Mỗi ngày có 7 ca tử vong vì ung thư cổ tử cung, bác sĩ chỉ ngay cách phòng ngừa

20-03-2018 19:00:49

Thủ phạm gây bệnh ung thư cổ tử cung là do virus HPV. Tuy nhiên nhiều người vẫn còn thiếu kiến thức hoặc e ngại về việc tiêm vắc xin phòng bệnh.


Tiêm vacxin ngừa HPV là biện pháp hiệu quả phòng bệnh ung thư cổ tử cung

Những con số giật mình sau 10 năm triển khai tiêm vacxin ngừa HPV ở Việt Nam

Theo thông tin từ Hội thảo khoa học “Vắc xin HPV, nhìn lại 10 năm an toàn và hiệu lực cộng đồng”, do Hội Y học Dự phòng Việt Nam và Viện Pasteur TP.HCM tổ chức, các chuyên gia cho biết một triệu liều vắc xin HPV đã được sử dụng cho suốt 10 năm qua. Tuy nhiên, con số trên là quá nhỏ so với 42 triệu phụ nữ, trẻ em gái ở Việt Nam.

Theo thống kê từ Bộ Y tế, phụ nữ Việt có nguy cơ nhiễm virus HPV ít nhất một lần trong đời. Tỷ lệ nhiễm cao nhất xảy ra ở độ tuổi 20-30, có thể lên đến 20-25%. Một con số đáng ngại là trung bình mỗi ngày Việt Nam hiện có khoảng 14 ca mắc mới, trong đó khoảng 7 ca tử vong vì HPV.

Nhiều nghiên cứu đã chỉ rõ thủ phạm gây bệnh ung thư cổ tử cung là do virus HPV, trong đó hai chủng HPV 16 và HPV 18 là thủ phạm gây ra 70% trường hợp ung thư cổ tử cung. Gánh nặng của căn bệnh ung thư này rất lớn, hậu quả nặng nề như suy giảm sức khỏe, nguy cơ vô sinh.

Có thể ngừa ung thư cổ tử cung bằng cách tiêm vacxin

Trao đổi với PV Đời sống Plus, BS Nguyễn Thu Hà (Bệnh viện Đại học Quốc gia) cho biết ung thư cổ tử cung là bệnh ung thư phụ khoa nguy hiểm thường gặp ở phụ nữ. Nguyên nhân chủ yếu gây bệnh này là virus HPV, chủ yếu lây qua đường quan hệ tình dục.

Ung thư cổ tử cung diễn tiến âm thầm và kéo dài từ 5-20 năm. Triệu chứng của bệnh thường khá mờ nhạt, dễ nhầm lẫn với các bệnh phụ khoa khác. Do đó, nhiều trường hợp phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn, bệnh nhân phải phẫu thuật cắt bỏ một phần hay toàn bộ tử cung. Đây là nguy cơ khiến phụ nữ bị mất đi quyền làm mẹ.


Các giai đoạn của ung thư cổ tử cung

Đặc biệt, BS Hà cho biết cũng như các bệnh ung thư khác ung thư cổ tử cung cũng có nguy cơ gây tử vong khi ở giai đoạn cuối. Bệnh chưa có thuốc đặc trị, cách phòng ngừa bệnh đơn giản và hiệu quả nhất là tiêm vắc xin ngừa virus HPV.

BS Hà cũng cho biết thêm, virus HPV hầu như chỉ xuất hiện ở những phụ nữ đã có quan hệ tình dục ít nhất một lần. Vì vậy, tiêm ngừa HPV là cách tốt nhất để phụ nữ phòng ngừa ung thư cổ tử cung và lây nhiễm HPV cho bạn tình.

Vacxin phòng ngừa HPV được dùng để ngăn chặn loại vi khuẩn này xâm nhập vào cơ thể gây bệnh. Nếu được tiêm trước khi tiếp xúc với virus qua lây nhiễm trong lúc quan hệ thì có thể ngăn ngừa được bệnh ung thư cổ tử cung cho phụ nữ, ngoài ra loại vacxin này còn phòng ngừa được một số bệnh phụ khoa khác như: mụn cơm sinh dục, ung thư âm hộ, ung thư âm đạo, ung thư hậu môn.

BS Hà cho biết, tiêm ngừa ung thư cổ tử cung có hiệu quả nhất khi bạn gái chưa quan hệ tình dục và ở trong độ tuổi từ 9-25 tức là nên tiêm mũi cuối cùng (trong 3 mũi tiêm) trước tuổi 26.

Theo thông tin được tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố thì độ tuổi có hệ miễn dịch khỏe mạnh nhất để tiêm ngừa HPV là ở những bé gái trong khoảng 10-12 tuổi và chưa tiếp xúc qua với virus HPV.

Phụ nữ từ 20 đến 25 tuổi chưa kết hôn hoặc vẫn chưa có quan hệ tình dục lần đầu thì vẫn có thể tiêm ngừa HPV, tuy nhiên tiêm ngừa vào lúc này hiệu quả sẽ giảm đi 1,5lần. Phụ nữ đã qua độ tuổi tiêm ngừa HPV hoặc đã có quan hệ tình dục vẫn có thể tiêm ngừa, nhưng hiệu quả phòng ngừa thì không được xác định rõ.


Hình chụp cổ tử cung bình thường và ung thư cổ tử cung

BS Hà cho biết vacxin ngừa HPV hiện nay có hai loại là Cervarix của Bỉ (ngừa 2 chủng virus HPV 16 và 18) và Gardasil của Mỹ (ngừa 4 chủng HPV 6, 11, 16, 18).

Đặc biệt BS Hà cũng lưu ý, trong thời gian tiêm ngừa không được có hoạt động quan hệ tình dục để tránh lây nhiễm HPV khi cơ thể chưa tạo được hệ miễn dịch bảo vệ đầy đủ.

Còn một vấn đề mà nhiều người băn khoăn là tiêm ngừa vacxin HPV có an toàn không, BS Nguyễn Thu Hà cho biết, tại Việt Nam, vài năm trước đây có dấy lên thông tin về việc một cô gái tử vong vì tiêm HPV nhưng sau đó cơ quan chức năng vào cuộc khi giám định mẩu vacxin thì không thấy có dấu hiệu bất thường nào nên không đủ cơ sở xác định nguyên nhân tử vong.

 Báo cáo mới nhất của Hiệp hội sản phụ khoa tại Mỹ khẳng định, tính đến thời điểm hiện tại đã có hơn 60 triệu liệu HPV được tiêm nhưng chưa ghi nhận bất kỳ trường hợp gây tác dụng phụ nào và cũng chưa có ghi nhận bất kỳ ca từ vong nào tại nước này.

BS Hà chia sẻ ung thư cổ tử cung là căn bệnh ung thư nhiều thứ 2 ở phụ nữ và cứ 2 phút lại có một phụ nữ trên thế giới chết vì ung thư cổ tử cung vì thế các bạn gái đừng chần chừ khi quyết định tiêm ngừa HPV bởi nếu không may mắc bệnh gánh nặng với sưc khoẻ, tính mạng, kinh tế và cơ hội làm mẹ sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.


Chà xát các ngón tay theo cách này, gan thận và dạ dày tự khỏe không tốn 1 xu 

Lam Khuê
Theo Đời sống Plus/GĐVN //