt //