Môn thi thứ 3 vào lớp 10: Có cần thiết thay đổi hằng năm?

26-10-2024 07:20:52

Dự thảo Quy chế thi tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT quy định môn thi thứ 3 vào lớp 10 sẽ được công bố trước ngày 31/3 hàng năm. Tuy nhiên, nhiều ý kiến đề xuất việc công bố môn thi thứ 3 nên tiến hành sớm hơn và có tính ổn định để giảm áp lực cho học sinh.

Áp lực môn thi thứ 3

Theo dự thảo thông tư ban hành Quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT do Bộ GDĐT công bố mới đây, phương thức tuyển sinh lớp 10 bao gồm: Thi tuyển, xét tuyển hoặc xét tuyển kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển.

Quyền lựa chọn phương thức xét tuyển được giao về các địa phương. Đối với việc tổ chức thi tuyển, để đảm bảo thống nhất và đảm bảo quan điểm kỳ thi nhẹ nhàng, không gây tốn kém, dự thảo Quy chế quy định chung việc thực hiện 3 môn thi, gồm Toán, Ngữ văn và 1 môn thi thứ 3 hoặc bài thi tổ hợp do Sở GDĐT, cơ sở giáo dục đại học có trường THPT lựa chọn và được công bố trước ngày 31/3 hằng năm.

Thí sinh hoàn thành bài thi môn Ngữ văn kỳ thi vào lớp 10 năm học 2024-2025 tại Hà Nội. Ảnh: Lê Khánh.

Môn thi thứ 3 được lựa chọn trong số các môn học có đánh giá bằng điểm số trong chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS. Bộ GDĐT cho biết, việc lựa chọn môn thi thứ 3 có sự thay đổi qua các năm nhằm thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện trong giai đoạn giáo dục cơ bản.

Bộ GDĐT cho biết, về phương án thi lớp 10, hiện có 60/63 sở GDĐT đồng ý với phương án 3 môn thi tuyển sinh và cho rằng điều này phù hợp thực tế và giảm áp lực.

Tuy nhiên việc lựa chọn môn thi thứ 3 thế nào đang có nhiều quan điểm trái chiều. Nhiều ý kiến cho rằng, môn thi thứ 3 nên là môn Ngoại ngữ. Đây là môn thi được 50 tỉnh, thành phố tổ chức thi tuyển trong kỳ thi vào lớp 10 năm 2024. Trong đó, môn Ngoại ngữ phổ biến nhất là Tiếng Anh.

Ngược lại, cũng nhiều ý kiến đề xuất môn thi thứ 3 là một môn tự chọn. Nêu quan điểm về đề xuất này, ông Hồ Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường THCS Quỳnh Phương (Nghệ An) cho rằng, kỳ thi vào lớp 10 ở đa số các địa phương tổ chức thi 3 môn là Toán, Ngữ văn và Tiếng Anh. Ưu điểm của việc ấn định 3 môn thi này hiện nay là đảm bảo sự ổn định trong thi cử song nhược điểm của phương án này là dễ dẫn đến việc học lệch.

Ngoài ra, việc ấn định 3 môn thi như trên cũng dễ dẫn đến sự thiếu công bằng bởi những em có năng khiếu ngoại ngữ hoặc có điều kiện đầu tư học thêm ngoại ngữ sẽ có lợi thế hơn trong cuộc cạnh tranh vào lớp 10 so với các học sinh còn lại.

Vì vậy, ông Tuấn Anh đề xuất, số môn thi chỉ nên duy trì 3 môn. Trong đó có 2 môn bắt buộc là Toán và Ngữ văn. Riêng môn thứ 3, thay vì cố định môn Tiếng Anh như lâu nay thì nên là một môn tự chọn.

“Khi học sinh chọn một trong các môn văn hóa đang học ở lớp 9 làm môn thi thứ 3, sẽ bắt buộc các trường phải chú trọng dạy đều các môn, chấm dứt tình trạng môn chính - môn phụ. Quan trọng hơn là học sinh được lựa chọn môn thi phù hợp với sở trường của mình để có sự cạnh tranh công bằng, đồng thời khi lên THPT các em cũng có sự lựa chọn tổ hợp môn học phù hợp”, ông Tuấn Anh nêu quan điểm.

Cần tính ổn định, giảm áp lực không cần thiết

Có thể thấy, dù dự thảo đã bỏ hình thức bốc thăm môn thứ 3 bằng hình thức lựa chọn trong số các môn học có đánh giá bằng điểm số trong chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS nhưng việc để lựa chọn môn thi thứ 3 thế nào cũng là câu hỏi đặt ra. Nhiều giáo viên, chuyên gia cho rằng, phương án này không khác nhiều với hình thức bốc thăm mà Bộ GDĐT đã lấy ý kiến trước đó.

Hơn nữa, dự thảo cũng quy định, việc lựa chọn môn thi thứ 3 có sự thay đổi qua các năm nhằm thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện trong giai đoạn giáo dục cơ bản và công bố trước ngày 31/3 hằng năm. Điều này vẫn tiếp tục tạo áp lực cho học sinh vì thời gian công bố môn thi đến trước khi thi tuyển sinh vào lớp 10 chỉ hơn 2 tháng.

Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, GS.TSKH Nguyễn Mậu Bành – Chủ tịch Hội Cựu Giáo chức Việt Nam kiến nghị Bộ GDĐT cần chú ý tới tính ổn định của kỳ thi. Như vậy, tâm lý và cách dạy và học của giáo viên và học sinh sẽ ổn định, không phải thấp thỏm chờ đợi công bố môn thi thứ 3 hằng năm.

“Nói như vậy không phải ổn định là bảo thủ, không thể có sự đổi mới mà số môn thi nên xác định rõ ràng và ổn định trong nhiều năm”, ông Bành nhấn mạnh.

Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 đang trở nên quá nặng nề, áp lực, khiến phụ huynh, học sinh vô cùng lo lắng. Hiện số trường THPT công lập đang thiếu, nhất là ở các đô thị, khu dân cư đông. Thậm chí, ngay giữa Thủ đô Hà Nội mà học sinh muốn vào lớp 10 cũng rất khó khăn. Theo quan điểm của ông Bành là "không thể được".

Trước thực trạng trên, với cương vị Chủ tịch Hội Cựu Giáo chức Việt Nam, GS.TSKH Nguyễn Mậu Bành mong muốn, Nhà nước cần có thêm đầu tư cho giáo dục. Bộ GDĐT nên đề nghị Nhà nước tăng thêm ngân sách giáo dục để thỏa mãn nhu cầu học tập của người dân, ít nhất là hết bậc THPT.

Nguyễn Hoài
Theo Đại Đoàn Kết //